Những bản nhạc ảnh hưởng đến văn hóa Nhật Bản của cố nhạc sĩ Ryuichi Sakamoto
Thành danh trên thế giới, gặt hái vô số giải thưởng quốc tế, cố nghệ sĩ Ryuichi Sakamoto đã để lại một di sản âm nhạc giá trị ảnh hưởng sâu rộng đến văn hóa xứ sở hoa anh đào.
Ngày 28 tháng 3 năm 2023, nhà soạn nhạc người Nhật Ryuichi Sakamoto đã qua đời ở tuổi 71 vì căn bệnh ung thư quái ác, để lại bao niềm tiếc thương nơi đồng nghiệp và người hâm mộ, sự mất mát to lớn đối với nền âm nhạc thế giới.
Ryuichi Sakamoto sinh ngày 17/01/1952 tại Tokyo, là một nghệ sĩ đa tài hoạt động với tư cách nhạc sĩ, ca sĩ, nhà sản xuất âm nhạc và diễn viên. Bên cạnh sự nghiệp solo, cố nghệ sĩ còn là thành viên của Yellow Magic Orchestra (YMO) – nhóm nhạc discopop tiên phong cho dòng nhạc điện tử, nổi tiếng tại Nhật Bản những năm 70, 80.
Với sự nghiệp đồ sộ kéo dài hơn bốn thấp kỷ, Sakamoto đã để lại cho nền âm nhạc thế giới một kho tàng khổng lồ các tác phẩm thuộc nhiều thể loại từ synth-pop, dance đến nhạc phim và các tác phẩm cổ điển đi trước thời đại.
Đặc biệt với vai trò sáng tác nhạc nền cho các bộ phim, ông đã sở hữu cho mình hàng loạt giải thưởng danh giá bao gồm một tượng vàng Oscar, một kèn vàng Grammy, hai Quả cầu vàng và một giải BAFTA.
Bản nhạc mà Sakamoto đồng sáng tác cùng David Byrne, Cong Su cho "The Last Emperor” (tựa Việt: Hoàng đế cuối cùng) – bộ phim điện ảnh năm 1987 có sự tham gia diễn xuất của chính ông đã mang về cho cố nhạc sĩ “cú hattrick” giải thưởng (Oscar, Grammy và Quả cầu vàng). Ca khúc nhạc nền sử dụng trong lễ khai mạc Thế vận hội Mùa hè Barcelona 1992 mà ông sáng tác cũng tạo được tiếng vang lớn.
Mặc dù có hoạt động và thành tựu nổi bật ở quốc tế nhưng dường như những tác động văn hóa của Ryuichi Sakamoto tại thị trường nội địa lại ít được nhắc đến. Trong bài viết này, hãy cùng Kilala tìm hiểu 5 tác phẩm âm nhạc của Sakamoto đã tạo ra những ảnh hưởng nhất định đến đất nước Mặt trời mọc nhé!
1. Kimi ni Mune Kyun
Ryuichi Sakamoto bước đầu tạo nên tên tuổi là với tư cách thành viên của nhóm YMO cùng hai huyền thoại Haruomi Hosono và Yukihiro Takahashi (cố nghệ sĩ đã qua đời vào tháng 1 năm 2023).
Đĩa đơn “Kimi ni Mune Kyun” trong album Naughty Boys năm 1983 của nhóm là một bản hit tại thị trường nội địa, đưa tên tuổi bộ ba trở nên quen thuộc hơn với khán giả trong nước, từ đó Sakamoto đã trở thành một ngôi sao thần tượng.
Đến nay, “Kimi Ni Mune Kyun” vẫn là một bài hát nổi tiếng ở xứ sở hoa anh đào và được cover nhiều lần.
2. Merry Christmas, Mr. Lawrence
Cùng trong năm 1983, Sakamoto tham gia bộ phim đề tài chiến tranh “Merry Christmas, Mr. Lawrence” với vai diễn viên sĩ quan Yonoi, đồng thời đảm nhận công việc sản xuất nhạc nền cho phim.
Bộ phim đã nổi tiếng trên toàn thế giới với một phần sức hấp dẫn đến từ nhạc nền do Sakamoto sáng tác – bản nhạc đã ăn sâu vào tiềm thức của một thế hệ người Nhật, thậm chí những người chưa bao giờ xem bộ phim cũng có thể ngay lập tức nhận ra giai điệu.
"Merry Christmas, Mr. Lawrence" đã giành được giải BAFTA cho Nhạc phim hay nhất, đưa Sakamoto bước vào ánh đèn sân khấu quốc tế và mở ra một chương mới trong sự nghiệp của ông.
3. Nhạc khởi động màn hình máy chơi game Dreamcast của Sega
Mặc dù học sáng tác cổ điển tại nhạc viện và thường viết những tác phẩm tân cổ điển, Sakamoto cũng bị mê hoặc bởi những thanh âm của cuộc sống thường nhật. Ông từng được mời sáng tác nhạc quảng cáo cho các thương hiệu, có thể kể đến như quảng cáo tã giấy Pampers, nhạc chuông điện thoại Nokia.
Một trong những âm thanh do Ryuichi Sakamoto sáng tác được nghe nhiều nhất là đoạn nhạc khi khởi động màn hình máy chơi game Dreamcast của Sega, mặc dù có thể hầu hết mọi người có lẽ không nhận ra điều đó.
4. Energy Flow
Vào cuối thập niên 90, Sakamoto đã rời xa nhạc pop và chuyển sang chơi piano. Năm 1999, cố nghệ sĩ phát hành album piano độc tấu mang tên “BTTB” (viết tắt của “Back To The Basics”).
“Energy Flow” là bản piano được Sakamoto sáng tác cho quảng cáo “Regain EB Tablets" của Sankyo Pharmaceutical, nằm trongđĩa đơn EP của album BTTB.
Vào thời điểm đó, bản nhạc đã gây được tiếng vang lớn, chinh phục thính giả Nhật Bản với tác dụng “chữa lành” chưa từng có và bùng nổ với thông điệp “âm nhạc dành cho tất cả những ai mệt mỏi”.
“Energy Flow” thậm chí trở thành bản nhạc nhạc cụ đầu tiên đạt vị trí số một trên bảng xếp hạng đĩa đơn hàng tuần của Oricon.
5. Zure
Ngày 11 tháng 3 năm 2011, một trận động đất và sóng thần kinh hoàng đã tấn công vùng Tohoku của Nhật Bản, cướp đi sinh mạng của gần 20.000 người. Ryuichi Sakamoto sau đó đã thực hiện một số chuyến đi khắp Nhật Bản, làm việc với các trường học địa phương để giúp sửa chữa và thay thế các thiết bị bị phá hủy trong thảm họa.
Trong đó, có cây đàn piano của một trường học ở tỉnh Miyagi đã được phục hồi, sau đó được Sakamoto sử dụng trong bản thu cho album “Async” phát hành năm 2017.
Êm đềm và buồn bã, album được thu âm sau khi Sakamoto được chẩn đoán mắc bệnh ung thư lần đầu vào năm 2014. Đối mặt với cái chết có thể xảy ra với chính mình và nghĩ về những người đã mất trong thảm họa kép ở Tohoku năm 2011, Sakamoto gửi gắm những suy ngẫm về ý nghĩa của sinh tử qua album.
“Zure”, một bài hát trong album, có âm thanh lạc điệu của cây dương cầm được khôi phục ở Miyagi. Ông từ chối điều chỉnh đàn vì muốn trạng thái tự nhiên của nó góp phần tạo nên cảm xúc cho tác phẩm.
kilala.vn
17/04/2023
Bài: Happy
Nguồn: Gaijinpot
Đăng nhập tài khoản để bình luận