Nhật Bản phát triển ứng dụng giải mã văn tự cổ xưa

    Ứng dụng được kỳ vọng sẽ giúp người dùng có thể dễ dàng đọc hiểu hàng tỷ tài liệu cổ xưa ở một mức độ nào đó.

    Một ứng dụng điện thoại thông minh cho phép người dùng giải mã các tài liệu cổ của Nhật Bản được viết chủ yếu bằng chữ thảo từ thời Edo (1603-1867) đã được hợp tác phát triển bởi Toppan Inc., “gã khổng lồ” trong lĩnh vực in ấn có trụ sở tại Tokyo. Phiên bản thử nghiệm của ứng dụng dự kiến có thể sẽ được phát hành vào cuối tháng này.

    ứng dụng giải mã văn tự Nhật cổ

    Ứng dụng giải mã các ký tự cổ và chuyển thành các ký tự in. Ảnh: The Mainichi

    Theo nhà phát triển ứng dụng, nếu có thể đọc các tài liệu cổ do người xưa để lại, nghiên cứu về lịch sử, văn hóa, kinh tế và phòng chống thiên tai như động đất và sóng thần có thể có bước tiến mới. Người ta nói rằng "ít hơn 0,1% người Nhật" có thể đọc chính xác chữ thảo.

    Có nhiều tài liệu thuộc sở hữu của các cơ quan công quyền chưa được giải mã và ngay cả khi được đưa đến các cơ quan nghiên cứu, các tổ chức này cũng không có khả năng xử lý chúng. Do đó, các tài liệu có giá trị, chẳng hạn như thư từ và hồ sơ hoàn toàn biến mất khi chúng bị vứt bỏ hoặc bị hư hỏng trong khi chưa được đọc.

    [subscribe]

    Vì lý do này, Toppan đã nghiên cứu công nghệ giải mã từ năm 2015 và đã phát triển ứng dụng này với sự hợp tác của Bảo tàng Lịch sử Thành phố Kyoto, Mitsui Bunko - tổ chức hợp nhất lợi ích công cộng có trụ sở tại Tokyo và các đơn vị khác.

    Ứng dụng giải mã văn tự được trang bị trí tuệ nhân tạo (AI) chuyên dụng có khả năng ghi nhớ các tài liệu cổ đã được giải mã. Nó phân tích các ký tự chữ thảo được chụp bởi camera của điện thoại, chuyển đổi chúng thành các ký tự in và hiển thị chúng trên màn hình. 

    Đối với các tài liệu từ thời Edo, độ chính xác giải mã được cho là khoảng 90% và có thể hiểu những gì được viết ở một mức độ nhất định.

    nhật bản phát triển ứng dụng giải mã văn tự cổ
    Ứng dụng được kỳ vọng giúp phát triển nghiên cứu các lĩnh vực. Ảnh: unseenjapan.com

    Hiroshi Matsunaka, một nhà nghiên cứu lịch sử tại Bảo tàng Kyoto, người đã hợp tác trong thử nghiệm ứng dụng, cho biết: "Vẫn còn những thách thức về độ chính xác trong việc giải mã văn bản", nhưng ông hy vọng rằng AI sẽ cải thiện độ chính xác của ứng dụng trong thời gian ngắn, khi nó tiếp tục học nhiều hơn.

    Matsunaka chia sẻ thêm: "Tôi hy vọng ứng dụng sẽ là chất xúc tác cho việc khám phá ra các tư liệu bị chôn vùi."

    Ứng dụng sẽ hoạt động như một dịch vụ tính phí, nhưng một số chức năng có thể được sử dụng miễn phí. Phiên bản chính thức dự kiến sẽ được phát hành vào tháng 3.

    kilala.vn

    31/01/2023

    Bài: Happy
    Nguồn: The Mainichi

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!