Cụ ông người Nhật thoát mù chữ vì muốn viết thư tình cho vợ
Hơn 20 năm trước, ở tuổi 64, cụ ông Nishihata Tamotsu vẫn quyết định đi học lớp bổ túc ban đêm để xoá mù chữ, xuất phát từ ước muốn viết thư tình dành tặng cho người vợ thân yêu đã luôn bên cạnh mình.
Vợ chồng ông Nishihata Tamotsu, và bà Kyoko gặp nhau khi ông khoảng 35 tuổi. Tuy nhiên, ông đã luôn giấu việc mình không thể đọc, viết vì sợ rằng sau khi sự thật bị phơi bày, người vợ sẽ đề nghị ly hôn với mình. Nào ngờ dù biết được sự thật, bà vẫn luôn ủng hộ và giúp đỡ ông mỗi ngày, để rồi ở cái tuổi 64, ông Nishihata đã quyết tâm đi học để có thể viết thư tình dành tặng cho vợ. Câu chuyện cảm động của vợ chồng ông Nishihata và bà Kyoko đã trở thành cảm hứng cho một vở tấu nói Rakugo.
Ông Nishihata Tamotsu, quê ở tỉnh Nara đã bỏ học sau khi bị bạn bè bắt nạt vào năm lớp hai. Sau đó, ông phụ giúp công việc kinh doanh than của gia đình và bắt đầu đi làm xa nhà khi 12 tuổi. Lúc trở thành nhân viên ở một nhà hàng, Nishihata vô cùng sợ hãi khi phải nghe điện thoại vì ông không biết viết. Cứ bất cứ khi nào Nishihata không thể viết được thông tin đơn hàng, ông lại hứng chịu những trận la mắng. Ông kể lại rằng: “Một số nhân viên đã giúp đỡ ông ghi lại thông tin từ điện thoại của khách hàng, nhưng những người khác thì rời đi khi điện thoại đổ chuông. Tôi cảm thấy rất đau khổ và đã nghỉ làm”.
Vì không biết viết và đọc, ông Nishihata đã phải thường xuyên thay đổi công việc. Cuối cùng, vào năm 30 tuổi, ông kiếm được công việc thời vụ ở một nhà hàng sushi, nơi đã hiểu và thông cảm cho những khó khăn ông phải đối mặt. Đến khoảng năm 35 tuổi, Nishihata đã gặp vợ mình, Kyoko thông qua mai mối và ông đã yêu bà ngay từ cái nhìn đầu tiên. Ngay cả sau khi kết hôn, Nishihata vẫn cố gắng giữ bí mật về việc mình không thể đọc, viết. Trong chuyến đi hưởng tuần trăng mật, ông đã nói dối rằng mình đi vệ sinh khi họ đến nhận phòng tại khách sạn để che giấu đi bí mật.
Nhưng “cây kim trong bọc cũng có ngày lòi ra”, khoảng 6 tháng sau, bà Kyoko đã phát hiện ra bí mật của chồng. Lúc này, ông Nishihata đinh ninh rằng vợ sẽ yêu cầu ly hôn. Trái ngược hoàn toàn với những gì ông suy đoán, bà Kyoko vô cùng cảm thông và nói với ông: “Chắc hẳn điều đó rất khó khăn với anh. Em sẽ giúp anh”. Ngay sau khi nghe được những lời này từ vợ, ông Nishihata bật khóc trong niềm hạnh phúc. Kể từ đó trở đi, bà Kyoko đã cùng ông đi đến các cơ quan nhà nước, ngân hàng và bệnh viện, bà điền các giấy tờ cho ông mỗi khi cần. Nhớ lại những ngày tháng ấm áp này, ông Nishihata chia sẻ: “Tôi không thể tưởng tượng nổi cuộc sống của mình sẽ ra sao nếu không có bà ấy. Kyoko là người vợ tuyệt vời nhất thế gian này”.
Vào năm 2000, khi đã 64 tuổi, ông xin nghỉ việc tại nhà hàng sushi, nơi ông đã gắn bó 34 năm. Cũng trong năm này, Nishihata bắt đầu tham gia các lớp học bổ túc buổi tối ở trường trung học Kasuga, thành phố Nara, tỉnh Nara với mong ước có thể viết thư cho vợ và bày tỏ tấm lòng biết ơn sâu sắc cùng tình yêu dành cho bà. Vào 5 buổi tối mỗi tuần, ông lại tham gia lớp bổ túc để học tiếng Nhật từ những chữ cái đầu tiên. Mặc dù tuổi đã cao, ông Nishihata vẫn tìm thấy niềm vui trong học tập và qua quá trình miệt mài cố gắng, ông đã có thể đọc được báo.
Sau 7 năm nỗ lực học đọc và viết tiếng Nhật, vào năm 2007, ông Nishihata đã sử dụng từ điển và viết một bức thư tình dài 7 trang để tặng cho vợ Kyoko vào đúng dịp lễ Giáng sinh. Trong thư, ông viết: “Anh có được ngày hôm nay chính là nhờ sự hỗ trợ của em”. Kyoto đã đáp lại trong nước mắt rằng: “Anh đã làm rất tốt”. Đến năm 2014, bà Kyoko qua đời, tuy nhiên, ông Nishihata vẫn không ngừng việc đi học các lớp buổi tối. Ông tiếp tục cố gắng đến khi tốt nghiệp vào mùa xuân năm 2020 và bây giờ, Nishihata chia sẻ rằng mình rất yêu việc viết, cũng như làm các bài luận.
Vào một ngày nọ, nghệ sĩ tấu nói Rakugo Shofukutei Teppei vô tình biết được câu chuyện của vợ chồng ông Nishihata và đã rất cảm động trước tình cảm sâu sắc họ dành cho nhau. Do vậy, Shofukutei đã viết thư cho ông, bày tỏ mong muốn gặp mặt trực tiếp. Sau cùng, Shofukutei đã biến mối tình đẹp như cổ tích của vợ chồng ông Nishihata và bà Kyoko thành một vở tấu nói Rakugo. Dự kiến, vở tấu nói sẽ được biểu diễn tại nhà hát Mokubatei ở Tokyo vào ngày 21/10 và Hội trường Asahi Seimei ở Osaka vào ngày 7/11.
Trước bất ngờ này, ông Nishihata chia sẻ: “Trong cả giấc mơ hoang đường nhất, tôi cũng chưa từng nghĩ rằng cuộc đời mình sẽ trở thành chủ đề cho một vở Rakugo. Tôi hy vọng rằng vở tấu nói có thể giúp mọi người hiểu hơn về khó khăn mà những người không thể đọc hoặc viết đang đối mặt. Có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân và họ đã giấu nhẹm chúng với tất cả mọi người”. Hơn thế nữa, chuyện tình của vợ chồng ông Nishihata và bà Kyoko cũng phần nào củng cố niềm tin vào tình yêu cho mọi người trong bối cảnh dịch COVID-19 hiện nay.
Xem thêm: Bữa sáng dễ thương của cụ ông Nhật dành cho vợ bị Alzheimer
kilala.vn
03/10/2021
Bài: Rin
Nguồn: asahi
Đăng nhập tài khoản để bình luận