Nhạc sĩ Ryuichi Sakamoto: kiến tạo thanh âm cuộc sống
Sau hơn 45 năm theo đuổi nghệ thuật, Ryuichi Sakamoto đã đóng góp to lớn vào nền âm nhạc của thế giới và để lại những di sản tinh thần bất diệt.
Tài năng được cả thế giới công nhận
Ryuichi Sakamoto (坂本 龍一) sinh vào ngày 17/01/1952 tại Tokyo, trong gia đình có cha là một biên tập viên văn học tiếng tăm, mẹ là một nhà thiết kế mũ. Khi bốn tuổi, ông cùng mẹ xem bộ phim đầu tiên – La Strada của Fellini và điều duy nhất khiến ông chú ý là những giai điệu thanh âm được Nino Rota sáng tác.
Lên sáu, Sakamoto được học piano và cũng từ đây, ông bắt đầu tự tạo nên những âm thanh của riêng mình. Tiếp xúc với nhạc cổ điển từ sớm và chịu ảnh hưởng từ những Bach hay Debussy – hai nhà soạn nhạc mà ông từng gọi là “cánh cửa dẫn đến âm nhạc thế kỷ 20”, bước vào tuổi nổi loạn, Sakamoto lại đắm chìm trong âm thanh của jazz hiện đại.
Ông học sáng tác và âm nhạc dân tộc tại Đại học Nghệ thuật Tokyo. Cũng trong thời gian này, Sakamoto bắt đầu biểu diễn âm nhạc với đàn synthesizer (đàn tổng hợp điện tử) tại các sân khấu pop địa phương.
Đây là bước đệm để sau này Sakamoto trở thành người tiên phong của nhạc điện tử Nhật cùng nhóm Yellow Magic Orchestra. Cột mốc đánh dấu cuộc đời ông chuyển sang trang mới là vào năm 1983, khi ông viết nhạc phim cho phim điện ảnh Merry Christmas, Mr. Lawrence của đạo diễn Nagisa Oshima.
Sau đó, nghệ sĩ tăng tốc không ngừng với vai trò mới của mình. Tổng cộng Sakamoto đã giành được một giải Oscar, một giải BAFTA, một giải Grammy và 2 giải Quả cầu vàng cho các album nhạc xuất sắc.
Ông được mệnh danh là “ông hoàng nhạc phim” khi tham gia soạn nhạc cho gần 50 soundtrack. Nhạc sĩ cũng có nhiều bài hát được biết đến rộng rãi và để lại dấu ấn sâu đậm trong trái tim người nghe như tác phẩm Energy Flow, Merry Christmas Mr.Lawrence, Rain, Bibo no Aozora.
Nếu như chưa biết đến ông, bạn có thể tìm nghe những album nhạc phim Little Buddah, The Sheltering Sky hay The Revenant.
Sakamoto luôn nhớ về những lúc đồng hành với đạo diễn để sáng tác nhạc phim, khi ông giữ vai trò phiên dịch ngôn ngữ điện ảnh thành ngôn ngữ âm nhạc. Không chỉ làm hài lòng chính mình, ông cần phải tìm cách cân bằng, hòa hợp với quan điểm của đạo diễn.
Khi nhớ lại lần hợp tác với Bernardo Bertolucci (phim The Last Emperor, Little Buddha) và Alejandro González Iñárritu (phim Revenant), Sakamoto thú nhận rằng đây là những lần làm việc khó khăn vì hai vị đạo diễn này am hiểu âm nhạc vô cùng, cần nhiều thời gian bàn luận nhằm đạt được sự đồng thuận.
Cũng chính vì có thử thách, nhạc sĩ càng trân trọng những lần hợp tác vì đây là nguồn cảm hứng tuyệt vời, giúp ông học được những điều mới từ người khác.
Âm thanh là cuộc sống, cuộc sống là âm thanh
Năm 2017, trong cuộc phỏng vấn với NHK, ông nói: “Âm thanh nào cũng quan trọng theo cách riêng của chúng. Thậm chí tiếng ồn, còi xe ngoài đường cũng có ý nghĩa”. Đơn giản với ông, mỗi âm thanh cần được đối xử công bằng, cảm nhận một cách riêng lẻ.
Bởi lẽ thiên nhiên luôn tràn ngập giai điệu, còn con người lại được quyết định âm thanh nào là tốt hay xấu. Chính điều này khiến chúng ta dần lãng quên một số tiếng động quan trọng, mắc kẹt trong “cái lồng” của sự phán xét.
Nhạc sĩ hình thành một thói quen là thu âm lại cuộc sống. Khắp New York, Tokyo, chắc hẳn đều in dấu chân của ông. Nghệ sĩ thu tiếng bước chân sột soạt trên lá khô, tiếng xe trên đường phố và tiếng con người tương tác. Trong phim tài liệu Coda (2017), Ryuichi Sakamoto còn đi đến Bắc cực để thu lại âm thanh của tuyết tan.
Chính vì thế, Async – một album mang tinh thần thiên nhiên – ra đời giúp người nghe lắng nghe thanh âm cuộc sống, hòa mình vào những giao thoa của rừng cây, hoa lá. Những track nhạc như lời đối thoại của ông với tự nhiên, với âm nhạc và chính tâm hồn mình.
Điều này tương hợp với tinh thần yêu thiên nhiên của nhạc sĩ. Ông quan tâm với thiên nhiên và dành nhiều thời gian chăm sóc cho Trái Đất. Từ 1994 đến nay, gần như mọi album của ông được thiết kế với bao bì thân thiện môi trường.
Năm 2001, ông kết hợp đặt các tấm pin mặt trời trong chuyến lưu diễn hòa nhạc, đáp ứng 15% nhu cầu điện của buổi biểu diễn bằng năng lượng tái tạo. Ông còn thành lập “More Trees” – chương trình bảo tồn những loại cây bị lãng quên và gieo trồng cây mới. Ngoài ra, ông luôn trích ra một phần tiền từ các buổi hòa nhạc của mình để đóng góp cho các hoạt động môi trường và xã hội.
Xem thêm: Những bản nhạc ảnh hưởng đến văn hóa Nhật Bản của cố nhạc sĩ Ryuichi Sakamoto
Di sản Ryuichi Sakamoto để lại
Giai đoạn 2020 – 2023 là khoảng thời gian Sakamoto chiến đấu vì sức khỏe của mình. Trong những tháng ngày đó, người nhạc sĩ vẫn chơi nhạc hết mình.Ngày 11 tháng 12 năm 2020, lần đầu ông tổ chức concert livestream. Ít ai biết rằng, vào chính ngày hôm đó, ông nhận được tin mình chỉ còn sống được sáu tháng. Không để ai hay, ông lẳng lặng chơi hết mình trong concert đấy với trái tim sáng trong của một người yêu nghệ thuật.
Trong hai năm 2020 – 2022, ông trải qua sáu cuộc phẫu thuật lớn nhỏ. Cùng lúc đó, ông tiếp tục tổ chức concert livestream 2021 và cuối cùng là món quà to nhất mà ông kịp để lại cho người hâm mộ – concert Ryuichi Sakamoto: Playing the Piano 2022.
Sakamoto thẳng thắn thừa nhận: “Tôi không còn đủ năng lượng để có thể biểu diễn trực tiếp nữa. Đây có thể là lần cuối các bạn nhìn thấy tôi chơi nhạc như thế này”. Sự chân thật này của ông có lẽ xuất phát từ tinh thần hòa giải với cuộc sống và đơn giản chấp nhận dòng chảy thời gian.
Thay vì buồn bã, ông đã làm hết sức những điều có thể vì các khán giả thân yêu của mình. “Tôi mong mọi người cảm thấy như được xem trực tiếp vậy và chúng ta đang ở cùng nhau”, ông nói.
Tháng 4 năm 2023, những người yêu quý ông phải đón tin dữ rằng nhà soạn nhạc kiệt xuất đã đi đến thế giới khác. Nỗi buồn chưa hẳn phai nhanh nhưng ít nhất chúng ta có niềm an ủi là di sản âm nhạc ông để lại. Như câu nói mà Sakamoto tâm đắc: “Cuộc đời trong chớp mắt, nghệ thuật sống cả trăm năm”.
Vừa qua, vào sinh nhật mình ngày 17 tháng 1, ông phát hành album cuối cùng mang tên “12”. Nhạc sĩ cũng nhận trách nhiệm làm nhạc cho bộ phim mới Monster của đạo diễn Hirokazu Kore-eda, sắp ra mắt vào tháng 6. Các fan cũng có cơ hội gặp lại hình ảnh Sakamoto trên sân khấu KAGAMI vào tháng 7 tới nhờ công nghệ thực tế ảo.
Xem thêm: Những nghệ sĩ Nhật Bản tiêu biểu của dòng nhạc điện tử
Khán giả sẽ nhìn thấy hình ảnh chơi đàn quen thuộc của người nghệ sĩ và có được một trải nghiệm công nghệ hiếm thấy. Điều này phản ánh đúng suy nghĩ của nghệ sĩ rằng: âm nhạc cần vượt khỏi khuôn khổ thời gian. Theo Sakamoto viết trên Instagram:
“Bản thể ảo của tôi ở đóTôi sẽ không già đi, tiếp tục chơi đàn trong nhiều năm, nhiều thập niên và thế kỷ nữa.
Lúc đó còn con người không?
Liệu loài mực có lắng nghe tôi?
Piano với chúng là gì?
Âm nhạc còn ý nghĩa gì chăng?
Lòng thấu cảm có còn tồn tại?"
Sakamoto chiêm nghiệm về ý nghĩa cuộc sống và cũng như bao người, lo sợ không biết mình còn bao nhiêu thời gian. Cho nên, ông sống mỗi ngày đều hết mình, cố gắng nắm bắt thời gian đang chạy nhanh kia
Nhạc sĩ luôn nhớ mãi câu nói của của Paul Bowels trong The Sheltering Sky: “Bạn còn bao nhiêu lần để ngắm vầng trăng nhô cao. Có lẽ chỉ là 20, trong khoảng thời gian tưởng chừng vô tận kia”.
Ngọn lửa đam mê nghệ thuật nói riêng và tình yêu cuộc sống của Sakamoto là vĩnh cửu. Những ngày tháng bạo bệnh, ông trân quý hơn giá trị thời gian và khát khao được làm nhiều điều hơn cho thế giới.
Ông cũng luôn đặt niềm tin vào nghệ thuật, vào con người và những điều tốt đẹp. “Là một người được sống trong hơi thở văn hóa, động lực của tôi chính là biết trong 200 nghìn năm của lịch sử loài người, người làm nghệ thuật, âm nhạc và thơ ca không bao giờ dừng bước”, Sakamoto chia sẻ.
kilala.vn
14/04/2023
Bài: Quỳnh Tora
Đăng nhập tài khoản để bình luận