NỘI DUNG BÀI VIẾT

    Khám phá nước Nhật qua những món lẩu ngày đông

    Trong tiếng Nhật, lẩu được gọi là “nabemono” hoặc "nabe". Nhật Bản có rất nhiều loại lẩu, mỗi khu vực lại có một cách chế biến đặc trưng với những nguyên liệu tươi ngon từ sản vật địa phương. Trong bài viết này, hãy cùng tìm hiểu về những món lẩu Nhật Bản nổi tiếng rất thích hợp thưởng thức trong ngày đông lạnh giá nhé!

    Kanisuki (Hokkaido)

    Một trong những món nabe đặc trưng nhất của Hokkaido là kanisuki hay lẩu cua. Khi nói về ẩm thực miền Bắc Nhật Bản, người ta thường nghĩ ngay đến cua, đặc biệt là cua hoàng đế đỏ và cua tuyết được đánh bắt ngoài khơi bờ biển Hokkaido. Kanisuki là sự kết hợp những chiếc chân cua béo múp và ngọt thịt, với nước dùng tinh tế được ninh từ kombu (rong biển) nêm với xốt ponzu. Khi thưởng thức kanisuki, ngoài đồ nhúng là nấm, negi (hành lá) và bắp cải, có thể ăn cùng một ít cơm để thêm chắc bụng.

    kanisuki
    Ảnh: Gaijinpot

    Kiritanpo nabe (Akita)

    Tỉnh Akita nổi tiếng với loại gạo thơm ngon vậy nên không có gì ngạc nhiên khi gạo là “ngôi sao” của loại lẩu này. Kiritanpo là món cơm được giã nhuyễn và nặn thành hình trụ rồi quấn quanh một que gỗ tuyết tùng, sau đó nhúng vào miso và nướng trên bếp than. Khi thêm vào lẩu, như trong món kiritanpo nabe, chúng được lấy ra khỏi que và hầm cùng với thịt gà và rau. Hành lá, rau mùi tây Nhật Bản và rễ cây ngưu bàng là những nguyên liệu phổ biến trong món lẩu này, được nấu theo kiểu truyền thống cùng với thịt gà địa phương trong nước dùng xương gà.

    kiritanbo-nabe
    Ảnh: Gaijinpot

    Houtou nabe (Yamanashi)

    Có nguồn gốc từ Yamanashi, loại lẩu giàu tinh bột, nhiều rau củ, vị miso này có thể giúp bạn sưởi ấm trong những ngày đông lạnh giá. Điểm nổi bật của món lẩu là houtou, một loại mì sợi to và dày, đặc sản của tỉnh Yamanashi. Nước dùng cũng có hương vị đậm đà nấu từ koshu miso hoặc shinshu miso được sản xuất tại địa phương, cùng với kombu và nước cốt dashi cá cơm. Các loại rau ăn kèm phổ biến bao gồm bí ngô, nấm, bắp cải, hành negi và củ cải trắng.

    houtou-nabe
    Ảnh: Gaijinpot

    Shishi nabe (Ibaraki)

    Shishi nabe là tên gọi của lẩu thịt heo rừng (inoshishi) - nguồn cung cấp protein quan trọng ở Nhật Bản trước đây. Món lẩu độc đáo này được chế biến bằng cách ninh thịt lợn rừng trong nước dùng miso hoặc nước tương cùng với đậu phụ, các loại rau lá, nấm và củ; ninh càng lâu, thịt lợn sẽ càng mềm và nước dùng càng béo.

    shishi-nabe
    Ảnh: Gaijinpot

    Chanko nabe (Tokyo)

    Nếu bạn đang tìm kiếm một món lẩu thơm ngon và nhiều thịt thì không gì hoàn hảo bằng chanko nabe, món ăn truyền thống được các đô vật sumo ăn như một phần trong thực đơn tăng cân của họ. Điểm độc đáo của chanko nabe là không có một công thức chung nào, và tất cả các loại thực phẩm chứa protein như thịt viên, phi lê cá, đùi gà, chân cua và xúc xích cùng với nhiều loại rau củ đều có thể cho vào nồi lẩu này, vì vậy có thể thoải mái tùy chỉnh theo sở thích cá nhân. Nước dùng lẩu thường được nấu từ thịt gà hoặc nước dùng dashi, nêm với mirin và rượu sake.

    chanko-nabe
    Ảnh: Gaijinpot

    Akakara nabe (Aichi)

    Món lẩu đến từ Aichi này có màu đỏ và hương vị đậm đà từ sự pha trộn độc đáo giữa tương miso đỏ và ớt togarashi. Nước dùng cay nồng của akakara nabe thường được ăn cùng với đồ lòng và tsukune (thịt gà viên) cũng như nhiều loại rau, giá đỗ, bắp cải và hẹ.

    akakara-nabe
    Ảnh: Gaijinpot

    Chiritori nabe (Osaka)

    Là món lẩu có nguồn gốc từ Osaka, chiritori nabe có tên gọi khá thú vị với “chiritori” (ちり取り) trong tiếng Nhật có nghĩa là “xẻng hốt rác”. Món ăn này có các thành phần như đồ lòng, thịt bò, thịt heo, các loại rau như tỏi tây, hẹ, hành tây, giá đỗ và bắp cải. Về nước dùng, có nhiều biến thể về thành phần, bao gồm muối, cà ri và sữa đậu nành, cùng với các loại gia vị phổ biến tạo nên hương vị Hàn Quốc, chẳng hạn như gochujang (tương ớt Hàn Quốc) và kim chi.

    chiritori-nabe
    Ảnh: Gaijinpot

    Fugu chiri (Yamaguchi)

    Yamaguchi được xem là thủ phủ của cá nóc (fugu) và món lẩu đặc trưng của tỉnh là fugu chiri với nguyên liệu chính là loài cá "cực độc" này. Tuy nhiên, đừng lo lắng, món lẩu hấp dẫn này chỉ được nấu bởi các đầu bếp được cấp phép và có kinh nghiệm trong chế biến cá nóc. Fugu chiri bao gồm những miếng cá phi lê và thân cá được ninh trong nước dùng dashi cùng với đậu phụ và các loại rau theo mùa. Khi ăn, có thể chấm những lát cá nóc sẽ vào xốt ponzu để tăng thêm hương vị.

    fugu-chiri
    Ảnh: Gaijinpot

    Mizutaki (Fukuoka)

    Người ta nói rằng, món lẩu này được sáng tạo bởi Hayashida Heizaburo, một người đến từ Nagasaki. Năm 1897, Hayashida đến Hồng Kông và sống với một gia đình người Anh để học nấu ăn, sau đó ông đã tạo ra mizutaki bằng cách kết hợp món xúp kiểu Tây với gà hầm kiểu Trung Quốc. Năm 1905, Hayashida mở cửa tiệm bán mizutaki đầu tiên của mình ở Hakata với tên gọi “Suigetsu” và nhà hàng này ngày nay vẫn còn tồn tại.

    mizutaki
    Ảnh: Gaijinpot

    Nguyên liệu chính của mizutaki là thịt gà cắt nhỏ, được ninh trong nước nhiều giờ mà không thêm gia vị như nước tương hay muối. Sau đó, hành negi, nấm, bắp cải và các loại rau củ tùy thích được thêm vào. Kết quả sẽ là một nồi lẩu với nước dùng đậm đà, ngọt vị umami.

    kilala.vn

    Nguồn: Gaijinpot

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!