Làm cha mẹ nuôi của những đứa trẻ "đặc biệt" tại Nhật Bản

    Để có thể trở thành những cha mẹ nuôi đặc biệt ở xứ sở hoa anh đào, các bậc phụ huynh phải có kinh nghiệm nhận nuôi trẻ ít nhất 3 năm cùng chứng chỉ đào tạo riêng. 

    Năm 2022 là dịp kỷ niệm 20 năm triển khai chương trình “cha mẹ nuôi đặc biệt” tại Nhật Bản. Đối tượng trẻ được nhận nuôi là các em từng trải qua những kinh nghiệm đau thương như bị lạm dụng, hoặc có xu hướng phạm pháp, hay mang khuyết tật và không thể sống cùng cha mẹ ruột. 

    Làm cha mẹ chưa bao giờ là hành trình dễ dàng nhưng nó lại càng gian nan hơn khi nhận nuôi những đứa trẻ đặc biệt trên. Để lắng nghe tiếng lòng của các bậc phụ huynh trong chương trình cha mẹ nuôi đặc biệt cùng những thách thức họ phải đối mặt, tờ Mainichi Shimbun đã có buổi trao đổi với họ. 

    Bà Rie (tên đã được thay đổi), 69 tuổi, sống tại tỉnh Hyogo là một trong những người nhận nuôi trẻ “kỳ cựu” bởi bà từng nuôi dưỡng hơn 20 đứa trẻ trong 30 năm, bao gồm cả việc chăm sóc trong thời gian ngắn. 

    bà rie
    Bà Rie với kinh nghiệm nhận nuôi trẻ dày dặn. Ảnh: Mainichi 

    Sau 10 năm điều trị vô sinh và không thể sinh con, bà Rie đã quyết định sẽ nhận con nuôi. Đến năm 2009, với 17 năm kinh nghiệm, bà tham gia chương trình cha mẹ nuôi đặc biệt.

    Nuôi dưỡng trẻ mang chấn thương tâm lý là thử thách với Rie và từng có lần bà suýt ly hôn bởi gặp khó khăn trong mối quan hệ với con nuôi. Tuy vậy, bà tự nhủ với bản thân rằng mình không phải là người duy nhất chịu đau khổ bởi chính đứa trẻ cũng đang cố gắng vượt qua những vết thương trong quá khứ. 

    Hiện tại, bà Rie nhận nuôi một cậu bé đang học cấp hai từng bị chính cha ruột bạo hành, cùng một bé gái là học sinh tiểu học bị khuyết tật học tập và rối loạn gắn bó

    Cậu học sinh trung học từng bị cha ruột đe dọa bằng bật lửa và đánh đập trong phòng tối lúc còn rất nhỏ. Khi còn là học sinh tiểu học và được nhận nuôi bởi bà Rie, cậu đã từng lấy cắp tiền trong ví của bà và nhiều lần ẩu đả với bạn bè. Rie vô cùng mệt mỏi nhưng cuối cùng bà nhận ra rằng mọi chuyện xảy ra như vậy là vì cậu bé muốn trở nên mạnh mẽ hơn và quay lại phản kháng lại người cha bạo lực của mình. 

    trẻ bị bạo hành
    Ảnh minh họa: japantimes.co.jp

    Mặc dù bà Rie từng có lần nghiêm khắc trách mắng cậu bé nhưng đến cuối cùng bà vẫn nói rằng: “Con đừng lo lắng vì con là con của mẹ”.

    Kể từ khi bắt đầu học võ Judo, cậu bé dần dần trở nên bình tâm và quan tâm đến người khác hơn. Bà Rie cũng cảm nhận con lớn lên từng ngày và được khích lệ rất lớn từ điều này. 

    Niềm hạnh phúc khi chứng kiến con nuôi trưởng thành và sự ủng hộ từ những người xung quanh đã giúp bà Rie duy trì việc trở thành mẹ nuôi. Bà bày tỏ: “Điều quan trọng là không tự cô lập bản thân mà hãy nhờ sự giúp đỡ từ các cha mẹ nuôi khác có cùng mối quan tâm như mình và mọi người trong cộng đồng”. 

    Theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, 24,9% trẻ trong số 5.382 trẻ được nhận nuôi trên toàn quốc vào năm 2018 chịu khuyết tật về mặt tinh thần và thể chất, con số này đã tăng gấp đôi trong vòng 15 năm qua. Các trẻ bị bạo hành thường có xu hướng gặp vấn đề tạo dựng sự gắn kết với người khác. 

    cha mẹ nuôi
    Ảnh: savvytokyo.com

    Akira Kawamatsu, Giáo sư về Phúc lợi trẻ em ở Đại học Meisei, Tokyo cho biết những đứa trẻ xa cách với mọi người, bất ổn do khuyết tật hoặc bị bạo hành có thể không giỏi giao tiếp, thường trở nên dễ bị kích động và thỉnh thoảng bạo hành người khác bằng lời nói. Ông Kawamatsu cho biết các cơ sở dành cho cha mẹ nuôi được tư vấn về chăm sóc trẻ có sự khác biệt giữa các vùng miền tại Nhật và chưa được tổ chức tốt. 

    Rào cản để trở thành các cha mẹ nuôi đặc biệt cũng hề không ít bởi họ cần ít nhất 3 năm kinh nghiệm làm cha mẹ nuôi và tiếp tục được đào tạo để lấy chứng chỉ thông qua chương trình huấn luyện riêng. 

    Vào tháng 3/2021, có 715 gia đình được chứng nhận “cha mẹ nuôi đặc biệt” và chỉ chiếm 5% trong số 14.401 gia đình nhận nuôi trẻ em tại Nhật. 

    Xem thêm: Dạy kỹ năng sống cho trẻ em như thế nào?

    Akira Hashimoto, 78 tuổi, Giám đốc điều hành tại một tổ chức giúp tìm kiếm các cha mẹ nuôi cho trẻ, chia sẻ: “Trong một số trường hợp, việc nhận nuôi trẻ mang trong mình nhiều vấn đề suốt thời gian dài có thể gây ra rối loạn cảm xúc không chỉ với bản thân trẻ, mà còn cả chính cha mẹ nuôi. Điều này làm cho việc nhận nuôi trẻ đặc biệt lại càng khó khăn hơn”. Có thể xem đây là một trong những lý do khiến cho số lượng cha mẹ nuôi đặc biệt lại ít ỏi như vậy. 

    Giáo sư Kawamatsu nhấn mạnh rằng điều cần thiết lúc này là trung tâm tư vấn trẻ và tổ chức hỗ trợ cho cha mẹ nhận nuôi trẻ cần chung tay hợp tác để mang đến những hỗ trợ đáng kể và tận tình đến gia đình nhận nuôi trẻ ngay cả khi trẻ đã tin tưởng họ. 

    kilala.vn

    04/12/2022

    Bài: Rin
    Nguồn: Mainichi
    Ảnh bìa: savvytokyo.com

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!