NỘI DUNG BÀI VIẾT

    Wakoucha - Sự hồi sinh của trà đen Nhật Bản

    Nhắc đến trà Nhật Bản, chắc hẳn chúng ta thường nghĩ ngay đến món matcha nổi tiếng hay những chén sencha tươi mát. Thế nhưng, giữa bức tranh ấy, một loại trà từng vang bóng một thời nay đang dần trở lại và khẳng định chỗ đứng riêng cho mình. Đó là Wakoucha trà đen Nhật Bản.

    Wakoucha là gì?

    Trong tiếng Nhật, trà đen được gọi là “Koucha” (紅茶), nghĩa là hồng trà, giống với cách gọi của một số nước châu Á. Còn “Wakoucha” (和紅茶) được dùng để gọi trà đen sản xuất tại Nhật. Cách gọi này bắt đầu phổ biến từ đầu những năm 2000 để phân biệt trà Nhật với các loại trà đen nhập khẩu. Ngoài ra, Wakoucha còn được gọi là “Kokusan koucha” (国産紅茶 - trà đen nội địa) hay “Jikoucha” (地紅茶 - trà đen địa phương).

    Không giống như trà xanh thường được mang đi hấp sau khi hái để ngăn cản quá trình oxy hóa, mang lại màu xanh tươi sáng đặc trưng, trà đen Wakoucha là loại trà được oxy hóa gần như hoàn toàn trong quá trình chế biến, tạo nên màu đỏ hồng gần như nâu sẫm và hương vị đậm đà.

    SEO Lower Third

    Thời kỳ hoàng kim ngắn ngủi của Wakoucha

    Trà đen được du nhập vào Nhật Bản từ thế kỷ 17, nhưng phải đến cuối những năm 1800, người Nhật mới bắt đầu tự trồng và sản xuất dòng trà đen nội địa. Khi Nhật Bản bắt đầu xuất khẩu trà vào năm 1858, khi đó trà xanh - đặc biệt là sencha, là mặt hàng xuất khẩu chủ lực, đặc biệt là ở thị trường Mỹ.

    Tuy nhiên, những nhà ngoại giao Nhật Bản nhanh chóng nhận ra thị trường phương Tây ưa chuộng trà đen hơn. Vì vậy, chính phủ Nhật Bản đã bắt đầu nghiên cứu phát triển dòng trà đen của mình. Họ đã mời các chuyên gia từ Trung Quốc đến các tỉnh Kumamoto và Oita để phổ biến kỹ thuật sản xuất trà đen. Thế nhưng dòng trà đen này không mang lại thành công như mong đợi.

    Phải đến khi Tada Motokichi, một cựu võ sĩ dưới thời Mạc phủ Tokugawa, bắt đầu hành trình sang Trung Quốc, rồi sau đó là Ấn Độ và Sri Lanka để học hỏi kỹ thuật, đồng thời mang về giống trà Assamica, Wakoucha mới bắt đầu gây được tiếng vang với các thương nhân nước ngoài.

    tượng-đài-tomokichi-tada
    Đài tưởng niệm Tada Motokichi tại Shizuoka vì những đóng góp của ông cho ngành trà Nhật Bản.
    Ảnh: Ochanomachi Shizuokashi

    Trà đen Wakoucha bắt đầu thời kỳ hoàng kim của mình sau Chiến tranh thế giới thứ 2 và đạt đỉnh vào năm 1954 với sản lượng hơn 8.000 tấn, trong đó 5.000 tấn được xuất khẩu. Cùng năm đó, giống trà đen lai tạo đầu tiên của Nhật mang tên “Beni-homare” (紅ほまれ, nghĩa đen là “danh dự đỏ”) đã được đăng ký chính thức.

    Nhưng thành công của trà đen không kéo dài lâu. Khi nền kinh tế Nhật Bản phục hồi mạnh sau chiến tranh, trà đen Nhật Bản dần mất đi khả năng cạnh tranh với trà đen của Ấn Độ hay Sri Lanka trên cả thị trường nội địa và quốc tế. Một đạo luật bảo hộ thương mại ra đời, yêu cầu những nhà nhập khẩu trà đen nước ngoài phải mua một lượng trà đen trong nước tương đương. Đến năm 1971, quy định này bị bãi bỏ và kéo theo đó, ngành sản xuất trà đen Wakoucha cũng dần rơi vào quên lãng.

    Sự hồi sinh của Wakoucha

    Mặc dù sản lượng trà đen dần giảm, người Nhật vẫn tiếp tục nghiên cứu các giống trà mới. Sự ra đời của giống trà đen Beni-fuuki (紅富貴) vào năm 1993 đã mở ra một kỷ nguyên mới của Wakoucha.

    benifuki-wakoucha-1
    Trà Wakoucha Beni-fuuki được trồng ở tỉnh Shizuoka. Ảnh: Anshimtea

    Thông thường, trà đen ở Nhật Bản chủ yếu tận dụng những lá trà thu hoạch vụ hè (二番茶 - nibancha), vốn có giá trị thấp hơn trà xanh được hái vào vụ mùa xuân (一番茶 - ichibancha). Do nhiệt độ từ ánh nắng mặt trời vào mùa hè, những lá trà nibancha tạo ra nhiều catechin có vị đắng. Sau khi trải qua quá trình oxy hóa, lượng catechin này mang đến cho Wakoucha màu nâu đỏ đặc trưng và hương vị đậm đà.

    Nhưng sau đó, khi không còn chạy theo sản lượng, một số nông dân Nhật Bản bắt đầu sản xuất ra dòng Wakoucha cao cấp với những lá trà vụ xuân quý giá, chú trọng phát triển chất lượng và tính độc đáo riêng của dòng trà này. Từ đây, Wakoucha chính thức “tái sinh” với bản sắc riêng, không còn là bản sao của trà đen Ấn hay Trung Quốc.

    Đến nay, Wakoucha ngày càng phát triển và đa dạng về mặt hương vị. Có loại nhẹ nhàng, mang hương vị trái cây; có loại lại đậm đà, chát nhẹ, phù hợp để thêm sữa và đường theo phong cách Anh Quốc.

    wakoucha-benihikari
    Trà Wakoucha Beni-hikari. Ảnh: Ikiga Cha

    Một số loại trà có nguồn gốc từ giống Assamica như Beni-fuuki hay Beni-hikari có vị trà mạnh và đậm đà. Trong khi đó, một số giống trà mới được phát triển như Yabukita hay Koushun mang đến hương vị dịu nhẹ và ít chát hơn. Không có một quy chuẩn cố định nào cho Wakoucha, và chính điều đó giúp nó trở thành nơi cho các nghệ nhân trà Nhật Bản thỏa sức sáng tạo.

    Ngày nay, không khó để tìm thấy những nhà sản xuất Wakoucha từ các vùng trà nổi tiếng như Shizuoka, Mie, Kyoto. Năm 2023, những cuộc đấu giá của trà đen Nhật Bản đã xuất hiện tại Chợ trà Shizuoka, một sàn đấu giá trà nổi tiếng ở Nhật Bản, hoạt động từ năm 1956, đánh dấu một cột mốc trong “thời kỳ phục hưng” của Wakoucha.

    kilala.vn

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!