Lí do tỉ lệ ly hôn tại Nhật tăng đáng kể trong mùa Corona
Ly hôn – hệ quả của mùa dịch?
Đại dịch Covid-19 ập tới khiến những tháng đầu năm 2020 trở nên đảo lộn chưa từng có, từ kinh tế cho đến xã hội. Xét về khía cạnh cuộc sống con người, có rất nhiều những thay đổi tiêu cực. Những tin tức hằng ngày đều chỉ xoay quanh những vấn đề liên quan đến dịch bệnh như số lượng người mắc bệnh, bao nhiêu người tử vong, khi nào chính phủ gỡ bỏ tình trạng khẩn cấp, hoặc kinh tế bị ảnh hưởng ra sao, khi nào tìm ra vắc-xin chữa bệnh,.
Bên cạnh những nỗ lực vùng vẫy trong dịch bệnh để hạn chế lây lan, chết chóc, hỗ trợ về kinh tế thì song song đó, Nhật Bản cũng xuất hiện những vấn nạn xã hội khác, điển hình nhưsocial shaming(tạm dịch: nghi ngờ xã hội) và ly hôn.
Dạo gần đây, trên mạng xã hội ở Nhật rộ lên xu hướng hashtag “コロナ離婚”, tức “ly dị mùa corona”. Vậy nguyên nhân là gì? Tại sao vào thời điểm khó khăn nhất của cuộc sống, các cặp vợ chồng lại muốn chia tay nhau thay vì cố gắng cùng nhau bước qua đoạn đường tăm tối?
Nguyên nhân dẫn đến tỉ lệ ly hôn ở Nhật tăng cao mùa Corona
Ở Nhật Bản, người chồng là trụ cột và là người ra ngoài kiếm tiền về nuôi gia đình. Đa số đàn ông bên Nhật sẽ đặt sự nghiệp lên hàng đầu và cống hiến trọn vẹn quỹ thời gian của mình cho công việc. Thông thường, các ông chồng sẽ đi làm từ sáng đến đêm, có khi đi đến tối muộn sau khi đã chè chén với đồng nghiệp (văn hóa này gọi là Nomikai), sau đó về nhà chỉ để ngủ nghỉ, ăn uống và thỉnh thoảng chơi với con.
Người vợ (nếu chưa có em bé) thì cũng đi làm như chồng. Nhưng bên cạnh công việc ở công ty thì còn phải cáng đáng thêm công việc nội trợ, từ dọn dẹp, nấu nướng, chuẩn bị cơm sáng, cơm trưa và cơm tối cho người chồng. Không như ở Việt Nam, đa số các gia đình Nhật Bản, đặc biệt là những hộ gia đình sinh sống ở thành phố lớn, đều là kiểu “gia đình hạt nhân”, tức gia đình chỉ có 1 thế hệ là ba, mẹ và con cái. Ngoài ra, tiền thuê người giúp việc lại rất đắt đỏ, giá thuê người giúp việc ngang ngửa tiền lương đi làm của một người. Do đó, nếu quyết định sinh con, cuộc sống gia đình người Nhật sẽ thay đổi theo hướng: chồng đi làm, vợ nghỉ việc để chính thức ở nhà chăm lo con cái và coi sóc gia đình.
Khi dịch bệnh nổ ra, hình mẫu gia đình này lộ ra nhiều điểm gây bất mãn cho cả 2 phía. Trong một cuộc khảo sát, phần lớn người muốn ly hôn là người vợ, với nguyên nhân chính như sau:
- Chồng thất nghiệp ở nhà, hoặc là làm việc tại nhà, tức là tăng lượng thời gian ở nhà nhiều hơn trước nhưng lại không phụ giúp vợ làm việc nhà, hay thậm chí trông con cho vợ. Các ông chỉ suốt ngày dùng máy tính, rồi điện thoại, mặc kệ vợ đầu tắt mặt tối hết lo cho con rồi đến chồng.
- Dịch bệnh khiến trường học đóng cửa, đồng nghĩa con cái cũng ở nhà. Vợ vừa làm việc nhà, vừa phải trông con. Việc không có người chia sẻ và phụ giúp khiến người vợ cảm thấy chán nản. Ngay cả thời gian riêng cho bản thân cũng không có.
- Chồng thất nghiệp ở nhà, thay vì phụ giúp vợ thì lại nhậu nhẹt do chán nản với thời cuộc. Tuy đang phải giãn cách xã hội nhưng các ông chồng vẫn chăm chỉ ra đường nhậu nhẹt, mặc dù người vợ cảnh báo là như vậy sẽ không an toàn vì có thể lây nhiễm cho con nhỏ.
- Việc cách ly xã hội khiến thời gian cả hai người ở bên nhau nhiều hơn trước. Do đó, những mâu thuẫn về cách nhìn nhận cuộc sống, cách đối đãi vợ chồng trong gia đình cũng “được” dịp thể hiện ra. Những cuộc cãi vã dẫn đến những cuộc ẩu đả, bạo hành gia đình.
Về phần người chồng, các ông cũng đưa ra nhiều lý do dẫn đến rạn nứt tình cảm gia đình như sau:
- Mất việc vì dịch bệnh, các ông chồng lâm vào trạng thái mất phương hướng, stress. Vợ không những không hiểu suốt ngày chỉ biết cằn nhằn, trách móc.
- Làm việc tại nhà thì cũng là làm việc, tại sao các bà vợ lại khó chịu khi các ông chồng tập trung công việc mà không phụ việc nhà. Trước giờ việc nhà vốn là của phụ nữ mà?
Khi dịch bệnh làm lộ ra những thiếu sót trong mô hình gia đình kiểu mẫu
Nói tóm lại, dịch bệnh Corona đã bộc lộ những khiếm khuyết trong mô hình gia đình kiểu mẫu ở Nhật. Người vợ quá lệ thuộc vào nguồn tài chính của người chồng nên khi các ông chồng mất việc sẽ khiến kinh tế gia đình lao đao, mâu thuẫn gia đình xuất hiện. Người chồng trước giờ quá chú tâm vào công việc, không quan tâm đến việc nhà, phụ giúp hay chia sẻ với người vợ, cho nên đến một ngày mọi thứ đã thay đổi, nhưng các ông vẫn vậy, vẫn quên rằng vợ không phải là người giúp việc.
Thời gian bên nhau nhiều hơn trước không có nghĩa khiến cả hai hạnh phúc. Mà ngược lại nó khiến cho cả vợ và chồng nhận ra sự khác biệt về giá trị quan của cả hai người. Sự sẻ chia và quan tâm trong cuộc sống mới là chìa khóa dẫn đến hạnh phúc gia đình. Đó có thể là sự chia sẻ gánh nặng tài chính, chia sẻ việc chăm lo cho tổ ấm, chia sẻ việc chăm sóc và giáo dục con cái. Người đàn ông nào cũng muốn được vợ tôn trọng và ngưỡng mộ. Người phụ nữ nào cũng muốn được chồng yêu thương và quan tâm trong cuộc sống. Dịch bệnh xảy ra, đã đẩy cuộc sống của con người vào nhiều thế khó khăn hơn trước. Tuy nhiên, nhờ có dịch bệnh, chúng ta mới nhận ra có những lỗ hổng đã tồn tại từ lâu trong mỗi gia đình, ngày qua ngày bị che lấp vì sự tất bật cuộc sống. Những lỗ hổng này đang dần đẩy các hộ gia đình vào bờ vực ly hôn.
Không phải vì ảnh hưởng của dịch bệnh quá mạnh, mà là vì từ trước đến giờ mối quan hệ của vợ chồng, vẫn còn những khoản mục rỗng. Không phải là tài chính quá yếu không thể vượt qua hoạn nạn, mà là vì niềm tin vào bạn đời vẫn quá mong manh. Thay đổi chưa bao giờ là dễ dàng với một số người. Nhưng hi vọng nhờ những mảng tối được đưa ra ánh sáng vào mùa dịch bệnh sẽ giúp con người nhận ra rằng thay đổi là cần thiết để duy trì và phát triển cuộc sống.
kilala.vn
22/05/2020
Bài: Anh Đặng
Ảnh: PIXTA
Đăng nhập tài khoản để bình luận