"Social shaming" tại Nhật: hệ quả đáng lo ngại hậu COVID-19
Nhật Bản vẫn đang tiếp tục chiến đấu với dịch COVID-19, và nỗi sợ bị lây nhiễm virus đang khiến nhiều người sinh ra sự "tự vệ" một cách thái quá. Trong đó, điển hình là việc mọi người trên khắp Nhật Bản đang dùng phương tiện truyền thông để chế giễu các cá nhân và doanh nghiệp không tuân thủ theo các yêu cầu của chính phủ.
Cuối tháng 4, Hội Chữ thập đỏ Nhật Bản đã đăng lên trang Youtube một video với tiêu đề "Điều gì xảy ra sau virus?". Video này là nỗ lực của tổ chức nhằm chống lại hiện tượng "Social shaming", tạm dịch: "sự nghi ngờ xã hội". Đoạn video đưa ra lập luận rằng một trong những mối nguy hiểm lớn nhất sẽ bùng phát chính là sự sợ hãi, cách nó khiến mọi người chống lại nhau và phá hủy niềm tin - thứ được xem là nền tảng của bất kỳ xã hội nào. Tính đến nay, đoạn video này đã cán mốc hơn 2 triệu lượt xem.
Vào đầu tháng 5, NHK đã tường thuật lại sự việc của một người đàn ông liên lạc với chính quyền địa phương sau khi nhìn thấy một người đang nói chuyện điện thoại ở cửa hàng tiện lợi mà không đeo khẩu trang. Người đàn ông đó nói với phóng viên NHK rằng: "Tôi đang làm việc tại viện dưỡng lão, dựa trên kinh nghiệm làm việc của mình thì tôi nghĩ mình phải hành động. Tôi luôn cẩn thận khi tiếp xúc với những ông bà cụ, nên tôi không thể chịu được khi thấy ai đó coi thường nỗ lực của mọi người. Tôi không muốn nghi ngờ mọi người (social shaming), nhưng tôi nghĩ đó là điều duy nhất mà người bình thường có thể làm".
Vào ngày 28/4, một tờ giấy cảnh cáo được dán ở lối vào của một quán bar nhạc sống ở Tokyo, "Hãy đóng cửa. Chúng tôi sẽ gọi cảnh sát nếu quán còn mở cửa vào hôm sau". Tuy nhiên, quán bar không thật sự mở cửa đón khách, họ đã ngừng phục vụ sau khi chính quyền Tokyo kêu gọi các hàng quán tự nguyện đóng cửa để phòng dịch. Vào ngày hôm đó, người ta đã phát hiện rằng quán bar đã phát trực tuyến buổi biểu diễn nhạc sống bên trong quán và không có khách tham gia. Thực ra, bên phía quản lý của quán bar đã liên lạc với chính quyền địa phương trước đó và cam kết sẽ thực hiện đầy đủ các biện pháp thông gió và khử trùng.
Quản lý quán bar chia sẻ: "Tôi hiểu rằng dù là ai dán cái bảng này thì dường như họ đã quá nhạy cảm rồi, nhưng tôi mong rằng mọi người sẽ thông cảm hơn".
Trong một trường hợp khác, sự nghi ngờ xã hội đã dẫn đến việc truy tố hình sự. Một người đàn ông ở tỉnh Yamagata đã bị truy tố vì đăng thông tin sai lệch, gọi một nhà hàng là nguồn lây bệnh. Anh đã đăng trên Twitter rằng: "Hãy tránh xa nhà hàng này vì đã có một người nhiễm bệnh ở đó. Đó là một ổ dịch". Hiện tại, anh ta đang phải đối mặt với cáo buộc lừa gạt cản trở kinh doanh.
Cô Usui Mafumi, một chuyên gia về tâm lý học xã hội cho biết: "Sự bùng phát của dịch COVID-19 đang khiến mọi người cảm thấy bồn chồn và lo lắng. Nỗi sợ hãi này khiến chúng ta xem người khác là một mối đe dọa. Khi tâm lý ở trong trạng thái căng thẳng, nó có xu hướng phân chia và phán xét. Chúng ta cần phải nhận thức được tác hại mà điều này có thể gây ra".
Theo một số chuyên gia khoa học cho biết, ít nhất một năm sau mới có vắc-xin phòng bệnh, nhưng xã hội Nhật Bản vẫn đang bị đè nặng bởi ảnh hưởng của dịch COVID-19 và sự nghi ngờ xã hội.
kilala.vn
21/05/2020
Nguồn: NHK WORLD - JAPAN
Đăng nhập tài khoản để bình luận