Nguồn gốc Sushi: khởi nguồn từ Đông Nam Á
Sushi khởi nguồn từ Đông Nam Á
Người ta nói rằng, muốn lấy lòng cô gái nào, chàng trai chỉ việc dẫn nàng đến nhà hàng Sushi. Điều này cho thấy Sushi là món ăn người Nhật dùng thết đãi khách quý hoặc những dịp lễ tết, đặc biệt. Và để được thưởng thức rộng rãi trên toàn thế giới như hôm nay, Sushi cũng trải qua nhiều thay đổi suốt chiều dài lịch sử lâu đời của nó.
Đạo luật cổ Engishiki ra đời năm 927 ở Nhật Bản đã xuất hiện từ SUSHI, cho thấy khởi nguồn của Sushi là một “món ăn bảo quản” gọi là Narezushi, được chế biến bằng ủ cá sống với muối và gạo. Người ta nói rằng cách chế biến này bắt nguồn từ Đông Nam Á, sau được lưu truyền sang Trung Quốc rồi đến Nhật Bản. Thật bất ngờ khi biết xuất xứ của Sushi không phải từ đất nước Mặt trời mọc.
Trải qua nhiều thay đổi
Narezushi chỉ có cá, không ăn kèm cơm. Người ta chỉ bắt đầu ăn cùng cơm khoảng 440 năm về trước. Sau đó ít lâu, tỉnh Osaka xuất hiện món Oshizushi, được chế biến bằng cách nén cơm cùng các nguyên liệu khác vào một hộp gỗ, mở đầu cho sự xuất hiện của loại Sushi có cơm trộn với giấm vào thời đại Edo (khoảng 340 năm trước). Nhưng do phải tốn khá nhiều thời gian và công sức làm Oshizushi nên người Nhật bắt đầu tìm hiểu cách chế biến Sushi dễ dàng hơn. Điều này cho ra đời loại Nigirizushi quen thuộc với mọi người ngày nay.
Bạn có ngạc nhiên khi biết Nigirizushi vào thời Edo được bày bán trên những xe hàng rong, người ăn phải vừa đứng vừa ăn? Kiểu thưởng thức này vẫn còn tồn tại ở Nhật cho đến ngày nay. Và dĩ nhiên, cả món Narezushi lẫn món Oshizushi vẫn được dùng, dù bây giờ Sushi đã biến hóa đa dạng khắp nơi trên thế giới. Ngay tại Việt Nam, Sushi cũng mang phong cách riêng của người Việt.
Một món ăn được yêu thích vượt ra khỏi biên giới một quốc gia hẳn sẽ phải biến đổi. Biết đâu trong tương lai Sushi còn đa dạng hơn nữa!
Các từ chuyên môn về Sushi
1. Gari
Ăn Sushi không thể thiếu một ít gừng "Gari" thái mỏng, màu hồng nhẹ và có vị chua chua, ngòn ngọt. Gari có tác dụng diệt khuẩn và làm sạch vị giác nên thường được ăn kèm với các loại Sushi sử dụng nguyên liệu sống.
2. Namida (Sabi)
Người Nhật gọi Wasabi - Mù tạt là "Namida", tức "Nước mắt" bởi vị nồng của nó có thể làm chúng ta chảy cả nước mắt. Ngoài "Wasabi" và "Namida", mù tạt còn được gọi là "Sabi" - giản lược từ chữ "Wasabi".
3. Agari
Trong tiếng Nhật, "Agari" có nghĩa là "Sau cùng" hoặc "Kết thúc". Dù ngày nay ở Nhật, nước trà thường được mang ra vào đầu bữa ăn nhưng ngày xưa nó chỉ được phục vụ sau khi thực khách đã dùng xong Sushi. Đó là lí do người Nhật gọi nước trà bằng cái tên này.
4. Murasaki
Đây là cách gọi nước tương khi dùng Sushi. Nguồn gốc của tên gọi này có nhiều giả thuyết. Có người nói rằng nước tương Nhật Bản vào thời xa xưa có màu tím đậm nên mới có tên là "Murasaki", tức "Màu tím". Giả thuyết khác cho rằng vì nước tương vào thời đó rất quý, mà màu tím lại là màu sắc tượng trưng cho sự cao sang, quý phái nên người Nhật mới dùng chữ "Murasaki" để chỉ nước tương.
5. Shari
Shari là cách gọi cơm trộn giấm trong Sushi. Tên gọi này được cho là xuất phát từ chữ "Sarira", tức "Xá lợi" trong tiếng Sanskrit. Hạt Xá lợi được sinh ra sau khi hỏa táng có hình dạng gần giống hạt cơm, là vật cực kỳ linh thiêng theo quan niệm Phật giáo. Do đó, với một đất nước có nhiều Phật tử như Nhật Bản, người dân gọi hạt gạo bằng cái tên đầy nâng niu và trân trọng này.
24/04/2015
Bài: Kilala
Đăng nhập tài khoản để bình luận