Chỉ cần đổ nước sôi vào và đợi vài phút là bạn sẽ có ngay một bữa ăn nóng hổi dù ở bất kỳ nơi đâu. Với sự tiện lợi này, ngày nay mì ăn liền đã trở thành thực phẩm quen thuộc có mặt ở khắp nơi trên thế giới. Và cha đẻ của phát minh ấy không ai khác chính là Ando Momofuku, một người Nhật gốc Đài, đồng thời là nhà sáng lập của Nissin Foods. Hành trình sáng tạo và mang mì ăn liền lan tỏa khắp thế giới của ông Ando là câu chuyện truyền cảm hứng về sự nỗ lực, kiên trì, dám nghĩ dám làm bất chấp tuổi tác.
Được biết đến với biệt danh “Mr. Noodles – Quý Ngài Mì”, Ando Momofuku (安藤 百福) chính là “cha đẻ” của mì ăn liền, thực phẩm góp phần làm thay đổi nền ẩm thực của cả thế giới.
Chỉ tính riêng tại Nhật, doanh số mì ăn liền hàng năm của Nissin Food Products là 5,5 tỷ sản phẩm, và trên toàn cầu ghi nhận con số gần 100 tỷ sản phẩm tiêu thụ mỗi năm.
Nissin Foods là một công ty con thuộc tập đoàn Nissin Group do ông Ando sáng lập, được biết đến là “gã khổng lồ” trong ngành sản xuất mì ăn liền với doanh thu ròng hơn 490 tỷ yên trong năm tài chính 2016.
Tuy nhiên trước khi thành lập nên đế chế Nissin, ông Ando từng trải qua vô vàn khó khăn và thậm chí từng mất tất cả cơ ngơi chỉ sau một đêm. “Trong cuộc sống, không có gì là quá muộn màng. Tôi cũng đã mất 48 năm cuộc đời để phát minh ra mì ăn liền”, ông từng nói như vậy về phát minh của mình. Sinh ngày 05/03/1910 tại Đài Loan, lúc bấy giờ nằm dưới quyền cai trị của Nhật, Ando Momofuku có tên khai sinh là Go Pek-Hok (吳百福), lớn lên trong gia đình khá giả thuộc tộc Mân Nam. Mất song thân lúc còn thơ bé, ông Ando cùng hai người anh lớn và em gái do một tay ông bà nuôi dạy.
Gia đình ông sở hữu một cửa hàng Kimono tại thành phố Đài Nam. Lớn lên trong vòng tay của ông bà là những người kinh doanh, Ando cũng sớm lựa chọn nối gót theo gia đình. Sau khi tốt nghiệp cấp hai, ông từng có một thời gian ngắn làm công việc thủ thư. Đến tuổi 22, Ando đã thành lập một công ty tại Đài Loan chuyên bán vải dệt kim sản xuất bởi Nhật Bản. Khởi đầu thuận lợi, ở năm thứ hai (1933), công ty của Ando mở được một chi nhánh tại Osaka; cùng lúc đó, ông cũng theo học ngành Kinh tế tại Đại học Ritsumeikan. Do vậy, Ando nhanh chóng ghi dấu ấn trên thương trường vùng Kansai là một doanh nhân tài năng trẻ tuổi.
Trong Thế chiến thứ hai, ông Ando đã gặp gỡ và kết hôn với bà Masako, người đã luôn ủng hộ ông bất chấp mọi biến cố của cuộc đời. Cái tên Momofuku xuất phát từ cách đọc tên “Pek-hok - 百福” của ông theo tiếng Nhật, còn “Ando - 安藤” chính là họ của vợ ông. Qua cuộc nhân này, ông đã chính thức trở thành công dân Nhật Bản.
Mặc dù sự nghiệp kinh doanh của Ando Momofuku gần như bị phá hủy bởi chiến tranh, sau đó vấp phải nhiều khó khăn trong những năm tháng hỗn loạn thời hậu chiến, ông Ando chưa bao giờ đầu hàng trước số phận mà vẫn tràn đầy sức sống và nghị lực. Ông dấn thân vào nhiều lĩnh vực như sản xuất nhà thô sơ, mở công ty gia đình chuyên về muối và thành lập trường học.
Ít ai biết rằng trong suốt cuộc đời mình, ông Ando đã từng hai lần vướng vào vòng lao lý. Lần đầu tiên là vào đầu Thế chiến hai, ông bị bắt giam vì tội chuyển hàng hóa của quân đội ra chợ đen. Sau Thế chiến, Ando bị khép tội trốn thuế vào năm 1948 khi tài trợ học bổng cho sinh viên (ở thời điểm đó là một hình thức trốn thuế) và phải vào nhà lao trong 2 năm. Cả hai lần, ông đều được xử trắng án sau đó. Có ý kiến cho rằng lý do cho các cáo buộc mà ông vướng phải một phần vì Ando là một doanh nhân giàu có gốc Đài Loan.
Đến năm 47 tuổi, Ando đối mặt với biến cố lớn nhất đời mình. Vào năm 1957, hội tín dụng do Ando đứng đầu đã bị phá sản. Do vậy, ngoại trừ một ngôi nhà đi thuê ở Ikeda, tỉnh Osaka, ông mất đi tất cả chỉ sau một đêm. Trắng tay, nhưng điều này lại gián tiếp đưa ông đến bước ngoặt vĩ đại của cuộc đời. Ando đã xây dựng một nhà xưởng nhỏ ở sân sau nhà và bắt đầu tự mình phát triển sản phẩm mới. Đây cũng chính là nơi câu chuyện về mì ăn liền được mở ra.
Bước sang thời hậu chiến, nước Nhật rơi vào tình trạng thiếu lương thực nên Bộ Y tế đã ra lời kêu gọi người dân cố gắng ăn bánh mì làm từ bột mì được cung cấp bởi Hoa Kỳ. Khi ấy ông tự hỏi sao không phải là món mì vốn quen thuộc với người Nhật mà lại là bánh mì của phương Tây.
Ý tưởng về tô mì ăn liền đến với Ando trong một buổi tối mùa đông lạnh giá, ở một khu chợ đen gần nhà ga chính của Osaka, khi ông chứng kiến đoàn người xếp hàng dài để chờ đến lượt thưởng thức một tô mì Ramen. Lúc này, tâm trí của ông bị choáng ngợp bởi ý nghĩ “thức ăn mới là quan trọng, không có chúng thì cũng chẳng có quần áo, nhà cửa, nghệ thuật hay văn hóa gì cả”.
Ando cũng nhận ra người Nhật dành tình yêu rất lớn cho mì và hàng dài người xếp hàng chờ một tô mì nóng hổi đã cho thấy nhu cầu lớn này chưa được đáp ứng. Nhiều năm sau đó, khi không biết phải tìm đâu ra bữa ăn ngày mai cho gia đình, ông nhớ lại khung cảnh trên và quyết định phát triển một loại mì đơn giản khi nấu và dễ dàng khi ăn, kèm theo điều kiện bảo quản lâu.
Chỉ ngủ 4 tiếng mỗi ngày, ông Ando kiên trì với nghiên cứu của mình và không nghỉ một ngày nào trong suốt một năm. Thử thách lớn nhất với ông là làm khô mì để chúng có thể bảo quản lâu dài và chỉ cần đổ nước sôi vào là có thể thưởng thức được ngay. Sau cùng, ông đã nghĩ ra phương pháp chiên nhanh để loại bỏ độ ẩm của mì.
Quê nhà Đài Nam của Ando vốn nổi tiếng với loại mì Yi-mian, được chiên giòn trước khi đem luộc. Đặc biệt Yi-mian có thể giữ lại dùng trong một khoảng thời gian nhất định sau khi luộc qua. Do vậy, một số người cho rằng ý tưởng làm ra mì ăn liền xuất phát từ Yi-mian.
Tuy nhiên, sự thật là Ando nảy ra ý tưởng trên nhờ món Tempura do người vợ Masako nấu. Nhìn thấy vợ chế chiến món này bằng cách chiên giòn để loại bỏ độ ẩm dư thừa, ông Ando đã thử chiên nhanh mì. Qua nhiều lần thử nghiệm và thất bại, Chicken Ramen – mì ăn liền đầu tiên trên thế giới của Ando Momofuku đã chính thức được bán ra thị trường vào tháng 8/1958. Chỉ cần đổ nước sôi vào, những sợi mì Chicken Ramen nở ra và quyện trong nước dùng đậm đặc làm từ nước hầm gà cùng gia vị. Ngay ở lần đầu tiên ra mắt thị trường, nó đã được gọi là “魔法のラーメン – Mahou no Ramen – Mì ma thuật” và nhanh chóng tạo nên cú hit lớn tại Nhật.
Khi Ando lần đầu tiên chia sẻ với vợ về ý định dấn thân vào lĩnh vực kinh doanh mì, bà đã cổ vũ: “Nếu anh định làm thì hãy trở thành nhà sản xuất mì hàng đầu Nhật Bản nhé!”. Lời động viên của bà Masako khi ấy đã trở thành hiện thực chỉ 5 năm sau đó, với doanh số hàng năm của Chicken Ramen đã đạt con số đáng ngưỡng mộ 4,3 tỷ yên.
Khi mới ra mắt, Chicken Ramen được xem là mặt hàng xa xỉ bởi giá của nó là 35 yên, gấp 6 lần giá một tô mì Udon và Soba truyền thống. Đến nay, Chicken Ramen vẫn được bán tại Nhật với giá thành rẻ hơn rất nhiều, chỉ khoảng 123 yên (khoảng 20.000 VND).
Sau 30 năm ra mắt Chicken Ramen, ông Ando một lần nữa tiếp tục khiến thế giới kinh ngạc khi ra mắt mì ly ăn liền đầu tiên - Cup Noodle. Chỉ là một sự thay đổi nhỏ về cách đóng gói, nhưng mì ly được xem như bước tiến quan trọng giúp quảng bá rộng rãi mì “made in Japan” ra thế giới.
Ý tưởng về Cup Noodles đến với “cha đẻ” mì ăn liền trong một chuyến bán hàng của ông tại Hoa Kỳ. Khi giới thiệu Chicken Ramen đến những người bán hàng địa phương, lúc bấy giờ, chẳng có tô hay đũa trong tay, ông đã không thể ăn mì ngay ở đó.
Bấy giờ, một người bán hàng ở siêu thị đã lấy ra chiếc cốc giấy, bẻ đôi mì và đổ nước sôi vào, bắt đầu ăn bằng nĩa. Khoảnh khắc này đã khiến cho Ando nhận ra rằng việc quan tâm đến phong tục ăn uống ở địa phương là chìa khóa để chinh phục thị trường toàn cầu. Đến năm 1971, ở tuổi 61, đặt tất cả sự sáng tạo của mình vào quá trình thử nghiệm trong 5 năm liền, Ando đã ra mắt mì Cup Noodle đựng trong ly nhựa dùng một lần. Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều thử thách đang chờ ông ở phía trước.
Bởi vì giá của Cup Noodles cao hơn một chút so với mì gói nên nó vẫn chưa được nhiều người đón nhận. Ban đầu, Cup Noodles được xem là sản phẩm lý tưởng dành cho những người làm nghề cảnh sát, nhân viên cứu hỏa và những ai phải làm việc ca đêm hoặc ngoài trời. Nhưng Ando vẫn kiên trì nỗ lực để tăng doanh số bán hàng.
Một năm sau đó, Cup Noodles bất ngờ tạo cú hit lớn khi cả nước Nhật rúng động bởi vụ án Asama-Sanso. Sau khi thanh trừng 14 thành viên và sát hại một người ngoài, 5 người thuộc Hồng quân Nhật Bản đã ẩn nấp ở núi Asama, tỉnh Nagano, bắt giữ người vợ của chủ nhà nghỉ làm con tin. Cuộc vây bắt của cảnh sát kéo dài trong 10 ngày từ ngày 19/2 đến 28/2/1972. Đã có 2 viên cảnh sát hy sinh, sau cùng con tin được giải cứu và 5 thành viên bị bắt giam.
Trong tiết trời mùa đông lạnh giá đến mức khiến cơm cũng phải đóng băng, cảnh các cảnh sát đang làm nhiệm vụ xì xụp những ly mì Cup Noodles đã khiến tên tuổi của loại mì ly này lan rộng khắp nước Nhật.
Ngay khi Cup Noodles vang danh, nhiều đối thủ đã gia nhập thị trường mì ăn liền và mang nhiều sản phẩm mới lan tỏa đến thế giới. Thay vì xin cấp bằng sáng chế và thu phí bản quyền, Ando chưa từng làm điều này bởi ông tin rằng các đối thủ và sự cạnh tranh lành mạnh trong ngành sẽ giúp chính công ty phát triển. Đây cũng là yếu tố quan trọng đằng sau sự phát triển của thị trường mì ăn liền thế giới và sau cùng, góp phần mở rộng Nissin Foods.
Trong suốt cuộc đời mình, Ando vẫn không ngừng phát triển nhiều ý tưởng mới. Vào năm 2001 khi ở tuổi 91, ông tuyên bố sẽ phát triển thực phẩm cho ngành không gian vũ trụ và bắt tay thành lập nhóm nghiên cứu mì ăn liền đặc biệt này. Sau cùng, ông đã thành công tạo ra mì “Space Ram” với nước dùng đậm đặc để tránh bị văng, đổ trong môi trường không trọng lực.
Sáng tạo của Ando đã được đưa vào không gian vào tháng 7/2005 cùng du hành gia người Nhật Noguchi Soichi và đồng đội của anh trên tàu con thoi Discovery. Điều này càng củng cố niềm tin của ông rằng “trong cuộc sống, không bao giờ là quá trễ để làm bất kỳ điều gì”.
Ando Momofuku ra đi bởi căn bệnh tim vào ngày 05/01/2007 tại một bệnh viện ở thành phố Ikeda, tỉnh Osaka, một ngày sau khi ông phát biểu tại buổi lễ chào đón năm mới của Nissin Foods, hưởng thọ 96 tuổi. Mãi đến ngày từ giã cuộc đời, ông vẫn thưởng thức món mì yêu thích Chicken Ramen.
Trong 96 năm cuộc đời, Ando chưa lúc nào ngơi nghỉ trong việc nghĩ ra những ý tưởng sáng tạo và kiên trì biến chúng thành hiện thực. Nhiều nhân viên kể lại, thời còn là chủ tịch của Nissin Foods, ông thường mày mò thử nghiệm ý tưởng mới ở một khu vực chuẩn bị thức ăn kế bên văn phòng của mình.
Ando cũng nổi tiếng với rất nhiều câu châm ngôn, một trong số đó là “Nếu bạn ngã, đừng chỉ đứng dậy mà hãy mang theo ít bụi bẩn đi cùng”. Những câu nói của ông là bài học ông góp nhặt trong cuộc đời đầy chông gai của mình. Đến tận ngày nay, chúng vẫn có giá trị động viên cho mọi người dám mạo hiểm bước sang hành trình mới.
Là một nhân vật lớn góp phần làm thay đổi cả nền ẩm thực thế giới, vào năm 2002, Ando Momofuku được Chính phủ Nhật và Thiên hoàng trao tặng Huân chương Mặt trời mọc hạng hai dành cho những công dân Nhật có cống hiến to lớn cho sự phát triển của xứ sở hoa anh đào. Thậm chí, Ando còn được trao Huân chương Direkgunabhorn của Thái Lan, dành cho người làm việc tốt hoặc tạo danh tiếng cho đất nước, hay quyên góp tài sản vì lợi ích cộng đồng. Vào ngày 05/03/2015, Google Doodle cũng đã vinh danh Ando nhân dịp sinh nhật của ông.
Với những ai mong muốn được sống trong căn phòng nơi phát minh mì ăn liền của Ando Momofuku được ra đời và trải nghiệm tạo ra ly mì độc nhất vô nhị, đừng quên ghé thăm Bảo tàng Mì ăn liền Cup Noodles Museum tại thành phố Ikeda, tỉnh Osaka hay người em song sinh của bảo tàng ở Yokohama!