Nintendo đẩy mạnh kinh doanh các sản phẩm từ nhân vật game
Để đẩy mạnh kinh doanh, gã khổng lồ trò chơi điện tử Nintendo đang thực hiện kế hoạch đưa Super Mario và các nhân vật game phổ biến khác đến với thế giới thực.
Nintendo chính thức khai trương một cửa hàng mới ở khu bách hóa Daimaru Umeda, quận Umeda, trung tâm thành phố Osaka vào ngày 11/11 vừa qua. Cửa hàng có mặt sàn rộng khoảng 800m2 với 2.000 mặt hàng, bao gồm quần áo và hàng hóa thông thường theo chủ đề nhân vật trong các trò chơi như Splatoon, The Legend of Zelda và Super Mario.
Những mô hình khổng lồ được đặt khắp cửa hàng, khiến nơi này trở thành một địa điểm tham quan thú vị. Nintendo Osaka là cửa hàng chính thức thứ hai của Nintendo tại Nhật Bản, sau cửa hàng đầu tiên ở Shibuya,Tokyo (khai trương năm 2019).
Trong khi đó, Universal Studios Japan (USJ), một công viên chủ đề nằm cách cửa hàng Nintendo Osaka khoảng 10 phút đi tàu, đã mở một khu vực có tên Super Nintendo World vào tháng 3/2021. Sự hấp dẫn của thế giới trò chơi điện tử Nintendo đã tạo nên sức hút cho khu vực này.
Đây là khu vực theo chủ đề Nintendo đầu tiên trong các công viên giải trí và dự kiến vào năm 2024, một khu vực khác với tên gọi Donkey Kong sẽ được mở tại USJ. Ngoài ra, các điểm tham quan theo chủ đề Nintendo cũng được lên kế hoạch mở tại các công viên giải trí ở Mỹ và Singapore.
Kể từ khi phát hành chiếc máy “Family Computer” tại Nhật Bản vào năm 1983, Nintendo đã trở thành “cái nôi” của nhiều nhân vật trò chơi điện tử nổi tiếng thế giới.
Giám đốc đại diện của công ty và đồng sự Miyamoto Shigeru – “cha đẻ” của nhân vật Mario nổi tiếng đã tự hào phát biểu tại cuộc họp chiến lược của công ty vào ngày 9/11: "Nintendo giống như một công ty gồm đầy những tài năng được công nhận trên toàn cầu."
Nintendo chỉ mới bắt đầu tham gia vào việc kinh doanh nhân vật một cách nghiêm túc trong những năm gần đây. Nhà sản xuất trò chơi điện tử đến từ Nhật Bản đã hoạt động rất tốt cho đến năm 2014, tình hình đã đổi khác khi cơn sốt trò chơi trên điện thoại thông minh lên đến đỉnh điểm. Công ty đã báo lỗ kết quả kinh doanh hợp nhất trong ba năm liên tiếp tính đến tháng 03/2014, do hiệu suất thấp của hai dòng máy trò chơi điện tử "Wii U" và "Nintendo 3DS".
Vì vậy, cố chủ tịch Satoru Iwata (qua đời năm 2015 khi đang tại vị) khi đó đã nêu sáng kiến về việc tích cực khai thác quyền sở hữu trí tuệ từ các nhân vật trò chơi điện tử.
Từ năm 2015, Nintendo đã bắt đầu một loạt phi vụ hợp tác với các công ty khác, chẳng hạn như thành lập liên minh kinh doanh với DeNA Co. – một công ty công nghệ lớn tham gia vào các trò chơi trên điện thoại thông minh, bắt đầu thảo luận với USJ để tạo ra khu vực tham quan theo chủ đề.
Tuy nhiên, máy chơi game và phần mềm vẫn là nền tảng kiếm tiền chính của Nintendo. Doanh thu liên quan đến sở hữu trí tuệ, chẳng hạn như mua hàng trong ứng dụng, chỉ chiếm 3,5% (23,5 tỷ yên) trên tổng doanh thu thuần hợp nhất là 656,9 tỷ yên trong 6 tháng (tính đến cuối tháng 9/2022).
Về tầm quan trọng của việc đẩy mạnh hoạt động kinh doanh dựa trên nhân vật, ông Shuntaro Furukawa, chủ tịch đương nhiệm của Nintendo cho biết: “Chúng tôi liên tục tạo mối liên hệ với những khách hàng mới sử dụng Nintendo ở các lĩnh vực khác ngoài trò chơi và với những khách hàng còn xa lạ với trò chơi”.
Xem thêm: Coca-Cola Nhật Bản ra mắt phiên bản giới hạn Super Nintendo World
kilala.vn
23/11/2022
Bài: Happy
Nguồn: The Mainichi
Đăng nhập tài khoản để bình luận