Những điều cần lưu ý khi sử dụng mạng xã hội
Bắt kịp xu hướng sử dụng mạng xã hội trên thế giới, nhiều người Việt cũng “sắm” cho mình ít nhất một tài khoản trên các trang mạng này. Tuy nhiên, ngoài chức năng kết nối mọi người với nhau, mạng xã hội cũng tiềm tàng vô số mối lo ngại về việc để lộ thông tin cá nhân, những tin nhắn có chứa virus hay tin nhắn lừa đảo. Riêng với nhân viên văn phòng, mạng xã hội còn chứa nhiều rủi ro khác gây ảnh hưởng xấu đến công việc. Cùng xem qua những điều mà sếp Nhật lưu ý nhân viên của mình khi sử dụng mạng xã hội nhé!
Sự bùng nổ của mạng xã hội
Mạng xã hội, hay còn gọi là SNS (viết tắt của cụm từ “Social Network Service”) xuất hiện lần đầu tiên trên thế giới vào năm 1995 với trang Classmate của tập đoàn United Online, Hoa Kỳ. Tiếp nối xu hướng mới mẻ đầy triển vọng này, hàng loạt các SNS khác như Friendster (2002), MySpace (2003), Orkut (2004) lần lượt ra đời. Tuy nhiên, phải đến năm 2006, khi Mark Zuckerberg cùng với các bạn tạo nên trang mạng Facebook thì hệ thống mạng xã hội trực tuyến trên thế giới mới thực sự dậy sóng. Tính đến tháng 8 năm 2015, Facebook có hơn 1,59 tỷ thành viên tích cực trên khắp thế giới, trở thành mạng xã hội phổ biến nhất sau MySpace và Twitter.
Ảnh: LoboStudioHamburg/Pixabay
Theo thống kê gần đây của Facebook, tại Việt Nam có hơn 30 triệu người trong số 90 triệu dân sử dụng Facebook mỗi tháng và thời gian trung bình dùng để lướt Facebook lên đến 2,5 giờ/ngày, cao hơn 13% so với mức sử dụng SNS trung bình mỗi ngày trên toàn cầu. Không chỉ có Facebook, người Việt còn sở hữu ít nhất một tài khoản thuộc các mạng xã hội khác như Instagram, Youtube, Line, Zing Me hay Zalo,.
Ngoài các rủi ro thường được cảnh báo khi sử dụng SNS như để lộ thông tin cá nhân, tin nhắn lừa tiền hay có chứa virus, việc sử dụng các trang này khi chưa trang bị kiến thức rõ ràng còn ẩn chứa các mối nguy hại khác mà mọi nhân viên văn phòng cần đặc biệt chú ý.
Nhân viên văn phòng và 3 rắc rối điển hình từ mạng xã hội
1) Mất việc vì gây xích mích nội bộ
Sự thật là có rất nhiều người sử dụng SNS như một quyển nhật ký cá nhân, thường xuyên chia sẻ lên trang của mình những tâm sự vui buồn, kể cả việc than thở về ông sếp khó tính, hay cằn nhằn về một chị làm cùng phòng. Hãy luôn ý thức rằng, dù bạn có để chế độ bảo mật thế nào, SNS cũng là nơi tập trung đông đảo các cư dân mạng tò mò và hay săm soi, chưa kể sẽ có cả những người ghét và muốn hại bạn. Những dòng trạng thái tưởng chừng vô thưởng vô phạt này có thể “trôi” đến tai những người mà bạn không ngờ nhất và trở thành nguyên nhân của mọi hiềm khích không đáng có trong công sở. Khi đội ngũ không còn ăn ý, hiệu quả công việc chắc chắn sẽ sụt giảm. Có thể bạn chưa từng nghĩ đến một điều, là bạn hoàn toàn có thể bị buộc thôi việc vì lí do gây bất hòa nội bộ.
Ảnh: ijimaki/Pixabay
2) Tiết lộ cơ mật công ty, gây tổn thất kinh doanh
Có nhiều trường hợp nhân viên vô tình để lộ thông tin cơ mật của công ty lên các trang SNS. Như đã nói ở trên, SNS là nơi tập họp đủ mọi “anh hùng hào kiệt” bốn phương, do đó, dù bạn chỉ vô tình để lộ một mẩu thông tin cơ mật dù là rất nhỏ, khả năng tiếp nhận và phát tán thông tin “vàng” đó cũng sẽ rất cao. Bạn đừng nghĩ rằng, cùng lắm thôi việc là xong. Việc bạn làm thất thoát doanh thu công ty có thể bị truyền đến những công ty khác, đặc biệt nếu bạn vừa thôi việc ở một công ty Nhật và có ý định làm việc trong một công ty Nhật khác. Công ty Nhật vốn nổi tiếng về việc kiểm tra lí lịch của nhân viên. Khi một người mới nộp đơn xin ứng tuyển, họ sẽ gọi đến công ty cũ để hỏi thăm lí do tại sao bạn lại nghỉ việc. “Không cẩn thận tiết lộ cơ mật công ty, gây tổn thất kinh doanh” là một trong những lí do buộc thôi việc khá nghiêm trọng, chắc chắn sẽ trở thành vết đen trong hồ sơ xin việc của bạn, khiến bạn khó tìm được công việc ưng ý tiếp theo.
3) Bồi thường thiệt hại vì tung tin đồn gây tổn thất đến doanh nghiệp
Trường hợp này không thường xảy ra, nhưng cũng cần phải chú ý vì hậu quả gây ra khá nghiêm trọng. Khi đăng một dòng suy nghĩ không tích cực về một vấn đề liên quan đến công việc, mặc dù theo bạn, đó chỉ là những ý kiến cá nhân mang tính chủ quan, nhưng chưa chắc người ngoài nhìn vào cũng sẽ thấy như vậy! Đặc biệt là khi bạn làm việc trong một tập đoàn có tên tuổi, người ngoài sẽ đánh đồng bạn chính là người phát ngôn của cả một tập đoàn. Dù chỉ là những lời trách móc, hờn dỗi nhẹ nhàng, không hề có ý nghiêm trọng nhưng cũng gây nên hình ảnh xấu về tập đoàn trong mắt người khác và khả năng bạn phải chịu trách nhiệm cho hành động của mình, cụ thể là bồi thường danh dự cho tập đoàn, là rất cao.
Ảnh: ijimaki/Pixabay
Hãy là người sử dụng SNS thông minh
1) Biết rõ về SNS đang sử dụng
Mỗi SNS đều có cách thức vận hành, chính sách và quy định sử dụng khác nhau. Cần nắm vững các kiến thức cơ bản trước khi thật sự “gia nhập” một SNS nào đó. Quan trọng nhất là phải có hiểu biết về các thiết lập bảo mật cho trang cá nhân của mình, như giới hạn người theo dõi, hoặc hạn chế để bạn bè phát tán hình ảnh riêng tư trên mạng xã hội. Đặc biệt, các tính năng và quy định này sẽ được đổi mới liên tục. Nếu đã quyết định tham gia “cuộc chơi” SNS, hãy chủ động phổ cập kiến thức cũng như những rủi ro có thể xảy ra.
2) Tách bạch công - tư
Không ít người vô tư gửi lời mời “Kết bạn” hoặc công khai “Theo dõi” đối tác, khách hàng trên SNS. Tuy nhiên, khi đột nhiên nhận được lời mời kết bạn từ các mối quan hệ làm ăn, nhiều khả năng khách hàng sẽ cảm thấy không thoải mái. Ngoài ra, việc mập mờ giữa cuộc sống cá nhân và chuyện công việc sẽ khiến bạn mất đi thái độ chuyên nghiệp trong mắt khách hàng. Do đó, công ty Nhật Bản luôn yêu cầu nhân viên tránh tiếp xúc khách hàng thông qua SNS. Tuy nhiên, với một số ngành như Sales, PR, Marketing,. thì số lượng kết nối càng nhiều, lợi ích sẽ càng tăng. Trong trường hợp này, bạn nên có 2 tài khoản riêng biệt, 1 cho cá nhân và 1 cho công việc để tránh những rắc rối không đáng có.
Ảnh: ijimaki/Pixabay
3) Đọc lại nhiều lần trước khi phát ngôn trên SNS
Đừng xem SNS như một trang nhật ký riêng tư. Trong mạng xã hội ảo, bạn không thể lường được thông tin sẽ truyền đến đâu. Tiện ích viết blog và đăng dòng trạng thái chỉ với một cú “click” của một số trang SNS làm nảy sinh tâm lý dễ dãi đối với phát ngôn của mình. Bên cạnh đó, cả máy tính và điện thoại thông minh đều có chức năng chụp màn hình nên bạn cũng sẽ khó mà “phi tang” bằng chứng nếu có lỡ lời. Do đó, hãy thận trọng với các phát ngôn của mình và hãy đọc lại nhiều lần trước khi quyết định đăng điều gì đó lên SNS.
4) Cẩn thận với các nội dung cấm hay mang tính chất nhạy cảm
Theo Luật pháp Việt Nam, điều 12 trong Luật Công nghệ thông tin, các phát ngôn hoặc hình ảnh mang tính chất đồi trụy, bạo lực, chống phá quốc gia, vu khống, xúc phạm danh dự,. đều bị cấm. Cần thận trọng khi phát ngôn về chính trị, tôn giáo, phân biệt chủng tộc,. Ngoài ra, tuyệt đối không tiết lộ thông tin mật của công ty hay công việc, hạn chế phàn nàn cấp trên, đồng nghiệp hoặc công việc hiện tại trên SNS, vì điều đó chẳng những thể hiện thái độ thiếu chuyên nghiệp mà còn phần nào phản ánh tính cách thiếu chín chắn.
Ảnh: ijimaki/Pixabay
07/09/2016
Bài: Lê Mai/ Ảnh: PIXTA
Đăng nhập tài khoản để bình luận