Nghệ thuật tấu nói Rakugo - Kết nối truyền thống và hiện đại

    Vào ngày 22/08, Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam sẽ tổ chức chương trình về nghệ thuật Rakugo gồm bài giảng online và chương trình biểu diễn. Đây là chương trình nằm trong chuỗi bài giảng “Close-up Japan”.

    Rakugo (落語) là một loại hình nghệ thuật truyền thống của Nhật Bản có từ thời Edo và được kế thừa cho đến ngày nay. Khi thực hiện Rakugo, một người kể chuyện sẽ ngồi trên bục cao (koza), sử dụng một chiếc quạt giấy (sensu) và một chiếc khăn vải (tenugui) để làm đạo cụ. Thông qua hình thức kể chuyện và sử dụng linh hoạt các cử chỉ của nửa thân trên, nghệ sĩ tấu nói Rakugo đóng vai nhiều nhân vật nhằm mang thế giới hài hước, vui nhộn đến với khán giả.

    Trong sự kiện lần này, sẽ có sự tham gia của Tiến sĩ Nguyễn Dương Đỗ Quyên của Viện Thông Tin Khoa học Xã hội, Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và nghệ sĩ biểu diễn Rakugo, Tatekawa Shinoharu. 

    Tiến sĩ Nguyễn Dương Đỗ Quyên sẽ giải thích để người nghe về khía cạnh văn hóa và lịch sử của Rakugo cũng như cách mà Rakugo được kế thừa cho đến ngày nay.

    Sau phần bài giảng sẽ có phần biểu diễn Rakugo được kết nối trực tiếp từ Nhật Bản của nghệ sĩ Tatekawa Shinoharu. Người tham dự sẽ có cơ hội trải nghiệm sự đa dạng của thế giới Rakugo thông qua phần biểu diễn rakugo truyền thống bằng tiếng Nhật và Rakugo hiện đại bằng tiếng Anh. Cả hai phần biểu diễn đều có phụ đề tiếng Việt.

    Cả phần bài giảng và biểu diễn sẽ được tổ chức trực tuyến nên những ai quan tâm đến Rakugo dù ở bất kỳ đâu đều có thể dễ dàng tham gia.

    nghệ thuật tấu nói Rakugo
    Nghệ thuật tấu nói Rakugo.

    Thông tin sự kiện

    Thời gian: 22/08/2020 (Thứ Bảy) 14:00 – 16:30
    Địa điểm: Chương trình sẽ được phát trực tiếp tại trang Facebook của Japan Foundation
    Ngôn ngữ: 

    • Phần bài giảng: Tiếng Việt
    • Phần biểu diễn: tiếng Nhật và tiếng Anh (Có phụ đề tiếng Việt)

    Chương trình miễn phí

    Thông tin diễn giả

    Tiến sĩ Nguyễn Dương Đỗ Quyên hiện là nghiên cứu viên của phòng Thông tin Quốc tế, Viện Thông tin Khoa học Xã hội, Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. Tiến sĩ từng là giảng viên Bộ môn Nhật Bản học, khoa Đông Phương học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội (2005-2013).

    Tiến sĩ đã có nhiều công trình nghiên cứu về lịch sử nghệ thuật Nhật Bản và nghệ thuật tấu nói Rakugo như: Luận án Tiến sĩ “Vai trò của Sanyutei Encho trong đời sống văn hoá - xã hội Nhật Bản thời kỳ Minh Trị” (2016), Các công trình nghiên cứu như “Chất thị dân của hài kịch Rakugo” (2009), ““Nghệ thuật kể chuyện - tấu nói Rakugo trong quá trình hiện đại hóa Nhật Bản thời Minh Trị” (2015), “Quá trình hiện đại hóa sân khấu đại chúng Nhật Bản thời Minh Trị” (2014). Tiến sĩ cũng tham gia nhiều hội thảo quốc tế về nghiên cứu Nhật Bản tại Việt Nam, Nhật Bản, Singapore và hỗ trợ nhiều chương trình giao lưu văn hoá của Trung tâm Giao lưu Văn hoá Nhật Bản tại Việt Nam.

    Thông tin nghệ sĩ

    Nghệ sĩ Tatekawa Shinoharu là nghệ sĩ tấu nói Rakugo. Đệ tử đời thứ 3 của Tatekawa Shinosuke. Sinh ngày 14 tháng 8 năm 1976 tại thành phố Toyonaka, tỉnh Osaka. Lớn lên ở thành phố Kashiwa, tỉnh Chiba. Anh từng sống 7 năm ở Hoa Kỳ trong thời thơ ấu và thời sinh viên. Tháng 10 năm 2002, anh trở thành môn đệ của Shinosuke với nghệ danh "Shinoharu". Tháng 1 năm 2011, anh được thăng hạng lên hạng 2 (Futatsume), và tháng 4 năm 2020, anh tiếp tục được thăng hạng và trở thành một nghệ sĩ thực thụ (Shinuchi) vẫn với nghệ danh “Shinoharu”.

    Anh diễn Rakugo truyền thống, sáng tác Rakugo hiện đại và Rakugo bằng tiếng Anh. Anh cũng thực hiện nhiều bài giảng về Rakugo tại các trường đại học và công ty. Ngoài các buổi độc diễn hàng tháng mang tiêu đề "Sân khấu Rakugo của Shinoharu" tại nhà hát Shinjuku Kadoza, anh còn có các buổi diễn Rakugo tiếng Anh "Shinoharu English Rakugo". Anh cũng tham gia các buổi độc diễn định kỳ và các chương trình hợp tác trong nhiều lĩnh vực như rượu sake và bánh kẹo truyền thống Nhật Bản tại nhiều nơi khác nhau.

    kilala.vn

    21/08/2020

    Nguồn: Japan Foundation

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!