Hơn một câu chào
Người Việt Nam có câu "Lời chào cao hơn mâm cỗ", vậy ở đất nước mặt trời mọc thì sao? Bạn có biết "mâm cỗ" trong những công ty Nhật Bản "cao" như thế nào không?
Mỗi sáng đi làm, bạn sẽ phải đứng ở cửa văn phòng cất tiếng chào tất cả mọi người, cả cấp trên ở phòng bên cạnh nữa. Ngược lại, những người đến trước cũng sẽ cất tiếng chào bạn. Ngoài ra, nhiều công ty Nhật còn có cả thủ tục "lễ sáng", cả phòng tập trung lại đồng thanh chào nhau, sau đó lần lượt báo cáo lịch làm việc trong ngày. Đối với một số công ty lao động chân tay thì "lễ sáng" sẽ là bài tập thể dục với các động tác được biến tấu từ thao tác làm việc thực tế. Còn "lễ sáng" của các nhân viên bán hàng trong siêu thị lại là buổi "tập cười thành tiếng" để có một ngày làm việc thật khỏe khoắn và tươi vui. Như vậy, một ngày làm việc ở Nhật chỉ thực sự bắt đầu sau khi "lễ sáng" kết thúc, đánh dấu bằng việc mọi người cùng hô vang "Yoroshiku onegaishimasu" (Mong mọi người hợp tác/ giúp đỡ).
Không chỉ buổi sáng, mà bất kỳ thời điểm nào trong ngày, khi gặp người khác trong cùng công ty, bạn đều phải lịch sự chào. Câu chào thông dụng nhất chính là "Otsukaresama desu" (Vất vả cho anh/ chị/ em quá). Đi uống nước gặp cấp trên cũng "Otsukaresama desu". Đi vệ sinh mà gặp chị phòng bên cũng mỉm cười "Otsukare". Điện thoại nội bộ reo cũng lập tức "Otsukaresama desu. Tôi là ABC của phòng XYZ" thay cho câu "Moshi moshi" (A lô) thông thường. Và tất nhiên, kết thúc ngày làm việc cũng là câu "Otsukaresama desu. Osakini shitsureishimasu" (Vất vả cho mọi người. Tôi xin phép về trước.) Vậy nên, dù không biết tiếng Nhật đi nữa, chỉ cần "dắt túi" câu thần chú vạn năng này thì cũng có thể làm đẹp lòng người Nhật rồi. Thêm nữa, trước khi đi ra ngoài nhớ đừng quên đứng trước cửa phòng thông báo "Ittekimasu" (Tôi đi đây). Và tất nhiên, khi quay về cũng phải nhắn nhủ "Tadaima. Otsukaresama desu" (Tôi đã quay lại, vất vả cho mọi người).
Có thể nhiều bạn sẽ thấy việc cất lời chào một cách thường xuyên như vậy thật phiền phức, nhưng thực ra tất cả cũng chỉ là thói quen, cũng như việc người Nhật luôn giữ hai câu "Cảm ơn" và "Xin lỗi" thường trực trên môi vậy. Câu chào không những là công cụ để xác định quan hệ và cấp bậc giữa hai bên, mà còn là một yếu tố để sếp đánh giá thái độ làm việc của bạn nữa đó. Chẳng vị sếp nào thích nhân viên của mình chào một cách uể oải đâu.
Còn bạn, hôm nay bạn có đủ vui tươi khi cất lời chào sếp không?
01/01/2015
Ảnh Shutterstock
Đăng nhập tài khoản để bình luận