Phẩm chất để thăng tiến trong công ty Nhật

    Năng lực hay trí tuệ là thứ quyết định tiền đồ của bạn tại một công ty Nhật? Vừa qua, Kilala đã có cơ hội tham dự bài diễn thuyết “Những phẩm chất, năng lực để mở cửa tương lai” được tổ chức tại trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn TP.HCM, để nghe ông Daisetsu Fujii - Viện nghiên cứu đạo đức Nhật Bản trình bày với những minh chứng sinh động liên quan đến vấn đề này.

    Ông Daisetsu Fujii

    Ông Daisetsu Fujii - Phó trưởng phòng Trung tâm tư vấn và hỗ trợ doanh nghiệp Moralogy - Viện nghiên cứu đạo đức. Một số tác phẩm nổi bật: Tuyển tập Hiroike Chiruko - Tư tưởng đạo đức kinh tế nhất thể; Kinh doanh nguồn vốn phạm chất; Kinh doanh xây dựng đạo đức…

    Bánh lái của con thuyền đi tìm hạnh phúc 

    Đầu tiên, hãy thử tưởng tượng cuộc đời mỗi con người là chuyến hải trình mà bến bờ cuối cùng là hạnh phúc. Bản thân bạn là thuyền trưởng lèo lái con thuyền. Động cơ tích hợp nhiều thứ năng lực mà mỗi người sở hữu: học lực, trí lực, tiền lực, quyền lực, kỹ thuật, thể lực… Dẫu con thuyền kia tráng lệ và động cơ ưu việt đến thế nào, nếu bánh lái không tốt cũng không thể dẫn lối con thuyền về đích. Và người Nhật quả thật không ngoa khi ví von chiếc bánh lái ấy với phẩm chất đạo đức - nền tảng cơ sở được định hình từ lòng nhân ái, sự chân thành, vị tha, mà nghĩa cử biểu hiện cao đẹp nhất chính là vì người khác mà có thể hy sinh quyền lợi của mình.  Thực tế chứng minh rằng, trong giới doanh nghiệp Nhật Bản, việc kinh doanh của một công ty có thuận lợi hay không phụ thuộc rất lớn vào việc nhân viên của công ty đó có nhân phẩm tốt hay không. Bởi lẽ hơn bất cứ điều gì khác, một nhân cách đẹp đẽ sẽ luôn tạo ảnh hưởng tích cực đến những người xung quanh, nhờ đó mà họ được mọi người tin tưởng, nâng đỡ và có thể xây dựng những mối quan hệ vững mạnh, lâu dài. Một minh chứng chói lọi cho vai trò của sự tin cậy, tín nhiệm dựa trên nhân tố đạo đức trong sự phát triển kinh tế chính là sự trưởng thành thần kì của đất nước Nhật Bản sau thế chiến thứ hai.

    Giáo dục đạo đức - môn học chính bắt buộc tại các trường học Nhật 

    Giáo dục đạo đức sẽ trở thành môn học chính thức bắt buộc trong chương trình Tiểu học kể từ năm 2018 và chương trình Trung học từ năm 2019. Để hiểu vì sao chính sách mang tính bước ngoặt đó lại được thực thi vào đúng thời điểm này, chúng ta cần phải lội ngược dòng thời gian về thời điểm khi công trình nghiên cứu “Đạo đức cơ bản và thành công xã hội” của nhà kinh tế học Kazuo Nishimura cùng với các cộng sự được công bố và, như một quả bom được hẹn giờ từ trước, đã gây nên một dư chấn mạnh mẽ trong dư luận xã hội. 

    Thăng tiến trong công ty Nhật

    Phẩm chất đạo đức là yếu tố quyết định sự thăng tiến của mỗi nhân viên trong công ty Nhật.

    Giả thiết được đặt ra là: “Nếu các doanh nghiệp xem trọng sự tín nhiệm thì người lao động có phẩm chất đạo đức tốt sẽ có giá trị cao tương đương trên thị trường lao động”. Để xác minh câu hỏi liên quan “Những điều được dạy còn bé ảnh hưởng như thế nào trong quá trình trưởng thành?”, các nhà nghiên cứu đã cho tiến hành khảo sát 90 ngàn người lao động Nhật Bản về mức lương bình quân hàng năm và điều nào họ đã từng được dạy trong 8 điều được nêu. Từ đó họ đã rút ra được 4 điều quan trọng nhất như sau:  

    - Không nói dối. 

    - Tốt bụng với mọi người. 

    - Tuân thủ quy định. 

    - Chăm học. 

    Kết quả thật thú vị khi chỉ ra rằng: Trung bình thu nhập hàng năm của những người từng được dạy cả 4 điều trên là 4.790.000 Yên; có ít nhất 1 điều chưa được dạy là 4.150.000 Yên; và chưa được dạy điều nào là 3.930.000 Yên. Nếu nhân mức lương này với số năm lao động của từng người, sự chênh lệch này là vô cùng lớn. Qua đó, phẩm chất đạo đức đã khẳng định vị thế vững chắc của mình trong việc định hướng cuộc đời và sự thành công của mỗi người, và không có gì bàn cãi khi nó đã dần trở thành vấn đề được ưu tiên hàng đầu trong chính sách giáo dục Nhật Bản.

    Làm thế nào để nâng cao phẩm chất đạo đức? 

    Đó là một quá trình không ngừng cải thiện bản thân với sự lặp đi lặp lại của 4 quá trình sau: 

    Học hỏi => Hành động => Tự kiểm điểm => Biết ơn. 

    Và tất cả đều phải dựa trên nền tảng là sự chính trực, khiêm nhường và thành thật.


    Anh Nguyễn Lâm Thảo

    Anh Nguyễn Lâm Thảo - CEO Công ty OneTech Asia.

    “Với kinh nghiệm hơn 7 năm sinh sống và làm việc tại Nhật, tôi nghĩ để phát triển tại công ty Nhật, các bạn cần có hiểu biết về văn hóa, phong cách ứng xử, phẩm chất của người Nhật. Nếu các bạn không làm đúng thì sẽ không nhận được sự tín nhiệm của đồng nghiệp và đối tác. Theo tôi, dù làm việc trong bất cứ ngành nghề nào, đạo đức vẫn luôn là quan trọng. Công thức thành công mà tôi tâm đắc nhất là phương trình: Trí tuệ * Nỗ lực * Đạo đức. Trí tuệ không hẳn là thông minh mà là khả năng học và tự học không ngừng để nâng cao trí tuệ có thể ứng dụng được trong thực tế. Nỗ lực là sự nhiệt tình, nỗ lực hết mình, không bỏ cuộc. Đạo đức là có tư duy đúng, suy nghĩ đúng, hành động đúng được xã hội công nhận”.

    kilala.vn

    15/10/2018

    Bài: Inako/ Hình ảnh: PIXTA, nhân vật cung cấp

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!