
Nissin, Calbee và Yakult: Sự bền vững bắt nguồn từ triết lý sáng lập
Nissin Foods, Calbee và Yakult là ba thương hiệu lớn của Nhật Bản đã có ảnh hưởng sâu rộng đến ngành công nghiệp thực phẩm toàn cầu. Ngày nay, sản phẩm của ba doanh nghiệp này đã trở nên phổ biến đến mức có thể dễ dàng tìm thấy trong các siêu thị bên ngoài Nhật Bản. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, đằng sau sự thành công đó là những triết lý nhân văn và đam mê cháy bỏng của các nhà sáng lập, bắt nguồn từ mong muốn giúp đỡ người dân Nhật Bản trong thời kỳ hậu chiến.
Nissin – Xoa dịu cơn đói cho người dân sau chiến tranh
Nissin Foods được thành lập vào năm 1948 bởi ông Momofuku Ando, với triết lý “tạo ra những đổi mới trong lĩnh vực thực phẩm” nhằm cung cấp các bữa ăn bổ dưỡng, dễ tiếp cận cho mọi người. Là một doanh nhân và nhà sáng chế, khi chứng kiến cảnh người dân vật lộn với nạn đói và suy dinh dưỡng sau Thế chiến thứ hai, ông biết rằng mình phải làm điều gì đó.
Hình ảnh hàng dài người xếp hàng tại quầy mì ramen bên đường giữa trời đông lạnh giá đã truyền cảm hứng để ông phát minh ra mì ăn liền – một món ăn tiện lợi có thể dễ dàng chuẩn bị tại nhà.
Dù có nhiều tranh cãi xoay quanh việc ai là người đầu tiên phát minh ra mì ăn liền, nhưng không thể phủ nhận rằng Momofuku Ando đã đóng vai trò then chốt trong việc phổ biến loại thực phẩm này và góp phần xoa dịu cơn đói của nhiều người. Phương châm của ông, “食足世平” (shoku soku se hei), có nghĩa là “chỉ khi con người được no đủ, thế giới mới hòa bình”, đến nay vẫn là kim chỉ nam của Nissin.

Calbee – Biến lương thực thừa thành nguồn dinh dưỡng cho cộng đồng
Calbee ra đời tại Hiroshima vào năm 1949, do Takashi Matsuo sáng lập, với mục tiêu “sử dụng các nguồn tài nguyên thực phẩm chưa được khai thác” để phát triển sản phẩm ăn vặt có lợi cho sức khỏe. Dựa trên kiến thức và kinh nghiệm trong ngành sản xuất bánh kẹo từ trước chiến tranh, ông Matsuo đã quyết định khởi nghiệp vào thời điểm đầy biến động của Nhật Bản.
Khi đó, Nhật Bản có nguồn gạo và bột mì dồi dào từ nguồn viện trợ của Mỹ. Matsuo đã tìm ra cách tận dụng hiệu quả những nguyên liệu này bằng việc tạo ra các món ăn vặt bổ dưỡng. Tên gọi “Calbee” là sự kết hợp của từ “Calcium” (canxi) và “Vitamin B1”, phản ánh sứ mệnh ban đầu của công ty là mang đến lựa chọn thực phẩm lành mạnh cho cộng đồng.

Yakult – Tiên phong trong y học dự phòng bằng lợi khuẩn
Yakult do ông Minoru Shirota sáng lập, luôn trung thành với triết lý “đóng góp cho sức khỏe con người” thông qua nghiên cứu khoa học và ứng dụng lợi khuẩn. Vào năm 1930, ông Shirota đã phát hiện ra một chủng vi khuẩn axit lactic – sau này được biết đến với tên gọi chủng khuẩn Lactobacillus casei Shirota.
Ông tin rằng việc cải thiện sức khỏe đường ruột có thể giúp phòng ngừa bệnh tật – một tư tưởng y học dự phòng mang tính cách mạng trong bối cảnh nước Nhật đang gánh chịu hậu quả của suy dinh dưỡng sau chiến tranh.
Những nỗ lực bền bỉ trong việc lan tỏa kiến thức về sức khỏe đường ruột và phát triển sản phẩm chứa lợi khuẩn đã giúp Yakult trở thành thương hiệu toàn cầu, tiên phong trong lĩnh vực dinh dưỡng dựa trên nghiên cứu khoa học.

Di sản của những triết lý kinh doanh lấy con người làm trọng tâm
Ngày nay, ngày càng có nhiều doanh nghiệp tích hợp yếu tố bền vững và trách nhiệm xã hội vào mô hình hoạt động của mình. Tuy nhiên, từ rất lâu trước khi khái niệm “trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp” (CSR) trở nên phổ biến, các nhà sáng lập của Nissin, Calbee và Yakult đã đặt tinh thần cống hiến cho xã hội làm cốt lõi trong triết lý kinh doanh. Chính nhiệt huyết và tinh thần nhân văn đó đã để lại bài học quý giá: doanh nghiệp không chỉ tồn tại vì lợi nhuận, mà còn vì sự tiến bộ và hạnh phúc của cộng đồng.
kilala.vn
Nguồn: zenbird
Đăng nhập tài khoản để bình luận