Nhật Bản rơi vào tình trạng suy thoái kinh tế

    Trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 3, kinh tế Nhật Bản tiếp tục giảm 3,4% so với quý trước (quý IV/2019). Dựa theo dữ liệu từ phía chính phủ cho thấy, sự sụt giảm kinh tế trong hai quý liên tiếp đã đẩy nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới vào tình trạng suy thoái kỹ thuật (*).
    suy thoái kinh tế
    GDP Nhật Bản âm liên tiếp trong 2 quý.

    Lần đầu tiên trong 5 năm qua (tính từ quý IV/2015), GDP Nhật Bản âm khi bắt đầu sụt giảm 7,3% vào quý IV/2019. Đến quý I/2020, GDP lại tiếp tục giảm thêm 3,4%. Có khả năng trong quý kế tiếp (quý II, tính từ tháng 4 - 6/2020), kinh tế Nhật Bản có thể suy thoái với tốc độ cực nhanh do sự ảnh hưởng của COVID-19.

    Ông Yasutoshi Nishimura, Bộ trưởng phụ trách Chính sách Kinh tế và Tài khóa, phát biểu trong một cuộc họp báo: "GDP trong giai đoạn từ tháng 4 - tháng 6 có thể sẽ "nghiêm trọng" hơn so với giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 3. Và dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại đáng kể theo thời gian." Đồng thời, ông quy kết sự suy thoái kinh tế bắt đầu từ khi tình trạng khẩn cấp được tuyên bố trên toàn nước Nhật, làm hạn chế các hoạt động kinh tế trên khắp Nhật Bản trong 2 tháng liên tiếp (tháng 4, tháng 5).

    Theo Văn phòng Nội các, GDP đã giảm 7,3% trong quý IV năm 2019, là mức giảm mạnh nhất trong suốt hơn 5 năm qua. Nguyên nhân bắt nguồn từ việc thuế tiêu dùng tăng từ 8% lên 10% (tính từ ngày 01/10/2019) và tiếp đến là thiệt hại kéo theo do cơn bão Hagibis gây ra. Một quan chức trong Văn phòng Nội các cho biết, nền kinh tế Nhật Bản đã có thể tăng trong quý đầu 2020 nếu như không có sự tác động của COVID-19.

    Xem thêm bộ máy tổ chức của hệ thống chính trị Nhật Bản tại đây.

    thuế tiêu dùng nhật tăng
    Thuế tiêu dùng tại Nhật tăng từ 8% lên 10% từ tháng 10/2019.

    Các dữ liệu cho thấy tổng sản phẩm quốc nội, tổng giá trị hàng hóa và dịch vụ sản xuất trong nước giảm 0,9%. Cụ thể, trong quý I/2020, tiêu dùng cá nhân (**) - chiếm khoảng 60% nền kinh tế Nhật Bản - giảm 0,7% so với quý III. Do sự tác động của COVID-19, các hoạt động chi tiêu, mua sắm hầu như được giảm đến mức thấp nhất vì phải cách ly tại nhà và thực hiện giãn cách xã hội. Chi tiêu vốn (***) - 1 yếu tố quan trọng khác trong nhu cầu nội địa - và đầu tư tư nhân, giảm lần lượt 0,5% và 4,5%. Ngoài ra, xuất khẩu cũng giảm theo, cụ thế xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ trong quý I/2020 đã giảm 6% do những mặt hàng kích cầu nước ngoài là ô tô và phụ tùng ô tô không có nhu cầu cao như trước. Về mặt danh nghĩa, nên kinh tế Nhật Bản đã sút giảm 3,1% trong năm và 0,8% trong quý.

    Ông Yuichi Kodama, Chuyên gia kinh tế cao cấp tại công ty bảo hiểm nhân thọ Meiji Yasuda, dự kiến rằng sẽ mất ít nhất 1 hoặc 2 năm để nền kinh tế Nhật khôi phục lại như thời điểm trước khi dịch bùng nổ. Ông cho biết thêm, nền kinh tế nội địa đã đạt đỉnh cao vào khoảng tháng 10/2018. Sau đó, hai tháng đầu năm 2019 vẫn không khá khẩm hơn do tác động tiêu cực từ cuốc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Ông Kodama nói thêm: "Về cơ bản, nền kinh tế Nhật Bản vốn đã bị đình trệ và dịch COVID-19 lại giáng thêm một đòn nặng nề".

    Tính theo năm tài khóa (****), đến tháng 3/2019, nền kinh tế Nhật Bản đã giảm 0,1% theo giá trị thực, lần đầu tiên kể từ năm tài khóa 2014.

    Xem thêm về năm tài khóa của Nhật tại đây.

    (*) Suy thoái kỹ thuật: là khi GDP trong 2 quý âm, nhưng nguyên nhân chủ yếu là do sự tăng trưởng chậm hoặc một sự cố đặc biệt nào đó gây ra chứ không phải xuất phát từ những nguyên nhân sâu xa. Suy thoái kỹ thuật thường diễn ra trong thời gian ngắn và mức độ không quá trầm trọng.

    (**) Tiêu dùng cá nhân: hay còn gọi là Chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE), là chi tiêu hộ gia đình được quy cho từng người, xác định trong một khoảng thời gian cụ thể. Tiêu dùng cá nhân bao gồm tất cả các giao dịch mua sắm của người tiêu dùng như thực phẩm, quần áo, sức khỏe, giáo dục, giải trí. nhưng sẽ không bao gồm hoạt động mua nhà ở.

    (***) Chi tiêu vốn: hoặc chi phí vốn (CAPEX) là khoản chi tiêu cho đầu tư khi mua mới tài sản hoặc tiền sử dụng để kéo dài tuổi thọ hữu ích của một tài sản hiện có.

    (****) Năm tài khóa: hay còn gọi là năm tài chính, năm thuế hoặc năm ngân sách (FY), là khoảng thời gian có độ dài tương đương một năm (tức là 12 tháng hoặc 52 đến 53 tuần) dùng cho công tác kế hoạch ngân sách của tổ chức hoặc quốc gia.

    kilala.vn

    20/05/2020

    Nguồn: Kyodo News
    Ảnh: Pixta

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!