Show thực tế “Love is Blind” của Netflix nói gì về xã hội Nhật Bản?

    Chương trình thực tế “Love is Blind” của Netflix mang đến cái nhìn đa chiều về góc khuất trong văn hóa hẹn hò, hôn nhân và giao tiếp ở Nhật Bản.

    Love is Blind là chương trình hẹn hò thực tế của Mỹ do Netflix sản xuất. Chương trình theo chân những người độc thân đang tràn đầy hy vọng kiếm tìm tình yêu. Trong mười ngày đầu, các cá nhân tìm hiểu nhau mà không gặp mặt trực tiếp. Cuối cùng, mỗi người chơi được yêu cầu quyết định xem họ có muốn tiếp tục mối quan hệ này hay không.

    love is blind japan

    Love is blind: Japan. Ảnh: Gaijinpot

    Phiên bản Mỹ (bản gốc) của chương trình ra mắt vào dịp lễ tình nhân năm 2020, trong khi đó Love is Blind: Japan (bản Nhật) lên sóng nền tảng Netflix vào ngày 8/2 năm nay với format gần như giữ nguyên so với bản gốc.

    Không chỉ là câu chuyện về tình yêu, hẹn hò, hôn nhân, Love is Blind: Japan còn mang lại cho người xem một góc nhìn khác về giao tiếp trong xã hội Nhật và thế giới hẹn hò của người Nhật.

    Quan điểm sống khác biệt: đàn ông muốn phụ nữ phục tùng, phụ nữ muốn có sự nghiệp riêng

    Trong chương trình, người chơi Mori nói rằng anh ấy mong muốn một đối tác "sẽ hỗ trợ mình theo đuổi ước mơ." Trong khi đó,  Minami, đối tượng hẹn hò của anh đáp lại rằng cô ấy vẫn muốn tiếp tục sự nghiệp của mình. Sau đó, Mori quyết định cả hai nên kết thúc mối quan hệ yêu đương này. 

    quan điểm hôn nhân của người Nhật
    Ảnh: Gaijinpot

    Sự phục tùng dựa trên giới được xem là chuẩn mực trong xã hội Nhật Bản. Chúng ta từng nghe “ăn cơm Tàu, lấy vợ Nhật, ở nhà Tây”, câu nói phần nào phản ánh mối quan hệ giữa đàn ông và phụ nữ Nhật Bản trong hôn nhân. Tư tưởng phụ nữ sau khi lấy chồng phải làm công việc nội trợ và chăm sóc gia đình đã ăn sâu vào tư duy của người Nhật bao đời nay. 

    Tuy nhiên, khi xã hội ngày càng phát triển, người phụ nữ được học hành và tham gia vào các công việc xã hội, vị thế vì vậy cũng nâng cao hơn. Trong xã hội hiện đại, người phụ nữ cũng có ước mơ, sự nghiệp, có vai trò riêng trong xã hội. Thay vì chấp nhận cảnh trở thành bà nội trợ sau khi kết hôn, phụ nữ Nhật Bản hiện nay có ý chí phấn đấu cho sự nghiệp và không quá đặt nặng chuyện kết hôn.

    [subscribe]

    Ngược lại, đàn ông Nhật vẫn còn mang nặng tư tưởng phong kiến, do đó trong hôn nhân, họ hy vọng người bạn đời của mình coi trọng mình hơn bất cứ điều gì khác.

    Những khác biệt về quan niệm hôn nhân giữa hai giới đã phần nào phản ánh nguyên nhân của xu hướng kết hôn muộn ở phụ nữ Nhật, thậm chí là lựa chọn độc thân suốt đời.

    Xem thêm: “Trần nhà thủy tinh”: rào cản thăng tiến sự nghiệp của phụ nữ Nhật

    Kỳ thị về ly hôn, hình xăm, tóc vàng 

    Trong buổi hẹn hò giấu mặt đầu tiên (buổi hẹn hò giữa những người chưa từng biết nhau), vài người tham gia đã thú nhận với đối phương một số khía cạnh về ngoại hình hay lịch sử cá nhân của mình, những điều mà người xem ở các nền văn hóa khác cảm thấy không nhất thiết phải đề cập.

    Vài người chơi có chút xấu hổ khi nói về việc ly hôn, trong đó có Motomi. Cô bộc bạch nỗi bất an của mình bắt nguồn từ việc đã từng ly hôn. Đối với một số người đàn ông, ly hôn là một vấn đề, vì vậy Motomi cảm thấy sợ hãi khi nói về nó.

    Bên cạnh ly hôn, hình xăm hay tóc nhuộm cũng là những hình ảnh nhận về sự kỳ thị từ nhiều người ở Nhật Bản. 

    Được biết định kiến hiện nay của người Nhật về hình xăm bắt nguồn từ mối liên hệ giữa nó với Yakuza, những tổ chức tội phạm khét tiếng tại sứ xở mặt trời mọc. Ngược về lịch sử, vào thời kỳ Edo (1603 - 1868), khi phạm tội, các phạm nhân bị xử phạt bằng hình xăm. Cũng trong thời kỳ đó, các “Yuujo” (遊女 – du nữ) – gái bán hoa cũng dùng hình xăm để tỏ lòng tận tâm phục vụ với những khách hàng thân thiết. Dưới thời Meiji (1868 – 1912), hình xăm từng bị xem là trái pháp luật.

    yakuza
    Ở Nhật hình xăm bị cho là có mối liên hệ với Yakuza. Ảnh: AFP

    Chính vì vậy, trong quan niệm của người Nhật, hình xăm không phải một thứ hay ho và tốt đẹp. Thậm chí một số onsen (suối nước nóng), sento (phòng tắm công cộng), ryokan (nhà trọ kiểu truyền thống) ở Nhật cũng “cấm cửa” đối với người có hình xăm.

    cấm người có hình xăm
    Một suối nước nóng ở Nhật với biển cấm người có hình xăm. Ảnh: Hajime Nakano/Flickr

    Tóc nhuộm cũng là một yếu tố ngoại hình mà người Nhật chú trọng, đặc biệt đối với đối tượng hẹn hò và kết hôn. Trong Love is Blind, Ryotaro, một người chơi đã để tóc tẩy trong phần lớn chương trình, nhưng trước khi ra mắt cha của vị hôn thê, anh đã nhuộm đen mái tóc trở lại.

    Vẻ ngoài quan trọng như thế nào?

    Có một tình tiết trong chương trình cho thấy người chơi Midori không thực sự bị thu hút bởi Wataru, vị hôn phu của cô, sau khi cả hai gặp mặt trực tiếp.

    Vào cuối chương trình, Midori thú nhận, cô đã nói với Wataru rằng anh cần “làm gì đó” với cái cái bụng mỡ. Thực tế, anh chàng Wataru đã nỗ lực giảm được 6 – 7kg trong ba tuần.

    love is blind japan wataru midori
    Cặp đôi Wataru và Midori trong chương trình. Ảnh: Gaijinpot

    Thật ngạc nhiên khi thấy cân nặng của một ai đó được thảo luận thẳng thắn như vậy, đặc biệt là trở thành điều kiện tiên quyết để yêu.

    Gần đây, “body shaming” đã bị lên án dữ dội ở Nhật Bản. Chẳng hạn, các quảng cáo trực tuyến về thực phẩm bổ sung hoặc làm đẹp miêu tả người thừa cân là “không ai thích” đã vấp phải chỉ trích dữ dội. Cũng như nhiều nơi trên thế giới, Nhật Bản đang trong quá trình nỗ lực xóa bỏ thói quen miệt thị về ngoại hình.

    Trong chương trình, cuối cùng Midori đã bị ấn tượng bởi cam kết giảm cân của Wataru và việc luyện tập thể đục đã trở thành hoạt động chung của cả hai. Có thể thấy, trong mối quan hệ yêu đương của người Nhật, vẻ ngoài vẫn đóng vai trò quan trọng, nhưng nỗ lực cũng đáng để xem xét.

    Phụ nữ là phải nội trợ?

    Trong Love is Blind, những người tham gia cũng dành thời gian để chia sẻ và thấu hiểu quan điểm về vai trò giới của đối phương, chẳng hạn như vấn đề phân chia công việc nội trợ hoặc mức độ người vợ nên làm việc ở ngoài.

    Đối với những người phụ nữ, tìm hiểu quan điểm của đối tượng hẹn hò về vai trò và bình đẳng giới trước khi bước vào cuộc hôn nhân là một việc chính đáng và cần thiết.

    Người chơi Minami tâm sự rằng cô đã gặp qua nhiều chàng trai, họ nghĩ rằng phụ nữ không nên chỉ làm việc ở ngoài mà còn phải chăm sóc con cái. 

    phụ nữ nhật bản làm nội trợ
    Ảnh: inf.news

    Trên thực tế, mặc dù số lượng những hộ gia đình có thu nhập kép (cả chồng và vợ đều làm việc bên ngoài) tăng đều trong thập kỷ qua nhưng Nhật Bản vẫn đứng ở vị trí khá thấp trong bảng xếp hạng bình đẳng giới toàn cầu. 

    Cụ thể, theo dữ liệu mới nhất của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, quốc gia này đứng thứ 116 trong số 146 quốc gia trong bảng xếp hạng khoảng cách giới năm nay, vị trí cuối cùng trong nhóm G7. Ngoài ra, đất nước mặt trời mọc cũng đứng cuối trong nhóm khu vực Đông Á và Thái Bình Dương.

    Người tham gia có lối nghĩ nặng truyền thống nhất trong Love is Blind, Atsushi đã trả lời phỏng vấn rằng, anh nghĩ bếp là lãnh địa của phụ nữ và anh mong muốn ở cùng một người thích nội trợ. 

    vai trò giới trong hôn nhân
    Người chơi Motomi cảnh báo Ayano về Atsushi. Ảnh: Gaijinpot
    Qua chia sẻ của những người tham gia Love is Blind, có thể thấy bình đẳng giới vẫn là một vấn đề nổi cộm trong xã hội Nhật Bản và là một trong những điều phụ nữ nước này cân nhắc khi nghĩ về hôn nhân. 

    Xem thêm: 50% phụ nữ Nhật cho rằng công việc là rào cản của hôn nhân

    kilala.vn

    03/09/2022

    Bài: Happy
    Nguồn: Gaijinpot

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!