Người Nhật có ngủ trưa nơi công sở không?
Inemuri - "Ngủ trưa" kiểu Nhật
Tại Nhật Bản, người lao động có thời gian ngủ ít hơn cả giờ làm việc dẫn đến nhiều hệ lụy xấu vì nhân viên làm việc quá sức. Theo cuộc thăm dò về thói quen ngủ trên toàn thế giới của Tổ chức Giấc ngủ Quốc gia Hoa Kỳ, trung bình người lao động Nhật Bản chỉ dành khoảng 6 giờ 22 phút để ngủ - ít hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Do đó, ngày càng có nhiều công ty khuyến khích nhân viên có những giấc ngủ ngắn tại nơi làm việc. Trong những năm gần đây, những báo cáo của TRT World đề cập rằng các công ty Nhật Bản đã thực sự đưa ra các quy định về việc ngủ trong giờ làm việc. Họ dựa trên lý thuyết rằng người lao động một khi được nghỉ ngơi tốt hơn sẽ là người lao động hiệu quả hơn.
Trong tiếng Nhật có một từ là "Inemuri - 居眠り", tạm dịch là "ngủ gật", dùng để chị hành động ngủ tại chỗ khi đang làm một việc gì đó. Đây được xem là biểu hiện của một nhân viên tận tâm với công việc của họ đến mức kiệt sức và thiếp đi lúc nào không hay. Vì vậy, trong môi trường công sở Nhật Bản, dù nhân viên có Inemuri thì mọi người xung quanh cũng sẽ thông cảm chứ không phải khắt khe như ở các quốc gia khác.
Càng ngày sự khuyến khích nhân viên thực hiện Inemuri càng phổ biến tại Nhật Bản. Bộ Y tế Nhật Bản cũng khuyến cáo tất cả những người trong độ tuổi lao động nên có giấc ngủ khoảng 30 phút vào đầu giờ chiều.
Nguồn gốc của Inemuri
Nguồn gốc của những giấc ngủ ngắn này bắt nguồn từ khi "Phép màu kinh tế Nhật Bản" xảy ra. Từ những năm 60, 70 và 80 kinh tế Nhật Bản tăng trưởng nhanh chóng và vươn lên vị trí cường quốc trên thế giới. Cuộc sống trở nên tốt hơn, chất lượng cao hơn. Người dân có nhiều tiền hơn, họ có công ăn việc làm và dư dả chi tiêu cho hoạt động giải trí. Cuộc sống hàng ngày trở nên bận rộn. Mọi người lấp đầy lịch trình của họ với các cuộc hẹn làm việc và giải trí, và hầu như không có thời gian để ngủ.
Chính trong thời kỳ bùng nổ kinh tế này, người Nhật được mệnh danh là dân tộc chăm chỉ không bao giờ ngủ. Mọi người đã làm việc nhiều giờ và sau đó ngủ trong suốt chặng đường dài trở về nhà. Học sinh thức khuya để học tập và sau đó ngủ gật trong giờ học vào sáng hôm sau. Những giấc ngủ ngắn tại nơi công cộng đã ra đời từ thời gian đó.
Inemuri tại các công ty Nhật
Tùy theo công ty mà nhân viên có các hình thức Inemuri khác nhau. Chẳng hạn như Công ty cải tạo nhà Okuta ở gần Tokyo cho phép nhân viên của mình có một giấc ngủ ngắn 20 phút tại bàn làm việc hoặc trong phòng nghỉ của nhân viên. Hoặc công ty tư vấn mạng Internet - Hugo, có trụ sở tại Osaka lại cho phép nhân viên có thể ngủ 30 phút bất kỳ lúc nào trong khoảng thời gian từ 1 - 4 giờ chiều. Hay như tại Công ty Công nghệ thông tin Gmo Internet ở Tokyo, nhân viên có hẳn ghế sofa để ngủ.
Ý nghĩa của Inemuri
Không giống như ngủ trưa tại Việt Nam, khi ngủ trưa là hành động có chủ đích, thể hiện qua việc nhân viên có thể tự do tìm chỗ trống và ngủ thoải mái dưới sàn. So ra thì giấc ngủ trưa trong môi trường công sở Việt Nam lại giống với "Hirune" trong văn hóa Nhật hơn. Hirune (昼 寝) được dịch là "giấc ngủ ban ngày", là sự ngủ có chủ ý.
Theo Nhà nghiên cứu Xã hội và Văn hóa Nhật - Tiến sĩ Brigitte Steger thì: "Inemuri ở một mức độ nhất định thì "không được xem là giấc ngủ". Trên thực tế, mặc dù người ngủ trông như đang “đi vắng” về mặt tinh thần, khi cần thiết họ có thể trở lại với trạng thái hoạt động ngay lập tức. Sự thỏa thuận khi thực hiện Inemuri chính là, miễn bạn không xâm phạm, cản trở hoặc làm phiền đến người khác thì việc đi ngủ là hoàn toàn có thể chấp nhận được".
Inemuri chỉ là chợp mắt trong phút chốc, không phải nằm ngủ trên sàn nhà hoặc kê ghế liền lại làm giường. Về cơ bản, Inemuri không phải là ngủ hoàn toàn. Có lẽ, chính sự khác biệt về văn hóa cũng như ý nghĩa này chính là lý do vì sao mà anh chàng người Nhật kia lại ngạc nhiên khi thấy người Việt Nam ngủ trưa “la liệt” tại công ty như thế. Bởi lẽ đối với người Nhật, Inemuri không chỉ đơn giản là một giấc ngủ trưa.
kilala.vn
13/10/2020
Bài: JG
Đăng nhập tài khoản để bình luận