Công nghệ làm giấy từ mì udon
Từ những phần mì dư thừa không được sử dụng giờ đây đã có thể “biến” thành giấy, tránh việc lãng phí thực phẩm.
Vì Sanuki udon mất nhiều thời gian để luộc, nên các nhà hàng udon thường luộc mì trước để không phải để khách hàng phải chờ đợi. Tuy nhiên, vì udon mất độ dai và hương vị theo thời gian và mì cần được tiêu thụ ngay trong ngày, nên nếu ngày đó khách không quá đông thì sẽ dẫn đến tình trạng mì thừa bị vứt bỏ. Khi quy đổi thành bột mì tương đương người ta nhận thấy có hơn 3.000 tấn bị lãng phí mỗi năm.
Chính vì thế, công nghệ sản xuất giấy từ mì udon đã được phát triển bởi Giáo sư Naotaka Tanaka tại Khoa Nông nghiệp của Đại học Kagawa, chuyên về vi sinh vật ứng dụng.
Theo giáo sư Tanaka, mì udon và nước được trộn trong máy xay trước, sau đó thêm một loại enzyme để tạo ra glucose. Khi vi sinh vật được nuôi cấy bằng cách sử dụng glucose làm chất dinh dưỡng, màng cellulose được tạo ra. Các màng này tạo thành giấy khi được sấy khô.
Giấy làm từ udon có thể dễ dàng sản xuất mà không cần sử dụng thiết bị làm giấy vì không liên quan đến quy trình làm giấy truyền thống. Có thể làm từ 5 đến 10 tờ giấy khổ A4 từ một suất udon. Giấy làm từ udon mỏng hơn giấy photocopy thông thường, chỉ bằng 10% trọng lượng. Nó cũng không dễ rách khi kéo, chống nước và có thể dính vào đồ vật khi bị ẩm.
Một công ty phúc lợi xã hội đã tiếp quản việc phát triển sản phẩm từ giấy udon và bắt đầu sử dụng nó để sản xuất quạt uchiwa truyền thống. Năm tới, công ty đặt mục tiêu thương mại hóa Marugame uchiwa, một sản phẩm đặc trưng của vùng Marugame, tỉnh Kagawa.
kilala.vn
Nguồn: Japan News
Đăng nhập tài khoản để bình luận