Mitsubishi Electric Nhật thừa nhận xảy ra quấy rối quyền lực khiến nhân viên bỏ mạng
Gia đình của nhân viên Mitsubishi Electric Corp., người đã tự kết liễu đời mình sau khi bị sếp quấy rối nghiêm trọng, đã đạt được thỏa thuận ngoài tòa án với công ty, luật sư của gia đình tiết lộ trong một cuộc họp báo ngày 26/08 ở Tokyo.
Theo thỏa thuận, gã khổng lồ điện tử Nhật Bản thừa nhận rằng vụ tự tử năm 2019 của nhân viên mới là do bị sếp quấy rối quyền lực. Công ty đứng ra xin lỗi và hứa rằng họ sẽ thực hiện các biện pháp để ngăn chặn sự việc này tái diễn, chẳng hạn như cung cấp các khóa đào tạo về chống quấy rối quyền lực.
Theo Shimasaki, người đàn ông khoảng 20 tuổi đã qua đời vì tự tử tại một công viên gần ký túc xá công ty của anh ở tỉnh Hyogo vào tháng 08/2019, sau khi được phân công đến Trung tâm Kỹ thuật Sản xuất của công ty ở thành phố Amagasaki.
Trong một bức thư viết tay được để lại tại hiện trường, người đàn ông cho biết anh ấy đã bị bạo hành bằng lời nói bởi sếp của mình. Trong thư, anh dẫn lời người hướng dẫn nói với anh rằng: "Tôi sẽ giết anh nếu lần sau anh không thể trả lời câu hỏi tương tự", "Đây là một cửa sổ tốt để anh nhảy ra khỏi đó. Tại sao anh không chết?" và "Hãy tự tử đi”.
Sau khi tìm thấy mảnh giấy ghi chú, cảnh sát tỉnh Hyogo bắt đầu thẩm vấn các công nhân tại Mitsubishi Electric vào tháng 9, bao gồm cấp trên và đồng nghiệp của người đàn ông này, và điều tra cẩn thận xem cấp trên có thực sự bảo anh ta chết hay không. Nếu có, điều này có đủ để ép người đàn ông này đến mức tự tử hay không.
Cảnh sát tỉnh Hyogo đã gửi hồ sơ truy tố người hướng dẫn này tháng 11/2019, vì nghi ngờ có hành vi kích động tự sát, trong đó tuyên bố anh ta đã quấy rối quyền lực tại nơi làm việc. Nhưng Tòa án quận Kobe đã chọn không truy tố vào tháng 03/2020 vì không đủ bằng chứng.
Mặc dù người quản lý trong trường hợp này đã bị cảnh cáo trước đó vì quá khắc nghiệt với cấp dưới, nhưng anh ta vẫn được chọn làm người huấn luyện chính cho các nhân viên cấp dưới vào thời điểm xảy ra sự việc năm 2019.
Theo luật sư Chikara Shimasaki, gia đình của nạn nhân đã đưa ra tuyên bố về việc dàn xếp: "Đã ba năm trôi qua, nhưng trái tim chúng tôi vẫn tan nát khi nghĩ về con trai mình. Chúng tôi hy vọng Mitsubishi Electric sẽ không để cái chết của con trai chúng tôi trở nên lãng phí và có những biện pháp mạnh mẽ hơn để cải thiện việc này nhằm ngăn chặn sự việc tương tự tiếp tục xảy ra. Chúng tôi mong rằng môi trường làm việc sẽ trở nên trong sạch hơn."
Về phía Mitsubishi Electric, họ cũng đưa ra lời xin lỗi chính thức. Đồng thời nói thêm rằng họ đã thực hiện các bước ngăn chặn để đối phó với trường hợp này, bao gồm cả việc yêu cầu tất cả nhân viên của mình gửi lời tuyên thệ bằng văn bản rằng sẽ không thực hiện hành vi quấy rối.
Tại Mitsubishi Electric, năm nam kỹ sư (tuổi từ 20 – 40) đã được cơ quan thanh tra lao động chứng nhận có các vấn đề sức khỏe tâm thần từ năm tài chính 2014 đến năm 2017; hai người trong số họ đã tự sát. Năm 2016, nhân viên mới (lúc đó 25 tuổi) được giao phụ trách bộ phận phát triển phần mềm của công ty ở Amagasaki cũng đã tự sát. Gia đình của anh ta đã đệ đơn kiện lên Tòa án Quận Tokyo vào năm 2017, khẳng định rằng nguyên nhân là do vụ tự tử là do bị cấp trên và đồng nghiệp quấy rối và bắt nạt quyền lực.
Năm 2019, Mitsubishi Electric Corp. đã bị vinh danh với giải thưởng "Công ty xấu xa nhất của năm" ở Nhật Bản lần thứ hai liên tiếp sau một loạt vụ việc nhân viên tự tử do làm việc quá sức. Giải thưởng "Công ty xấu xa nhất của năm" nhằm thu hút sự chú ý đến các doanh nghiệp cố tình ép buộc nhân viên làm việc trong nhiều giờ vượt quá giới hạn luật định, hoặc không trả tiền làm thêm giờ, hoặc nơi mà nạn quấy rối quyền lực đang lan tràn. Thành viên BTC và BGK bao gồm các luật sư, giáo sư đại học, nhà báo và các chuyên gia khác.
Xem thêm: Những kiểu quấy rối thường gặp tại Nhật
kilala.vn
07/09/2022
Nguồn: Mainichi
Đăng nhập tài khoản để bình luận