Chữ cổ Kuzushiji: nét đẹp vĩnh cửu của ngôn ngữ Nhật

    Là một người học tiếng Nhật, chúng ta đều biết đây là một ngôn ngữ khó đòi hỏi sự kiên trì và chăm chỉ. Chúng ta học tiếng Nhật qua tin tức, qua đối thoại hằng ngày, qua phim ảnh và truyện tranh, nhưng bạn có biết còn có một góc cổ xưa trong tiếng Nhật mà ngay cả người Nhật cũng chưa chắc hiểu rõ là Kuzushiji (くずし字) - chữ thảo?
    chữ cổ kuzushiji nét đẹp vĩnh cửu của ngôn ngữ Nhật
    Chữ cổ Kuzushiji trong văn tự cổ. (Ảnh: yumikosalon.com)

    Kuzushiji là gì?

    Kuzushiji (くずし字) là chữ thảo, hiểu nôm na là chữ theo phong cách viết tay. Vào thời đại chưa xuất hiện kỹ thuật in ấn hiện đại, người ta dựa vào chữ viết tay để lưu truyền văn hóa, lịch sử, nhờ vậy mà những thế thế hệ sau có thể tiếp thu và phát huy bản sắc dân tộc. Chữ thảo xuất hiện trong các tài liệu cổ, đặc biệt là từ thời Chiến Quốc (1467 – 1615) đến thời Edo (1603 – 1868). Có hai kiểu chữ viết tay điển hình: “行書体 – Gyoushotai” và “草書体 – Soushotai”.

    • Soushotai (草書体): thể “Thảo thư” – một kiểu viết nhanh, lược bỏ phần lớn các nét trong chữ Hán Nhật. Bởi vì mỗi một chữ Hán đều có cách viết tắt riêng biệt nên nếu không nhớ chính xác hình dạng của ký tự đó thì không thể viết và đọc được.

    kuzushiji
    Soushotai lược bỏ phần lớn các nét trong chữ Hán. (Ảnh: ja.wikipedia.org)

    • Gyoushotai (行書体): thể “Hành thư”, các chữ được viết theo lối này thường có độ chính xác cao và rõ ràng từng nét nên chúng ta sẽ dễ dàng đọc được văn bản được viết bằng “Hành thư”. Đây là một kỹ thuật trung gian giữa chữ viết thông thường và chữ được viết theo lối thảo thư. Vì rõ ràng, dễ đọc nên đây cũng là lựa chọn ưu tiên khi viết chữ lên bia đá hay bảng hiệu.

    gyoushotai
    Gyoushotai có độ chính xác cao và rõ ràng từng nét. (Ảnh: ja.wikipedia.org)

    Ngày nay, Kuzushiji có thể tìm thấy ở một số biển hiệu cũ, đặc biệt bạn sẽ dễ dàng bắt gặp chúng ở các quán mỳ, soba. Thậm chí trên bao bì của đũa dùng một lần cũng in kiểu chữ này nhưng vì trông nó quá “nghệ” nên chúng ta ít khi dành thời gian để đọc thử. Bạn hãy thử đoán xem những dòng chữ dưới đây đọc là gì?

    kuzushiji
    Chữ thảo trên bao giấy của đũa dùng một lần. (Ảnh: komonjo.rokumeibunko.com)

    Những dòng chữ trong 4 hình trên đều được đọc là “おてもと – Otemoto”, là đôi đũa dùng một lần được đặt gần tay của thực khách trên bàn ăn trong các nhà hàng Washoku. Bạn sẽ thấy dòng chữ “Otemoto” này thường xuyên xuất hiện trên bao giấy của những đôi đũa. Vậy mới thấy dù chỉ là chiếc đũa dùng một lần nhưng người Nhật cũng đã khéo léo truyền tải vào đó những nét đẹp văn hóa truyền thống, để sự hiện đại và cổ xưa giao thoa với nhau, đón nhận cái mới nhưng không lãng quên cái cũ.

    Chữ thảo đã trở thành một “ngôn ngữ” đặc biệt mang tính lịch sử truyền thống cần được giải mã và giữ gìn. Đến các trường đại học danh tiếng Thế giới như Cambridge, Heidelberg cũng bắt đầu tổ chức các hội thảo về giải mã chữ thảo. Bên cạnh đó, sự quan tâm của các nhà nghiên cứu Nhật Bản ở nước ngoài cũng ngày càng tăng trong những năm gần đây.

    Tìm hiểu về Hentaigana

    Để đọc và hiểu được chữ thảo, chúng ta phải tìm hiểu một bảng chữ cái tiếng Nhật cổ xưa được gọi là ”変体仮名 - Hentaigana”, một biến thể của Hiragana. Hentaigana chính là một phần của chữ thảo Kuzushiji được nhắc đến ở trên.

    Chúng ta đều biết 「あ」,「い」 và 「え」 là những ký tự trong bảng chữ cái Hiragana. Thế nhưng, vào thời điểm trước năm 1900, người Nhật sử dụng bảng chữ cái Hentaigana là chủ yếu. Ban đầu không có sự phân biệt giữa Hiragana và Hentaigana, thế nên nhiều tác phẩm nổi tiếng trước kia đều sử dụng các chữ cái thuộc bảng Hentaigana này. Một vài tác phẩm không chỉ truyền tải nội dung mà còn nhấn mạnh vào hiệu ứng thẩm mỹ nên có xu hướng dùng nhiều phông chữ để tránh sự đơn điệu, nhàm chán.

    Vào thời xưa, chữ 「あ」còn được viết thành chữ Hán như 「安」「阿」「愛」. Chữ 「い」thì được viết thành 「以」「移」「意」. Hay chữ 「え」lại viết thành 「江」. Bạn có thể tham khảo thêm nhiều chữ cái khác trong bảng Hentaigana qua hình dưới đây:

    tìm hiểu về hentaigana
    Ví dụ về Hentaigana. (gosenzo.net)

    Ngày nay, Hentaigana không thường được sử dụng trong văn bản hàng ngày nữa, nhưng nó vẫn xuất hiện trong các biển hiệu, thư pháp, địa danh và tên cá nhân. Ngoài ra, trong tập “Nhật Bản Chí” của Kaempfer (ケンペル 日本誌), nó còn được gọi là “大和仮名 - Yamatogana”.

    Người xưa thường dùng bút lông để viết và họ cũng quan niệm rằng chữ viết càng ít nét càng tốt. Ngoài ra chữ viết cũng phản ánh được cá tính của người viết. Ngày nay, chúng ta đều sử dụng máy tính, các chữ đều có cùng một khuôn mẫu nên khi xem qua chữ thảo thì đều thấy nó loằng ngoằng, không thể đọc hiểu được những tài liệu cũ. Đó cũng là lý do một phần văn hóa cổ xưa bị mai một do có nhiều thay đổi trong chữ viết xưa và nay. Để đọc được chữ thảo và Hentaigana, bạn chỉ có cách là ghi nhớ những chữ cái thường dùng.

    kuzushiji trên bảng hiệu quán ăn
    Kuzushiji trên bảng hiệu quán ăn. (Ảnh: fv1.jp)

    Giới thiệu các app và web học bảng chữ cái Hentaigana.

    Kilala sẽ giới thiệu đến bạn một vài trang web và ứng dụng có thể giúp bạn luyện đọc bảng chữ cái Hentaigana cũng như có cơ hội đọc thêm nhiều tác phẩm cổ xưa của Nhật:

    • 国文学研究資料館: Một trang web rất uy tín tập hợp nhiều bài viết nghiên cứu về văn hóa – văn học Nhật Bản cổ điển.
    • 変体仮名App: Đây là một phần mềm được phát triển bởi Đại học Waseda. Lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học lừng lẫy “Truyện cổ Genji” để luyện đọc những ký tự Hentaigana trong tài liệu cổ xưa. Có thể tải được trên IOS và Android
    • 文字情報基盤データベース (IPA): Trang web này có mục 変体仮名一覧 để bạn thuận tiện tham khảo toàn bộ chữ viết trong bảng chữ cái Hentaigana.
    • くずし字学習支援アプリKuLA: Một ứng dụng cho phép chúng ta học chữ thảo, hỗ trợ nền tảng IOS và Android. Với chức năng “Học” sẽ giúp chúng ta ghi nhớ hình dạng của chữ thảo. Chức năng “Đọc” hỗ trợ chúng ta kiểm tra khả năng của mình qua viêc đọc những tác phẩm kinh điển. Ngoài ra còn có chức năng “Kết nối” cho phép chúng ta trao đổi trên SNS với những người học khác.
    • みんなで翻刻:  Bạn sẽ bất ngờ với trang web này. Có rất nhiều tài liệu quý tồn tại cho đến ngày nay nhưng lại rất ít ấn phẩm được công bố vì cần nhiều thời gian phục hồi tài liệu cổ cũng như cần nhân lực giải mã từ vựng cổ. Thế nên trang web này cho phép mọi người cùng nhau giải mã, phục chế lại tác phẩm xưa. Trang web này ban đầu nằm trong dự án tái bản các tư liệu về lịch sử động đất của nhóm nghiên cứu động đất Đại học Kyoto. Tính đến năm 2020 đã có khoảng 5000 người tham gia phục hồi lại các cổ thư quý hiếm.

    Tạm kết

    Mục đích chính của việc đọc các tài liệu cũ là để tìm kiếm một vài tài liệu làm cơ sở để viết các bài luận cho các nhà nghiên cứu, nhưng việc luyện đọc những tài liệu cũ cũng là một cách rèn luyện trí não, vì để đọc được chúng thì bản thân cần tích lũy nhiều kiến thức và có trí tưởng tượng, mô phỏng tốt. Với sự phổ biến của công nghệ thông tin như hiện nay thì việc nhìn thấy hoặc viết các ký tự ngoài chữ in đã trở nên cực kỳ hiếm. Thế nên, nếu có thể đọc được các tài liệu cũ, bạn sẽ có cảm giác sung sướng như vừa “giải mã” được một loại mật mã khó nhằn nhưng cũng không kém phần thú vị.

    kilala.vn

    01/03/2021

    Bài: Niji

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!