Nhật Bản ghi nhận số thương vụ M&A kỷ lục trong năm 2021
Số thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) liên quan đến các doanh nghiệp Nhật Bản đã cán mốc kỷ lục với 4.280 thương vụ vào năm 2021, trong bối cảnh nhiều công ty chuyển sang đầu tư vào các lĩnh vực tăng trưởng với hy vọng có thể khắc phục được những thay đổi trong môi trường kinh doanh hiện tại, được gây ra bởi sự nóng lên toàn cầu và đại dịch COVID-19.
4.280 thương vụ M&A trong năm 2021
Số thương vụ M&A trong năm 2021 đã tăng thêm 550 so với năm 2020, tương đương với 14,7% và vượt qua mức kỷ lục được xác lập trước đó vào năm 2019.
Theo Recof Corp, một công ty tư vấn M&A hàng đầu Nhật Bản, điều này cho thấy rõ nỗ lực của các tập đoàn nhằm thích nghi với tình hình dịch COVID-19, bên cạnh đó là xu hướng chuyển đổi toàn bộ hoạt động sang hướng giảm phát thải carbon.
Mặc dù tốc độ thực hiện các thương vụ ban đầu khá chậm và rời rạc nhưng tổng kết số thương vụ trong năm 2021 lại cao nhất, lý do là vì sự gia tăng đột biến số lượng công ty tìm giải pháp giảm lượng khí thải carbon. Nhà hàng và đại lý du lịch là 2 ngành chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch cũng phải nhờ đến hoạt động M&A.
Trong khi nhiều tập đoàn lớn bắt đầu bán bớt các công ty con để ứng phó với tình trạng nhu cầu trong nước giảm, các công ty vượt trội về công nghệ hiện đại hướng đến chuyển đổi số lại trở thành “miếng bánh ngon” được săn đón trong các thương vụ M&A.
Mặt khác, một số công ty lại tiến hành chuyển đổi cơ cấu để phù hợp với tiêu chuẩn niêm yết mới của Sở Giao dịch chứng khoán Tokyo, bắt đầu có hiệu lực từ tháng 04/2022.
Yuko Yoshitomi, Chủ tịch công ty Recof Data Corp., một công ty con thuộc tập đoàn Recof chuyên phân tích dữ liệu cho biết: “Ban lãnh đạo của các doanh nghiệp ngày càng bị thúc ép phải áp dụng các chiến thuật hấp dẫn hơn để thu hút thêm cổ đông. Xu hướng các doanh nghiệp dựa vào M&A để bán bớt các lĩnh vực không có lợi nhuận hay vì lí do khác dự kiến sẽ tiếp tục tăng”.
Giảm phát thải carbon, cải thiện sức khỏe nền kinh tế
Theo Recof, giá trị thương vụ M&A năm 2021 đạt tổng cộng 16.484.000 tỷ yên. Trong đó, giá trị cao nhất là thương vụ tập đoàn tài chính Mitsubishi UFJ Financial Group Inc. (MUFG) bán ngân hàng địa phương MUFG Union Bank cho US Bancorp với giá 1.900 tỷ yên.
Hai thương vụ tiếp theo liên quan đến tập đoàn Hitachi, hiện đang trong quá trình tái cơ cấu diện rộng. Hitachi đã mua lại công ty công nghệ thông tin của Mỹ GlobalLogic Inc., với giá 1.000 tỷ yên. Điều này dẫn đến Hitachi Metals Ltd., một mảng kinh doanh cốt lõi của tập đoàn, đã được chuyển giao cho một quỹ đầu tư liên kết giữa Nhật Bản và Hoa Kỳ với giá 800 tỷ yên.
Eneos Holdings Inc., nhà cung cấp dầu lớn nhất Nhật Bản đang tiến hành bán công ty con chuyên lát nhựa đường Nippo Corp. với giá 190 tỷ yên để xử lý cổ phiếu chưa niêm yết.
Eneos xem lượng khí thải carbon khổng lồ liên quan đến sản xuất hỗn hợp nhựa đường là một thách thức kinh doanh rất cấp bách cần xử lý ngay. Eneos cũng dự kiến bán JX Nippon Exploration and Production, đặt trụ sở tại London, liên quan đến sản xuất dầu thô tại các mỏ dầu ở Biển Bắc với giá 190 tỷ yên.
Xem thêm: Cây "Hitachi": Biểu tượng của Tập đoàn Hitachi từ năm 1973
Bên cạnh đó, họ cũng đưa ra mục tiêu mua lại Japan Renewable Energy Corp. với giá 200 tỷ yên bởi tập đoàn này đang dẫn đầu về việc cung cấp điện tạo ra từ năng lượng mặt trời và các loại năng lượng tái tạo khác.
Không chỉ riêng Eneos, công ty Thăm dò Dầu khí Nhật Bản (Japan Petroleum Exploration Co. – JAPEX) cũng chọn con đường rút lui khỏi hoạt động kinh doanh cát dầu và khí đá phiến ở Canada bằng giải pháp bán công ty con, chấp nhận lỗ 130 tỷ yên.
Cát dầu là hỗn hợp trộn giữa cát với dầu, trong quá trình làm ra, nó sản sinh một lượng lớn khí carbon dioxide. Nhiều doanh nghiệp lớn cũng rút chân khỏi lĩnh vực sản xuất nhiệt điện than, khai thác dầu bằng cách bán bớt các công ty liên quan.
Với các nhà điều hành trong lĩnh vực nhà hàng và đại lý du lịch, các phương thức kinh doanh mới đang dần trở nên phổ biến trong bối cảnh vẫn chịu tác động nặng nề từ đại dịch COVID-19.
Liên quan đến lĩnh vực nhà hàng, thương vụ M&A nổi bật có thể kể đến là Food & Life Companies Ltd., nhà điều hành chuỗi cửa hàng sushi băng chuyền Akindo Sushiro, mua lại chuỗi sushi take-away Kyotaru Co.
Các thương vụ M&A hứa hẹn trong tương lai
Một số tập đoàn lớn khác của Nhật Bản chưa thực hiện thương vụ M&A trong năm 2021 cũng đang lên kế hoạch cải tổ hoạt động thông qua M&A, nổi bật nhất là Mitsubishi Chemical Holdings Corp., công ty hóa chất lớn nhất Nhật Bản.
Vào tháng 12, Mitsubishi Chemical đã thông báo rằng sẽ tách bộ phận hóa dầu với bộ phận carbon của công ty sớm nhất là vào năm tài chính 2023. Bộ phận hóa dầu chủ yếu sản xuất ethylene và các vật liệu nhựa khác. Còn bộ phận carbon tập trung sản xuất than cốc dùng trong quá trình sản xuất thép.
Cả hai lĩnh vực đều xử lý các vật liệu cơ bản và quan trọng của công ty Mitsubishi Chemical. Trong đó, bộ phận hóa dầu trong nước của công ty đặt trụ sở tại Mizushima, tỉnh Okayama và thành phố Kashima, tỉnh Ibaraki, sản xuất được 733.000 tấn ethylene mỗi năm. Đây là một trong số những nơi có sản lượng ethylene cao nhất tại Nhật Bản.
Từ lâu Mitsubishi Chemical đã góp phần củng cố nền công nghiệp nặng và hóa chất của Nhật Bản, nhưng trên thị trường quốc tế, giá bán không còn đủ sức cạnh tranh. Nhiều chuyên gia lưu ý rằng ngành kinh doanh carbon sẽ phải đối mặt với những thách thức giống với lĩnh vực hóa dầu trên toàn cầu.
Vì lý do này, Mitsubishi Chemical đang lên kế hoạch tập trung vào các lĩnh vực khác có tốc độ tăng trưởng cao hơn. Điển hình như mở rộng bộ phận sản xuất nhựa arcrylic, dù loại nhựa này có thành phần từ dầu mỏ nhưng được ứng dụng trong nhiều sản phẩm khác như màn hình tinh thể lỏng. Về nhựa arcrylic, Mitsubishi Chemical đang có công nghệ sản xuất độc quyền và chiếm tới 40% thị phần trên toàn cầu.
Jean-Marc Gilson, Chủ tịch của Mitsubishi Chemical phát biểu trong một cuộc họp báo vào tháng 12 rằng tích hợp và tổ chức lại việc kinh doanh hóa dầu và carbon tại Nhật Bản là điều không thể tránh khỏi. Với tư cách đứng đầu ngành, ông Jean-Marc Gilson nói rằng Mitsubishi Chemical sẽ chủ động trong quá trình cải cách này.
Như vậy, có thể thấy, đại dịch COVID-19 và xu hướng giảm lượng khí thải carbon là hai nguyên do chính khiến nhiều doanh nghiệp buộc phải thực hiện các thương vụ mua bán và sáp nhập M&A để vượt qua những tác động nặng nề của đại dịch, cũng như hướng tới một xã hội bền vững.
kilala.vn
18/01/2022
Bài: Rin
Nguồn: asahi.com
Đăng nhập tài khoản để bình luận