Doanh nghiệp giấy lâu đời biến gạo thừa thành giấy cao cấp
Nỗ lực để chống lãng phí thực phẩm, một doanh nghiệp giấy với lịch sử hơn 130 năm tại Nhật đã phát triển công nghệ sản xuất giấy chất lượng cao từ nguồn gạo dự trữ cũ, không còn sử dụng được.
Là lương thực chính của người dân Nhật Bản, gạo được sản xuất trên khắp cả nước và nhiều chính quyền địa phương cũng như các tập đoàn kinh doanh dự trữ gạo này để sử dụng khẩn cấp trong trường hợp xảy ra thảm họa.
Tuy nhiên, sau một thời gian nhất định, chất lượng và hương vị của gạo giảm đi, khiến nó không còn phù hợp để con người ăn. Vì vậy trước đây, không có lựa chọn nào khác ngoài việc loại bỏ số gạo này.
Tận dụng nguồn gạo trên, Papal - một doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh giấy danh tiếng ở tỉnh Nara đã nghiên cứu, phát triển nên sản phẩm giấy "kome-kami".
Kome-kami là gì?
Kome-kami là loại giấy làm từ gạo bỏ đi, sử dụng nguồn gạo dự trữ cho thảm họa mà các tập đoàn và chính quyền thành phố có kế hoạch loại bỏ và gạo không thể bán được do các trường hợp không thể tránh khỏi như hư hỏng bao bì trong quá trình vận chuyển.
Papal đã thêm loại gạo này vào bột giấy, tạo ra sản phẩm giấy gạo được tung ra thị trường vào tháng 3 năm 2021.
Nỗ lực chống thất thoát thực phẩm, hướng đến một xã hội tái chế
Một trong những lý do cho sự ra đời của sản phẩm này là mong muốn hợp tác, phối hợp với hoạt động của các ngân hàng thực phẩm (food bank).
Ngân hàng thực phẩm là nơi tiếp nhận nguồn quyên tặng từ công ty và những tổ chức khác đối với các sản phẩm thực phẩm an toàn để ăn nhưng không thể đưa vào lưu thông do bao bì hư hỏng, in sai, dự trữ quá nhiều hoặc các lý do khác, sau đó cung cấp miễn phí chúng cho các cơ sở, tổ chức, hộ gia đình có nhu cầu.
Ngân hàng thực phẩm đang có mặt ở nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới. Tại Nhật Bản, một số tổ chức đã phát động các hoạt động từ đầu những năm 2000.
Yamashita Yu, Phó Giáo sư tại Đại học Shiga kiêm cố vấn ngân hàng thực phẩm, và Yada Kazuya, giám đốc của doanh nghiệp giấy Papal, đã có cuộc gặp mặt vào năm 2020.
Thông qua Giáo sư Yamashita, Yada đã biết về tình trạng lãng phí thực phẩm hiện tại cũng như hoạt động của các ngân hàng thực phẩm. Và từ đây, ông bắt đầu suy nghĩ liệu doanh nghiệp của mình có thể phát triển các sản phẩm giúp giải quyết vấn đề này hay không.
Cuối cùng, ông nảy ra ý tưởng sử dụng gạo bỏ đi để làm giấy. Ở Nhật Bản, gạo đã được sử dụng như một nguyên liệu trong sản xuất giấy từ thời cổ đại vì nó có thể cải thiện màu sắc và loại bỏ các vết đốm trong bản in tranh khắc gỗ ukiyo-e.
Tuy nhiên, thời gian trôi qua, gạo đã bị thay thế bằng các hóa chất thực hiện chức năng tương tự và kỹ thuật này cũng bị thất truyền. Do đó, công ty phải tiếp cận việc phát triển giấy gạo như một thách thức mới, với xuất phát điểm từ con số không.
Đó là một quá trình thử nghiệm và cải tiến liên tục. Gạo nhiều tinh bột có độ nhớt cao nên bột giấy bị kẹt vào máy xeo giấy, khó xử lý như ý muốn. Nó cũng khó đạt được độ dày đồng đều và đôi khi xuất hiện các lỗ trên bề mặt giấy.
Các nhà phát triển của Papal đã mất hơn một năm để vượt qua những khó khăn này và vào tháng 3 năm 2021, họ đã thương mại hóa thành công "kome-kami".
Sau những cải tiến hơn nữa về công nghệ, vào tháng 5 năm 2023, công ty đã phát triển một sản phẩm mới – loại hộp đựng có bề mặt trơn nhẵn mang tên "kome-kami BOX".
Sản phẩm này tạo dấu ấn bởi vừa mang những tính chất vốn có của giấy, lại vừa có kết cấu mềm mại, dẻo dai từ gạo. Màu trắng tự nhiên của nó gợi nhớ đến hạt gạo bóng bẩy và giúp làm nổi bật món đồ được đặt bên trong.
Papal gọi những sản phẩm kome-kami là "giấy lãng phí thực phẩm” để bày tỏ hai nguyện vọng của doanh nghiệp: trực tiếp loại bỏ lãng phí thực phẩm và hỗ trợ các sáng kiến loại bỏ lãng phí thực phẩm bằng cách chuyển đổi chi phí xử lý thành giá trị.
Một phần trăm của doanh số của kome-kami được doanh nghiệp trả lại dưới hình thức quyên góp cho các ngân hàng thực phẩm.
Thông qua kome-kami, Papal hướng đến việc thúc đẩy tinh thần "mottainai" cổ xưa của Nhật Bản, từ đó khuyến khích mọi người thay đổi hành vi cá nhân và hướng tới mục tiêu giảm lãng phí thực phẩm hơn nữa.
Các công ty cùng chia sẻ mục tiêu này đã sử dụng giấy kome-kami để đóng gói, làm danh thiếp, tờ rơi. Nhờ sự đồng hành của họ, các ứng dụng của kome-kami đã và đang tiếp tục được mở rộng.
Không dừng lại ở gạo, Papal đã thử nghiệm thêm nhiều thành phần khác và thành công tạo ra các sản phẩm mới như "giấy bia thủ công", một loại giấy thủ công làm từ bã mạch nha bị loại bỏ trong quá trình sản xuất bia craft và "vegi-kami carrot", một chất liệu giấy làm từ vỏ cà rốt.
Những nỗ lực của công ty tiếp tục theo đuổi tôn chỉ "chuyển đổi tất cả chất thải thành sản phẩm có giá trị".
Xem thêm: Tái chế lưới đánh cá thành sản phẩm thời trang
kilala.vn
Mục tiêu phát triển bền vững (Sustainable Development Goals – SDGs), còn được gọi là Mục tiêu toàn cầu, được Liên hợp quốc (LHQ) thông qua vào năm 2015 như một lời kêu gọi hành động để chấm dứt đói nghèo, bảo vệ hành tinh và đảm bảo rằng tất cả mọi người được hưởng hòa bình và thịnh vượng vào năm 2030 ở mỗi quốc gia thành viên (LHQ). SDGs được thiết kế để chấm dứt nghèo đói, AIDS và phân biệt đối xử đối với phụ nữ và trẻ em gái.
Các SDGs dựa trên sáu chủ đề bao gồm: nhân phẩm, con người, hành tinh, quan hệ đối tác, công lý và thịnh vượng. Bao gồm 17 mục tiêu, được xác định bởi 169 mục tiêu cụ thể và 232 chỉ tiêu.
17/08/2023
Bài: kirin
Nguồn: gov-online.go.jp
Đăng nhập tài khoản để bình luận