Doanh nghiệp Nhật sản xuất manga nội bộ để kết nối với người lao động
Để tuyên truyền kế hoạch kinh doanh và bản sắc doanh nghiệp trong nội bộ, các công ty tại đất nước Mặt trời mọc đang chuyển sang hình thức giao tiếp khác lạ này.
Thông thường chẳng công ty nào muốn nhân viên đọc truyện tranh tại nơi làm việc, vậy nhưng ngày càng có nhiều doanh nghiệp Nhật Bản thúc đẩy động lực làm việc của người lao động thông qua các ấn bản truyện tranh phát hành nội bộ.
Trước đây, phim hoạt hình được nhiều công ty sử dụng như một hình thức quảng cáo đến khách hàng và giờ đây, tới lượt truyện tranh được xem như một giải pháp giúp nhân viên làm quen với văn hóa tổ chức và thúc đẩy động lực của họ.
Giáo sư Toshimitsu Kawanaka của Khoa Truyền thông Manga, Đại học Thiết kế Kobe cho biết: “Truyện tranh là một công cụ tổ chức thông tin cực kỳ xuất sắc. Đối với các công ty, manga đã trở thành một phương thức truyền đạt mục đích một cách rõ ràng."
Phương thức trao đổi dễ hiểu
Kể từ năm 2021, tập đoàn sản xuất dược phẩm và hóa chất Nhật Bản Earth đã tạo ra một bộ truyện tranh về kế hoạch kinh doanh trung hạn (MBP) giai đoạn 2021-2023 và công bố trực tuyến trong nội bộ nhân viên.
Earth đã phân phát 2.000 bản in với độ dày 116 trang A5 cho các công ty trực thuộc tập đoàn.
Bộ manga miêu tả định hướng tương lai của Earth và các mục tiêu khác được đặt ra trong MBP, nêu ra đường hướng để người lao động thực hiện công việc hàng ngày của mình sao cho đạt được từng chiến lược tập đoàn đề ra.
Cuối bộ truyện có sự xuất hiện của chủ tịch Katsunori Kawabata với lời động viên tinh thần đến nhân viên: "Không có gì sai khi không đạt được kết quả!"
Mục đích tạo ra bộ truyện là để giải thích và truyền tải những thứ được liệt kê trong kế hoạch bằng các thuật ngữ đơn giản.
Isao Goji (51 tuổi), đứng đầu bộ phận kế hoạch của Earth nói rằng: "Bản kế hoạch MBP được cung cấp cho cả những người bên ngoài nên có nhiều thuật ngữ kinh doanh, nhưng như vậy sẽ không gần gũi với người lao động." Do đó, họ muốn kết nối và kéo gần khoảng cách với nhân viên của mình thông qua truyện tranh.
Goji và bốn thành viên khác của bộ phận phụ trách biên soạn MBP đã dành 9 tháng hợp tác cùng một công ty chuyên sản xuất truyện tranh để tạo bộ manga nội bộ. Trong manga, các thuật ngữ quan trọng được giải thích theo dễ hiểu để nhân viên có thể sử dụng các khái niệm trong công việc.
Theo đơn vị sản xuất truyện tranh, doanh nghiệp không cần thiết phải tạo ra manga nếu muốn truyền tải thông điệp một cách nghiêm túc và chính xác.
Đối với Goji và các cộng sự, họ gặp phải khó khăn để đảm bảo sự cân bằng giữa việc tận dụng những giá trị sẵn có của thể loại truyện tranh và nội dung cần truyền tải.
Doanh nghiệp chia sẻ định hướng
Siemens Healthcare KK - công ty con tại Nhật Bản của Siemens Healthineers, gã khổng lồ nước Đức trong lĩnh vực thiết bị y tế đã sử dụng truyện tranh để tuyên truyền các mục tiêu mới của công ty trong nội bộ nhân viên.
Naoko Miyoshi, trưởng bộ phận truyền thông công ty cho biết: “Chúng tôi nghĩ rằng thông qua manga, có thể giúp nhân viên lấy cảm hứng từ câu chuyện dựa trên những điều có thật và xem sứ mệnh mới của công ty như của chính mình”.
Vào tháng 2 năm 2022, Siemens Healthcare đã tìm kiếm gợi ý từ ba nhà sản xuất manga về việc tạo ra bộ truyện tranh kể về một dự án đã thực sự thành công tại công ty. Sau cùng, Trend-pro - công ty chuyên về quảng cáo sử dụng manga có trụ sở tại Tokyo đã được trao quyền thực hiện.
Họ nghĩ ra câu chuyện về nữ nhân viên trẻ đầy tham vọng và cấp trên trực tiếp của cô, người luôn nhớ về cảm giác khi đương đầu với thử thách. Câu chuyện được dựng thành hai phiên bản riêng biệt, kể dưới góc nhìn của từng nhân vật.
Bộ manga được phát hành từ tháng 5 đến tháng 9 năm 2022 với 10 trang truyện xuất bản mỗi tháng. Qua đó, làm nổi bật định hướng mới của Siemens Healthcare: “Chúng tôi tiên phong đột phá trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Cho mọi người. Ở mọi nơi" .
Ấn phẩm được khoảng một nửa trong số 1.600 nhân viên công ty xem mỗi tháng và họ đón nhận nó nồng nhiệt.
Nhu cầu sản xuất truyện tranh nội bộ gia tăng
Theo Trend-pro, trước đây có nhiều doanh nghiệp đặt hàng họ sản xuất truyện tranh để quảng bá với các khách hàng. Nhưng trong những năm gần đây, công ty ngày càng nhận được nhiều đơn hàng yêu cầu sản xuất truyện tranh cho chính nhân viên của các doanh nghiệp.
Tổng kết kinh doanh vào tháng 10 năm 2022, Trend-pro đã nhận được 57 đơn đặt hàng, tăng gần gấp 3 lần so với cùng kỳ 3 năm trước đó và doanh số cũng tăng khoảng 8 lần lên xấp xỉ 47 triệu yên (khoảng 8,3 tỷ đồng).
Khi đại dịch COVID-19 khiến việc tổ chức các buổi đào tạo nhóm và các chương trình khác trở nên khó khăn, các đơn đặt hàng sản xuất manga về các chủ đề như “bản sắc doanh nghiệp", "cẩm nang hướng dẫn", “quy định công ty". ngày càng nhiều.
Trước khi đại dịch bắt đầu vào năm 2020, họ chưa từng nhận được yêu cầu sản xuất manga về MBP nhưng có đến 3 đơn đặt hàng trong năm kinh doanh kết thúc vào tháng 10/2021.
Trong năm tiếp theo, họ nhận được 5 đơn đặt hàng, trong đó công ty cũng lần đầu tiên nhận được 3 đơn về truyện tranh có chủ đề giáo dục nghề nghiệp. Nội dung này được yêu cầu bởi các công ty muốn hỗ trợ những nhân viên cảm thấy bị cô lập khi làm việc từ xa và không chắc chắn về lộ trình phát triển nghề nghiệp.
Tạm kết
Nhận định về phương thức giao tiếp kiểu mới này, giáo sư Kawanaka cho biết: “Văn bản sẽ dễ hiểu hơn khi được thêm vào hình ảnh, nhưng manga có thể làm cho mọi thứ rõ ràng hơn vì kết hợp hình ảnh minh họa và chữ viết. Hình minh họa cũng có lợi thế riêng vì so với ảnh chụp, chúng có thể dễ dàng nhấn mạnh những gì muốn truyền tải".
Theo ông, các doanh nghiệp cũng có thể sử dụng truyện tranh để tăng hứng thú của nhân viên thông qua chia sẻ những câu chuyện thành công của đồng nghiệp.
kilala.vn
01/03/2023
Bài: Happy
Nguồn: Asahi
Đăng nhập tài khoản để bình luận