"Không giữ được chữ tín thì rất khó làm việc với người Nhật"
iGlocal Resource hiện là một trong những công ty hàng đầu về cung cấp và tư vấn nhân sự cho khối doanh nghiệp Nhật, chiếm 30% thị phần tại Việt Nam ở các ngành tư vấn đầu tư, kế toán, thuế, tổng vụ hành chánh, thông – phiên dịch, bán hàng. với hơn 20.000 ứng viên trên cả nước. Kilala đã có cuộc trao đổi rất thú vị với anh Nguyễn Đình Phúc - Tổng giám đốc iGlocal Resource - về những biến chuyển, cơ hội và tiềm năng trong thị trường nhân sự dành cho khối doanh nghiệp Nhật Bản.
Với kinh nghiệm hơn 20 năm học tập, làm việc, tư vấn nhân sự ở Nhật Bản và Việt Nam, anh thấy nhu cầu tuyển dụng ở các doanh nghiệp Nhật có gì khác biệt so với trước đây?
Nhu cầu thị trường luôn có những đòi hỏi ngày càng cao. Trước đây ứng viên chỉ cần trình độ tiếng Nhật N2, N3 là đủ, nhưng hiện nay thông thạo tiếng Nhật ở trình độ nhất định không còn là thế mạnh vì điều kiện học tập, du học ngày càng dễ dàng, nên các ngành nghề cũng có những đòi hỏi về chuyên môn cụ thể hơn là chỉ cần ngoại ngữ. Tất nhiên người có trình độ Nhật ngữ giỏi, chuyên môn sâu sẽ càng có nhiều cơ hội, còn kiểu ngoại ngữ nửa vời sẽ khó được tuyển dụng.
Theo anh thì người lao động cần thay đổi, điều chỉnh như thế nào để trở thành một ứng viên xứng đáng?
Riêng ở khối ứng viên dành cho doanh nghiệp Nhật, khi nộp hồ sơ tuyển dụng, tôi thường thấy các bạn bày tỏ muốn vào làm việc tại công ty Nhật để được học hỏi, có thêm kinh nghiệm cho bản thân. Tôi nghĩ chúng ta cần phải thay đổi cách tư duy, bởi khi doanh nghiệp tổ chức tuyển dụng, cái họ cần là sự đóng góp, chứ không phải đến để học hỏi. Và các ứng viên U30 hay có tư duy càng nhảy việc nhiều càng dễ tìm được việc phù hợp. Tôi nghĩ như vậy là lãng phí thời gian, hãy cứ làm một việc cho tốt, khi chưa đạt kết quả cụ thể thì không nên có tư tưởng nhảy việc.
Khi chọn ứng viên, anh thấy các doanh nghiệp Nhật thường chú tâm vào điều gì ngoài chuyên môn?
Theo kinh nghiệm thực tế, ở mỗi vị trí ứng tuyển, iGlocal Resource có trung bình 50 hồ sơ, và chúng tôi chọn ra 5 để giới thiệu đến doanh nghiệp. Người Nhật rất kỹ lưỡng khi tuyển dụng, với các tiêu chí khắt khe hơn khối doanh nghiệp khác. Họ cũng hay đánh giá nhân sự theo cảm tính riêng rồi mới vào quy trình tuyển dụng thực tế.
Nhiều ứng viên cho rằng làm việc trong môi trường Nhật khó hơn so với các khối doanh nghiệp khác, điều này có đúng với thực tế?
Tôi nghĩ ngược lại, làm với người Nhật rất dễ, bởi họ đặt nặng chữ tín, biết nói biết, không nói không. Cả những việc tưởng chừng rất giản đơn, như chuẩn bị hồ sơ chặt chẽ, đến đúng giờ, giao tiếp cởi mở, vui vẻ, nói sao làm vậy, cũng có thể tạo ấn tượng tốt. Trong trường hợp năng lực ứng viên chưa đáp ứng đủ yêu cầu, các doanh nghiệp Nhật sẵn sàng cho thời gian để lao động học hỏi thêm, riêng chữ tín không giữ được thì làm việc với người Nhật rất khó.
Các công ty Nhật vốn nổi tiếng khắt khe về giờ giấc, là người cung ứng lao động, anh nhận định gì về điều này?
Trong công việc, người Nhật quản lý trình tự công việc rất chặt chẽ, đặc biệt là vấn đề thời gian. Nguyên do khi tuyển dụng, doanh nghiệp khối Nhật thường nhận người mới, trả mức lương vừa phải bởi chưa nhiều kinh nghiệm. Khi làm việc họ sẽ đào tạo lao động theo các kỹ năng và văn hoá riêng từng công ty, chú trọng vấn đề gắn kết, hợp tác lâu dài với người lao động, nên phải kiểm soát chặt các quy trình và thời gian để nhân sự đó hoàn thiện. Còn các doanh nghiệp khối ngoài Nhật thì khi chọn nhân sự, họ chọn người đã hoàn thiện về kỹ năng, chấp nhận bỏ mức lương cao để sử dụng “siêu sao” ở chuyên môn cụ thể, điều cần nhất là kết quả cuối cùng. Vì vậy họ chỉ quản lý trên sản phẩm hoặc công việc hoàn thiện, năng suất ổn định, chứ không quan tâm đến giờ giấc, nếu nhân sự không đạt kết quả như ý thì bị đào thải.
Từng có thời gian làm việc ở Nhật, anh thấy hành trình tìm việc ở Nhật và Việt Nam có gì khác nhau?
Tìm việc ở Nhật thực sự là một cuộc chiến khốc liệt, bởi hàng năm thị trường tuyển dụng vào cùng một ngày 1/4, cả xã hội cùng lúc ứng tuyển cho cùng một vị trí tuyển dụng nên ứng viên khi đăng tuyển phải chuẩn bị trước cả năm để nghiên cứu về doanh nghiệp, viết tiểu luận, trải qua các đợt phỏng vấn, kiểm tra chỉ số IQ, EQ, các bài test nhiêu khê, phức tạp. Điều đó khiến ứng viên phải hình dung mình đang tìm việc ở tầm cỡ nào, có khả năng đóng góp gì cho doanh nghiệp, khi được hỏi phỏng vấn phải biết trả lời ra sao, có kế hoạch, chiến lược hẳn hoi. Còn ở Việt Nam, các ứng viên đa phần đều thiếu đầu tư, thiếu trách nhiệm với chính đơn vị nơi mình ứng tuyển, có khi ứng tuyển rất vu vơ, kiểu như xin cho có việc để làm.
Thường các công ty Nhật rất ít sử dụng người bản địa vào các vị trí cấp cao, anh có thể cho biết nguyên do?
Ở doanh nghiệp Nhật, tính “bản địa hoá” diễn ra chậm và chưa có tư duy chuyển giao quyền cho người bản xứ, kể cả cho những người Nhật đang sống ở Việt Nam. Những ngành ít được “bản địa hoá” thường thuộc mảng kỹ thuật, nguyên vật liệu, do các doanh nghiệp chỉ đặt niềm tin vào người Nhật, và họ muốn giữ vững niềm tin đó. Tôi muốn cung cấp những nhân sự mang tính “bản địa” với mức lương không kém cạnh người Nhật đồng thời năng lực và kinh nghiệm hoàn toàn đáp ứng tốt. Đây là điều mà iGlocal Resource đang nỗ lực đóng góp và xây dựng cho quá trình bản địa hoá này.
Quy trình tuyển dụng và cách anh chọn ứng viên hẳn là có nhiều thay đổi để đáp ứng nhu cầu thị trường hiện tại?
Về quy trình tuyển dụng, đây là việc khó cách tân, cứ theo các trình tự mà thực hiện, nhưng chúng tôi đang đầu tư mô hình hỗ trợ tư vấn tuyển dụng nhân sự cao cấp HRnavi, nhằm rút ngắn quy trình, giảm chi phí. Đây là sản phẩm mới của công ty, với các bước đánh giá chỉ số IQ, EQ, các bài kiểm tra điểm mạnh – yếu về tính cách con người. Đồng thời tôi muốn thay đổi tư duy doanh nghiệp Việt, không phải cái gì cũng tiết kiệm, mà thấy cần là nên xài. Chẳng hạn, họ muốn tuyển một nhân viên lương thấp để tiết kiệm chi phí nhưng sử dụng vài tháng không thấy hiệu quả thì tính ra mức lương gộp sẽ cao. Trong khi đó nếu nhờ tư vấn ngay từ đầu, chỉ cần qua một bài kiểm tra là họ đã có thể chọn ra các ứng viên phù hợp với vị trí mà mình đang tuyển dụng.
Được biết anh mới biên dịch và phát hành cuốn sách “58++ Bài học vỡ lòng để trở thành No.1”, được nhận định là rất dễ đọc, dễ áp dụng, anh có thể chia sẻ về điều này?
Ở Nhật, qua một cuộc chiến tìm việc là một lần trưởng thành, điều này ở Việt Nam chưa rõ ràng. Cuốn sách do tác giả bạn tôi là Chikako Morimoto – chuyên gia tư vấn nhân sự hàng đầu tại Nhật – giới thiệu. Đây là một tài liệu giá trị, với những bài học thiết thực trong môi trường doanh nghiệp, có thể hỗ trợ, đào tạo và bổ sung kỹ năng làm việc cho các nhân viên mới nên tôi quyết định mua bản quyền để chuyển ngữ và giới thiệu đến độc giả Việt Nam. Cuốn sách này nằm trong dự án thành lập tủ sách chuyển ngữ các ấn phẩm Nhật mà tôi đang thực hiện tại iGlocal Resource.
Với các ứng viên đang tìm việc ở môi trường doanh nghiệp Nhật, anh sẽ cho họ lời khuyên gì?
Đừng giữ tư duy thích làm công việc ổn định, không áp lực, lặp đi lặp lại mỗi ngày, lương tăng đều hàng năm. Là người trẻ thì phải máu lửa, dám đối mặt thử thách. Đi làm không phải để tìm môi trường phù hợp mà phải biết và dám nghĩ rằng, chính bản thân mình sẽ tạo ra môi trường, năng lực của mình sẽ tác động đến môi trường xung quanh. Môi trường phù hợp nằm trong chính con người mình chứ không phải ở đâu xa mà cứ loay hoay nhảy việc đi tìm mãi.
Xin cảm ơn anh!
Nguyễn Đình/ kilala.vn
Thông tin liên hệ:
Công ty iGlocal Resource
180 -192 Nguyễn Công Trứ, Quận 1
DT: 090 1800 365
career@hrnavi.com
http://hrnavi.com
www.facebook.com/HRnavi.channel
06/05/2016
Thực hiện: Nguyễn Đình
Đăng nhập tài khoản để bình luận