Công ty Nhật Bản chuyên kinh doanh bất động sản “bị ma ám”
Công ty này có một bảng sắp xếp các ngôi nhà gặp vấn đề như: tự tử, giết người, gần nghĩa trang… để khách hàng dễ dàng tìm hiểu.
Được thành lập vào tháng 4/2019, Jobutsu Estate hay còn gọi là Buddhahood Real Estate, đã tạo dựng được danh tiếng là công ty bất động sản (BĐS) Jiko bukken số 1 tại Nhật Bản bằng cách xây dựng mô hình kinh doanh của mình xung quanh việc cung cấp cho khách hàng tiềm năng thông tin thực tế về những căn nhà được bán hay cho thuê lại.
"Jiko bukken - 事故物件" trong tiếng Nhật có nghĩa là “tài sản tai nạn”, ý chỉ những căn nhà bị bỏ hoang sau khi gặp một vấn đề nào đó không mong muốn. Có thể là vì chúng gần nghĩa trang hoặc lò thiêu, hay đã xảy ra những sự kiện không may mắn như: tự tử, chết do tai nạn hoặc thậm chí là giết người. Bởi vì luật pháp Nhật Bản quy định rằng bất kỳ người mua hoặc người thuê tiềm năng nào cũng cần được thông báo về những chi tiết như vậy, nên thuật ngữ “tài sản tai nạn” đã được sử dụng.
Tuy nhiên hầu hết các công ty BĐS sẽ không tiết lộ những câu chuyện ấy cho khách hàng để có thể bán được căn nhà càng nhanh càng tốt. Nhưng người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Jobutsu Estate, ông Koji Hanahara lại không nghĩ như vậy. Ông cho rằng việc bị bỏ hoang hay có người thiệt mạng không chứng minh được rằng căn nhà không tốt, có “ma ám” hay không cũng chỉ là lời đồn thổi của mọi người. Theo Koji Hanahara, có hơn 50.000 “bất động sản tai nạn” được rao bán hoặc cho thuê, nhưng cách thức quảng bá những bất động sản gây tranh cãi này là không phù hợp khi họ chỉ tập trung vào những điểm tốt nhưng lại giấu đi một số điều quan trọng. Như vậy là không công bằng với khách hàng.
Mặc dù luật pháp Nhật Bản yêu cầu các công ty bất động sản phải thông báo cho khách hàng tiềm năng về những “tai nạn” đã xảy ra đối với bất động sản mà họ đang cố gắng bán hoặc cho thuê, nhưng không có hướng dẫn rõ ràng về cách thực hiện điều đó. Koji Hanahara cho biết hầu hết các công ty sẽ cố gắng tránh đề cập đến. Ví dụ, nếu 10 năm đã trôi qua kể từ “tai nạn”, hoặc nếu người đó không phải là người đầu tiên chuyển đến sau khi người chủ cũ qua đời, thì câu chuyện về ngôi nhà sẽ được giữ kín.
Sự ra đời của Jobutsu Estate là để thay đổi điều này. Họ thông báo trước về câu chuyện của ngôi nhà và nhấn mạnh mức chiết khấu tài chính đi kèm (rẻ hơn từ 10% đến 50% so với thị trường). Trên trang web của công ty, các BĐS được sắp xếp theo một số danh mục liên quan đến sự kỳ thị xung quanh chúng, bao gồm tự tử, giết người, gần nghĩa trang hoặc nhà tang lễ… Thậm chí họ còn phân loại tài sản theo việc liệu người chết ở đó có được phát hiện trong vòng 72 giờ hay qua đời bởi một vụ cháy nhà.
Mô hình này cho đến nay đã được chứng minh tính hiệu quả. Đối tượng khách hàng chủ yếu của Jobutsu Estate là người trẻ và những người cao tuổi vì họ thường quan tâm đến việc tiết kiệm tài chính hơn là sợ sệt bởi những lời đồn thổi xung quanh. Tuy nhiên, Hanahara tin rằng vẫn còn nhiều cơ hội để phát triển trên thị trường, vì những loại nhà này là lý tưởng cho người lao động nước ngoài hoặc các đối tượng gặp khó khăn trong việc đảm bảo nhà ở. Để làm cho các tài sản này trở nên hấp dẫn hơn, Jobutsu Estate cũng thường xuyên dọn dẹp, khử trùng và cải tạo chúng.
Jobutsu Estate có sở hữu có một kênh Youtube chuyên giới thiệu tất tần tật về những căn nhà mà họ đang rao bán: có cả những lợi ích và câu chuyện xung quanh. Bạn có thể tham khảo tại đây, tuy nhiên hiện chỉ có ngôn ngữ tiếng Nhật.
kilala.vn
26/07/2021
Bài: Natsume
Đăng nhập tài khoản để bình luận