Washoku theo dòng sự kiện 12 tháng

    Trong từ vựng ẩm thực Nhật Bản có cụm từ Gyojishoku, dùng để chỉ những món ăn thường được thết đãi trong các sự kiện truyền thống. Đối với dân tộc gốc nông nghiệp như Nhật Bản, sự chuyển đổi của thời tiết là cột mốc quan trọng để đánh dấu các vụ mùa, do đó họ thường tổ chức lễ hội và dâng lên thần linh những món ăn tận dụng nguyên liệu tươi ngon vừa thu hoạch được. Ngoài ra giai đoạn giao mùa cũng là lúc sức khỏe dễ bị suy nhược, nên mọi người cần phải nghỉ ngơi và bồi bổ cơ thể bằng những món ăn ngon lành nhất để có thể trải qua một mùa mới tốt đẹp và bình yên. Vì lẽ đó mà Gyojishoku có thể được coi như sự phản ánh trí tuệ ẩm thực của người Nhật.

    Tháng 1 - Osechi

    osechi
    (Ảnh: sumusu/PIXTA)

    Là thức ăn được tích trữ để ăn dần trong 3 ngày đầu năm, thường được chuẩn bị từ cuối tháng Chạp, bắt nguồn từ quan niệm muốn tránh đụng tới củi lửa, khuấy động bếp núc vào ngày đầu năm để vị thần năm mới Toshigami có thể thư thả tịnh dưỡng trong nhà. Những chiếc hộp sơn mài đựng Osechi được thiết kế thành nhiều tầng để có thể chứa đựng nhiều lời chúc tốt lành. Số món ăn trong mỗi tầng thường là số lẻ vì người Nhật cho rằng đây là những con số may mắn.

    Tháng 2 - Ehomaki, cá mòi cơm

    sushi cơm cuộn rong biển ehomaki
    (Ảnh: prof1649/PIXTA)

    Ehomaki là một loại Sushi cuộn rong biển giàu dinh dưỡng được ăn trong ngày Tiết phân (3/2). Khi ăn Ehomaki, nên quay mặt về hướng Eho – hướng may mắn của năm đó để cầu nguyện một năm nhiều tốt lành. Nhân của Ehomaki kết hợp từ 7 loại nguyên liệu tượng trưng cho 7 vị thần may mắn. Ngoài ra người Nhật cũng ăn cá mòi cơm Iwashi trong ngày 3/2, vì cho rằng mùi thơm và làn khói tỏa ra từ thịt cá mòi cơm nướng có tác dụng xua tan tà khí xâm nhập vào người. 

    Tháng 3 - Chirashi-zushi, Botamochi

    chirashizushi
    (Ảnh: mikoworld/PIXTA)

    Chirashi zushi là món ăn đặc trưng của lễ hội búp bê Hina Matsuri (3/3), thường được đựng trong thố cơm lớn. Phủ trên phần cơm trộn giấm là nhiều sản vật rừng và biển, mỗi một nguyên liệu đều chứa đựng ý nghĩa riêng. Trong khi đó, Botamochi là loại Mochi được làm từ đậu đỏ nghiền nhuyễn, hình dáng to tròn trông giống hoa mẫu đơn, được ăn vào tiết Bỉ ngạn mùa xuân (khoảng 17 – 23/3). Màu của đậu đỏ được coi như thứ bùa may mắn có thể ngăn tai họa ập vào người.

    Tháng 4 - Hanami Bento

    hanami bento
    (Ảnh: beach-l/PIXTA)

    Cơm hộp Bento là thứ không thể thiếu đối với người Nhật trong những dịp ngắm hoa anh đào. Những chiếc hộp Bento thường có kết cấu nhiều tầng và có thể đựng được cả rượu Sake. Các món ăn trong Hanami Bento khá phong phú và đa dạng, xoay quanh chủ đề mùa xuân và thường là những món ăn yêu thích của mọi người trong gia đình như cơm nắm, các loại xiên nướng, đồ chiên, rau cải.

    Tháng 5 - Kashiwamochi, Chimaki

    Kashiwamochi
    (Ảnh: akiramatoba/PIXTA)

    Hai món bánh được ăn trong Tết Đoan Ngọ (5/5). Kashiwamochi (phải) là bánh bột gạo nhân đậu nghiền được gói trong phiến lá sồi Kashiwa. Bởi lá sồi không bao giờ rụng cho đến khi chồi mới ló dạng nên được xem là điềm lành tượng trưng cho sự sinh sôi đời đời, cầu chúc cho gia đình thuận lợi đường con cháu. Còn Chimaki (trái) là loại Mochi nhân mặn được gói trong các loại lá như Sasa (giống lá tre), niễng hoặc cỏ tranh – những loại lá được cho rằng có thể giúp con người tránh được khổ nạn.

    Tháng 6 - Bạch tuộc, Minazuki

    Minazuki
    (Ảnh: simajirou/PIXTA)

    Dân Kansai có một tập tục khá thú vị là ăn bạch tuộc trong giai đoạn Hạ chí để cầu cho rễ lúa vươn sâu và bám chặt vào lòng đất như những xúc tu của bạch tuộc. Ngoài ra, ở Kyoto vào đúng ngày giữa năm 30/6 còn diễn ra sự kiện “Nagoshi no Harae” để thanh tẩy tội lỗi và cầu mong nửa năm còn lại tránh được tai ương, bệnh tật. Được cúng trong ngày này là Minazuki, một loại bánh Uiro dẻo được cắt thành hình tam giác tượng trưng cho băng đá xua tan khí nóng mùa hè, khảm trên bề mặt là lớp đậu đỏ có ý nghĩa xua đuổi ma quỷ.

    Tháng 7 - Somen, lươn

    somen
    (Ảnh: Shin205K/PIXTA)

    Ăn mì Somen là một tập tục độc đáo trong lễ Thất tịch Tanabata. Nguyên bản của Somen là một loại bánh được làm từ bột mì, có hình dáng giống sợi dây thừng gọi là “Sakubei”. Tương truyền nếu ăn Sakubei vào ngày 7/7 thì sẽ có thể vượt qua một năm mà không gặp tai ương, bệnh tật. Về sau bánh Sakubei đã được đổi thành mì Somen. Ngoài ra, trong khoảng 18 ngày trước ngày Lập thu (tức 20/7 – 7/8), người Nhật thường ăn lươn, vốn chứa nhiều chất bổ dưỡng, để chống chọi với “căn bệnh mùa hè” Natsubate.

    Tháng 8 - Đồ chay, Shiratama Dango

    đồ chay
    (Ảnh: kenph/PIXTA)

    Giữa tháng 8 là thời gian diễn ra lễ Obon cầu nguyện cho linh hồn tổ tiên, đồng thời Phật giáo cấm sát sinh nên đồ chay trở nên thịnh hành. Ngoài cơm trắng, các món dầm muối và đậu hũ, người Nhật cũng chuộng những món có cà tím, gừng Myoga, đậu cô ve,. Một món bánh cũng được cúng trong kì lễ Obon là Shiratama Dango. Tùy theo ngày cúng mà bánh mang ý nghĩa khác nhau: được cúng vào ngày 13 là bánh để đón mừng tổ tiên, còn vào ngày 16 là quà để tiễn đưa họ trở về thế giới Tịnh độ.

    Tháng 9 - Tsukumi Dango, khoai sọ

    tsukimi dango
    (Ảnh: promolink/PIXTA)

    Ngắm trăng và cúng Dango vào đêm Trung thu 15/9 là một phong tục rất phổ biến ở Nhật. Để cầu mong thần Mặt trăng mang đến những vụ mùa bội thu, người dân sẽ đem gạo giã thành bột, nắn thành những viên tròn nhỏ mô phỏng hình mặt trăng và cúng trong sân nhà. Ngoài ra tháng 9 còn là mùa thu hoạch khoai sọ nên người Nhật cũng cúng khoai sọ và ăn những món chế biến từ chúng trong đêm này.

    Tháng 10 - Cơm hạt phỉ, đậu

    cơm hạt phỉ
    (Ảnh: ogustudio/PIXTA)

    Tsukimi Dango, cơm hạt phỉ và đậu là những món ăn phổ biến trong đêm 13/10. Giữa tiết trời se se lạnh, hơi ấm của thức cơm được trộn với hạt phỉ ngòn ngọt bùi bùi, phảng phất chút vị mằn mặn của Shoyu có thể làm ấm bụng người ăn. Trong ngày được ưu ái gọi là “Ngày của đậu” này, người Nhật còn cúng đậu hoặc chế biến những món ăn có đậu để bày tỏ lòng biết ơn đến đất mẹ đã ban loại lương thực quan trọng này cho con người.

    Tháng 11 - Xôi đậu đỏ, Juroku-dango

    xôi đậu đỏ
    (Ảnh: Nutria/PIXTA)

    Ngày 1/11 ở Nhật là ngày những vị thần đã tụ họp về xứ Izumo trong suốt tháng 10 sẽ lũ lượt trở về những ngôi đền mà mình cai quản. Để nghênh đón các thần, người Nhật sẽ cúng xôi đậu đỏ cùng rượu Omiki. Xôi đậu đỏ có chứa chất chống oxy hóa, góp phần xua tan mệt mỏi, giúp dạ dày hoạt động khỏe khoắn hơn để đối phó với sự biến đổi của thời tiết. Còn 16/11 là ngày những vị thần bảo trợ mùa màng sẽ rời đồng bằng về núi, nên người Nhật thường cúng 16 viên Dango (Juroku = 16) để tỏ lòng biết ơn đến các thần.

    Tháng 12 - Toshikoshi Soba, bí ngô

    toshikoshi soba
    (Ảnh: maikumajuli/PIXTA)

    Ăn mì năm mới – Toshikoshi Soba trong đêm giao thừa là phong tục từ thời Edo. Những sợi mì Soba dài tượng trưng cho sự trường thọ, vì vậy người Nhật cố gắng không cắn đứt sợi mì. Nên ăn xong cả tô trước 12 giờ nếu không muốn làm ảnh hưởng đến vận tài lộc của năm sau. Ngoài ra, tuy là nông sản thu hoạch vào mùa hè nhưng quả bí ngô giàu beta-carotene, vitamin C, E vẫn được coi là thực phẩm quý báu có tác dụng tăng cường thể lực, ngăn ngừa cảm mạo vào mùa đông.

    Inako/kilala.vn

    21/11/2016

    Bài: Inako/ Ảnh: PIXTA

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!