Vượt lên số phận, cặp đôi Nhật thiểu năng trí tuệ kết hôn ở tuổi 62

    Cặp đôi đã quen biết nhau từ ba thập niên trước, sau cùng nên duyên vợ chồng ở tuổi 62, bất chấp sự phản đối từ gia đình và nhiều người khác vì cho rằng người khuyết tật tâm thần sẽ không bao giờ có thể kết hôn.

    S

    inh sống tại Nagoya, Shunsuke Watarai và người vợ Kikuyo gặp gỡ lần đầu khi họ đang ở độ tuổi 30, thông qua một người quen. Theo Shunsuke, ngay từ lần đầu tiên gặp mặt, họ đã tâm đầu ý hợp nhưng gia đình và nhân viên phúc lợi lại tự ý quyết định rằng mối quan hệ lãng mạn với họ là điều bất khả thi. 

    Shunsuke, người được chẩn đoán tâm thần nhẹ cho biết: “Vẫn có những việc nhất định mà chúng tôi có thể làm cho cuộc đời mình nếu cố gắng. Thay vì đơn phương quyết định “Không”, chúng tôi muốn được mọi người giải thích rằng vì sao lại không thể”. 

    Shunsuke Watarai và vợ Kikuyo
    Ông Shunsuke Watarai và vợ Kikuyo. Ảnh: Kyodo 

    Cùng tuổi với chồng, bà Kikuyo bị thiểu năng trí tuệ ở mức độ trung bình, cho biết: “Ông ấy ôn hòa và đáng tin cậy” khi nhớ lại khoảnh khắc lần đầu gặp gỡ, nảy sinh cảm tình với nhau. 

    Sau đó, họ bắt đầu làm việc cùng nhau trong một hội thanh niên được thành lập bởi người khuyết tật, hội này có liên kết với một hiệp hội hỗ trợ của các bậc cha mẹ có con bị thiểu năng trí tuệ. Những người trong hội sẽ tổ chức các chuyến tham quan và nhóm học tập cùng nhau. 

    Shunsuke chia sẻ: “Chúng tôi học hỏi được nhiều thứ mới mẻ từ các hoạt động của hội, nó giúp chúng tôi thêm phần tự tin khi nghĩ rằng bản thân vẫn có thể tự làm được nhiều thứ”. 

    Bà Kikuyo từng nghĩ đến việc kết hôn với ông Shunsuke nhiều năm trước nhưng “Tôi đã không thể nói bất kỳ điều gì bởi tôi biết mọi người sẽ phản đối” - bà cho hay. Mãi cho tới khi đến tuổi 50, họ mới nghiêm túc bắt đầu nghĩ đến chuyện lập gia đình. 

    ảnh cưới của Shunsuke Watarai và vợ Kikuyo
    Shunsuke Watarai và vợ Kikuyo chụp ảnh cưới. Ảnh: Kyodo 

    Theo thời gian, khả năng một trong số hai người có thể phải chịu ảnh hưởng từ việc cha mẹ qua đời hoặc cần được người khác chăm sóc tăng lên. Vì vậy, họ quyết định sống chung để có thể hỗ trợ lẫn nhau và xem đây là một bước tiến sáng suốt. Bấy giờ, bà Kikuyo sống trong nhà tập thể, còn ông Shunsuke nhận được sự hỗ trợ từ một văn phòng phúc lợi. Nhưng khi họ tiết lộ ý định kết hôn với gia đình và các nhân viên hỗ trợ thì thứ nhận lại sự phản đối kịch liệt. Shunsuke nhớ lại những lời nói: “Hai người về sống với nhau là điều không thể”. 

    Tuy nhiên, khi bệnh đãng trí của mẹ bà Kikuyo tiến triển xấu hơn, Shunsuke đã cùng Kikuyo chăm sóc mẹ. Thông qua hệ thống giám hộ người trưởng thành, họ nhận được lời tư vấn từ phía luật sư, sau cùng, những người xung quanh đã động lòng trước mong muốn được ở bên nhau của cặp đôi. 

    nhẫn cưới
    Ảnh: assets.slatergordon.co.uk

    Họ kết hôn vào ngày 22/11/2022, đúng ngày sinh nhật lần thứ 62 của ông Shunsuke và cũng là ngày “いい夫婦の日 – Ii fufu no Hi – Ngày Vợ chồng hạnh phúc” tại Nhật Bản. Trước đó, vào tháng 02/2022, họ đã tổ chức buổi lễ lớn để thông báo sẽ kết hôn trước hơn 30 người ủng hộ và nhận được lời chúc phúc từ mọi người. 

    Naoko Nagata, 68 tuổi, người từng tư vấn cho cặp đôi hơn một thập kỷ, chia sẻ: “Tôi nghĩ lòng kiên trì chưa bao giờ bị lay chuyển và quyết tâm của họ đã thu hút những người xung quanh, sau cùng đã lay động gia đình và những người ủng hộ”. 

    Hiện tại, cặp đôi sống tại một tòa chung cư trong thành phố cùng với mẹ của bà Kikuyo. Một người hỗ trợ đến từ dịch vụ phúc lợi người khuyết tật thường đến nhà của họ một lần mỗi tuần. 

    Xem thêm: Cụ ông người Nhật thoát mù chữ vì muốn viết thư tình cho vợ

    Ông Shunsuke đang làm công việc lao công tại Phòng cấp nước của chính quyền thành phố và bà Kikuyo làm việc tại một phân xưởng. Họ có thể kiếm đủ sống khi cộng lương của cả hai cùng khoản trợ cấp cho người khuyết tật. 

    Theo một cuộc khảo sát toàn quốc được tiến hành bởi Kyodo News vào đầu năm 2023, gần 70% người khảo sát có con bị thiểu năng trí tuệ mong muốn có một hệ thống hỗ trợ cho con cái của họ về vấn đề mối quan hệ, hôn nhân và sinh con. 

    Cuộc khảo sát được tiến hành sau khi một ngôi nhà tập thể tại Hokkaido đã yêu cầu cư dân bị thiểu năng trí tuệ phải triệt sản nếu họ muốn kết hôn hoặc sống cùng nhau. Kết quả khảo sát cũng cho thấy khoảng 20% người bị thiểu năng trí tuệ bị hạn chế kết hôn và sinh con. 

    Ông Shunsuke bày tỏ: “Chúng tôi muốn nhiều người biết rằng, ngoài kia cũng có những người như chúng tôi”. 

    kilala.vn

    08/04/2023

    Bài: Rin
    Nguồn: Kyodo

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!