Đào tạo nhân viên mới khiến nhiều người Nhật áp lực

    “Nếu tôi có thái độ gay gắt, thì có thể họ sẽ nghỉ việc”, hơn một nửa nhân sự có kinh nghiệm cảm thấy việc đào tạo nhân viên mới trong thời buổi hiện nay là một khó khăn không hề nhỏ.

    Tháng 4 ở Nhật là thời điểm để chào đón những nhân viên mới và mỗi người tại thời điểm này đều có những nỗi lo riêng. Nếu nhân viên mới cảm thấy hoang mang khi bước vào môi trường làm việc xa lạ, có thể bị bắt nạt, không hòa hợp, thì những người làm việc lâu năm lại đứng trước nỗi sợ đào tạo và hướng dẫn người mới. Một trong những lý do chính có lẽ là do khoảng cách thế hệ.

    Nhân viên mới trong khảo sát nghĩa là những người bắt đầu đi làm hoặc làm đến năm thứ hai, còn người hướng dẫn/cấp trên/người giám sát là những người đã làm việc ít nhất ba năm.

    Trong cuộc khảo sát do công ty phát triển nhân lực Recruit Management Solutions Co. thực hiện, với câu hỏi “Nhân viên cấp cao và người giám sát cần làm gì để đưa ra lời khuyên cho nhân viên mới?", có 49,6% nói rằng sẽ “cố gắng hướng dẫn bằng những từ ngữ an toàn, phù hợp”, 16,3% thì cho biết “cố gắng lờ đi nếu không được hỏi”.

    cong-so
    Nhiều người cho rằng nếu mình nói gay gắt sẽ khiến nhân viên mới cảm thấy áp lực.

    Như để chứng thực cho kết quả này, nhiều người được hỏi cũng cho biết họ cảm thấy khó khăn trong việc hướng dẫn nhân viên mới. Một số lý do được đưa ra là: “Nếu tôi chỉ trích một cách gay gắt, họ sẽ bỏ cuộc”, “Tôi không biết liệu rằng những hành vi của mình có bị quy thành quấy rối quyền lực hay không” và “Tôi không muốn có một mối quan hệ căng thẳng với họ”. Ngoài khoảng cách thế hệ, thì dường như nhận thức xã hội ngày càng tăng về hành vi quấy rối khiến họ thấy khó khăn trong việc chủ động hướng dẫn.

    Đối với nhân viên mới, khi được hỏi về quy tắc ứng xử nào làm họ cảm thấy “khó nhằn” nhưng vẫn muốn được học thì việc chào hỏi chiếm 18,8%, ngôn ngữ giao tiếp chiếm 18,2% và cách ứng xử trong những bữa ăn cùng đồng nghiệp, cấp trên, đối tác chiếm 13,8%.

    van-phong
    Việc giao tiếp là chìa khóa giúp mọi người có thể thuận lợi trong công việc. 

    Điều này cũng khá tương đồng với những kỹ năng mà cấp quản lý mong muốn được nhìn thấy ở nhân viên của mình: đứng đầu là kỹ năng ngôn ngữ và giao tiếp (30,7%) rồi đến cách chào hỏi (17,3%). Nhìn chung, đa phần họ sẽ mong muốn các kỹ năng liên quan đến giao tiếp nội bộ, ít người được hỏi chọn kỹ năng làm việc như “xử lý các cuộc gọi điện thoại của khách hàng”.

    Cuối cùng, cả nhân viên mới lẫn người hướng dẫn đều đồng ý rằng việc giao tiếp chính là chìa khóa để mọi người cùng hiểu nhau hơn.

    kilala.vn

    Nguồn: Mainichi

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!