Bà chủ quán Sushi thổi hồn vào những chiếc vây cá

    Sở thích đam mê sưu tập vây cá có vẻ "kỳ quặc" đã mở ra nhiều cơ hội mới cho cuộc đời của một người phụ nữ Nhật ở tuổi tứ tuần. 

    Từ những chiếc vây cá bỏ đi, bà chủ quán Sushi ở quận Ginza phồn hoa của Tokyo đã biến chúng thành đồ trang trí dễ thương, thậm chí là xuất bản cả sách tranh để mang vẻ đẹp độc đáo của vây cá đến với mọi người. 

    Tính đến nay, bà Emiko Yamabe đã sưu tập khoảng 40.000 đuôi và vây của ít nhất 100 loài cá khác nhau và biến chúng thành những chiếc móc khóa xinh xắn để bán hoặc trưng bày. 

    Hiện tại, bà đang là chủ cửa hàng Sushidokoro Shiki, đảm trách việc tiếp đón khách và chuẩn bị nguyên liệu cá cho món Sushi. Trong quá trình làm việc, bà bị thu hút bởi những chiếc vây cá đa dạng màu sắc và kích cỡ, chúng đẹp theo cách riêng dưới "bàn tay" của mẹ thiên nhiên. Nghĩ rằng thật lãng phí khi phải vứt bỏ, đúng với tinh thần của triết lý Mottainai, bà đã quyết định sưu tầm chúng cách đây vài năm.

    Emiko Yamabe
    Bà Emiko Yamabe cùng bộ sưu tập vây cá của mình. Ảnh: Asahi 

    Qua nhiều lần thử nghiệm và thất bại, sau cùng, bà Yamabe đã tìm được phương pháp làm khô vây cá trong tủ lạnh rồi sau đó phủ lên một lớp nhựa. Cần nửa ngày để làm khô vây cá mòi và các loài cá nhỏ khác, nhưng mất khoảng ba ngày để hong khô vây cá lớn. 

    Vào năm 2021, bà đã tặng thành phẩm cho các khách quen và có người đã biến món quà ấy thành đôi hoa tai. Sở thích vây cá độc lạ của bà Yamabe đã thu hút các vị khách, họ đề nghị bà nên mở cửa tiệm và làm những món đồ xinh xắn từ vây cá. 

    Lắng nghe mong muốn của mọi người, bà đã tạo tài khoản Instagram @uohire.uroko đưa người xem bước vào thế giới muôn màu của những chiếc vây. Trong đầu năm 2022, bà đã tổng hợp bộ sưu tập thành một cuốn sách tranh nhỏ với hơn 40 bức, cộng thêm phần mô tả kích thước cho từng hình. 

    sấy khô vây cá
    Vây cá được đựng trong khay để chuẩn bị đem làm khô trong tủ lạnh. Ảnh: Asahi 

    Theo bà Yamabe, cá kình (hay cá đầu vuông) tuy khuôn mặt có phần "lơ mơ như thiếu ngủ" nhưng vây ngực mỏng và trong suốt của nó được bà ví như "những chiếc áo choàng đẹp tuyệt trần". Ngoài ra, vây cá cạp đen rất đẹp với màu xanh nước biển nhạt sặc sỡ. Bà Yamabe từng có lần dùng chúng làm lông mi giả. 

    Ngay sau khi ra mắt sách, bà Yamabe đã nhận được nhiều lời đề nghị mua ấn phẩm từ các hiệu sách. Có thể thấy, Yamabe là minh chứng rõ ràng cho việc biến thứ bình thường như vây cá trở thành “kho báu”.

    trưng bày vây cá
    Vây cá được trưng bày trong các ô nhựa. Ảnh: Asahi 

    Hiện tại Yamabe đã tìm thấy niềm đam mê của mình, và bà cũng không ngần ngại chia sẻ về quá khứ đầy thử thách trong suốt những năm tuổi 20. Bà tốt nghiệp ở khoa Thư tín tại Đại học Chiba năm 22 tuổi, giữa thời kỳ thị trường lao động đóng băng khiến cho sinh viên ra trường chật vật tìm việc làm.

    Yamabe đã gửi đơn ứng tuyển đến vô số công ty để tham gia kỳ thi tuyển dụng nhưng hầu như không nhận được phản hồi nào. Bối rối khi không biết nên làm gì và muốn gì ở cuộc đời, Yamabe đã làm công việc kế toán thời vụ cho nhiều công ty. 

    Trong một lần đi câu cá với đồng nghiệp và câu được một chú cá ngừ con, Yamabe nhớ lại câu chuyện trước đó 10 năm, thuở bà còn là thành viên của một câu lạc bộ cá ở trường đại học. Bà đã luôn yêu thích được thưởng thức món ngon từ cá, ở tuổi đôi mươi bà cũng từng khao khát thành thục kỹ năng phi lê cá.

    vây cá hồng
    Vây cá hồng. Ảnh: Asahi 

    Vì vậy ở tuổi 33, Yamabe quyết định theo đuổi niềm đam mê khi xưa. Bà bắt đầu học lớp buổi tối tại một trường dạy nấu ăn, đồng thời nghỉ công việc kế toán để chuyển sang làm ở bộ phận về cá tại một siêu thị vào ban ngày để cải thiện kỹ năng phi lê cá. 

    Đến năm 2013, khi 38 tuổi, Yamabe quyết định kinh doanh cùng người đồng nghiệp Masashi Yoshimura, 49 tuổi cùng làm chung tại một cửa hàng Sushi. Cả hai đã cùng sáng lập nên quán Sushi mang tên Sushidokoro Shiki, với Yoshimura đảm nhiệm vị trí đầu bếp.

    vây cá nục vân vàng
    Vây cá nục vân vàng. Ảnh: Asahi 

    Nhờ niềm đam mê mãnh liệt dành cho vây cá, Yamabe đã có cơ hội gặp gỡ nhiều người thuộc nhiều lĩnh vực trong năm 2021, bao gồm nhiếp ảnh gia, nhà thiết kế, những người thuộc ngành xuất bản.

    Yamabe cười và chia sẻ: “Tôi chưa từng nghĩ có điều gì đó khiến bản thân tin rằng đó chính là thứ mình cần tìm. Cuối cùng thì tôi cũng đã tìm ra thứ mình có thể yêu thích từ tận trái tim”.

    Bà Yamabe bày tỏ hy vọng rằng những sản phẩm vây cá của mình sẽ được trưng bày ở các thủy cung và bảo tàng một ngày nào đó. Bà cũng mong muốn tổ chức những buổi hội thảo về vây cá dành cho trẻ em. 

    Từ ngày 21/11 đến ngày 27/12, bộ sưu tập vây cá của bà Yamabe sẽ được trưng bày ở một triển lãm đặc biệt tại thư viện Ginrin Bunko, chợ Toyosu, phường Koto, Tokyo. Tại triển lãm miễn phí vé này, du khách có thể mua sách tranh và móc khóa vây cá độc nhất vô nhị từ Yamabe. 

    kilala.vn

    30/11/2022

    Bài: Rin
    Nguồn: Asahi

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!