J-Pop thời Reiwa gọi tên các ca sĩ trực tuyến
Đã có một bước ngoặt lớn diễn ra trong thế giới J-Pop thời Reiwa, với vị thế ngày càng quan trọng của nhạc số.
Trước đây, các nghệ sĩ Nhật Bản cần phải bán được một triệu đĩa CD thì một ca khúc mới được gọi là "hit". Nhưng giờ đây, ở thời đại Reiwa bắt đầu từ ngày 1/5/2019, việc phát hành nhạc trực tuyến đã tạo nên cuộc cách mạng với J-Pop.
Tiêu chuẩn xếp hạng âm nhạc thời Reiwa
Kể từ giữa những năm 2010, không dễ để biết loại nhạc nào đang thật sự phổ biến tại Nhật Bản. Thời kỳ hoàng kim của ngành công nghiệp âm nhạc Nhật kết thúc vào cuối những năm 90 của thế kỷ 20, sau đó là hơn một thập kỷ của sự trì trệ.
Mặc dù doanh số bán đĩa CD có sự sụt giảm nhưng nó vẫn là thước đo của thị trường âm nhạc Nhật Bản. Tuy nhiên, vào năm 2013, sự kiện bầu chọn thành viên được đứng ở vị trí đầu hàng và trung tâm trong buổi biểu diễn của nhóm nhạc thần tượng nữ nổi tiếng AKB48 đã làm thay đổi mọi thứ.
Một số fan hâm mộ của nhóm nhạc AKB48 tỏ ra khó chịu khi nhà sản xuất luôn ưu ái cho phép thành viên Maeda Atsuko của nhóm giữ vị trí trung tâm trong các buổi biểu diễn. Điều này dẫn tới đề xuất rằng, thay vì nhà sản xuất, fan hâm mộ mới là người nên quyết định thành viên nào của nhóm có được đặc quyền này.
Ý tưởng trên đã dẫn đến một cuộc “tổng tuyển cử” dành cho các thành viên của nhóm nhạc AKB48. Theo đó, một lá phiếu bầu là một đĩa CD của nhóm với giá 1.600 yên. Như vậy, fan hâm mộ muốn bỏ bao nhiêu phiếu thì mua bấy nhiêu đĩa CD. Sau đó, họ mở đĩa CD để lấy một dãy gồm 16 ký tự, truy cập vào website bầu chọn và nhập dãy ký tự trên để bình chọn cho thành viên AKB48 mà mình yêu thích.
Cuối cùng, thành viên Sashihara Rino đã chiến thắng trong cuộc bầu cử này. Tuy nhiên, có rất nhiều lời bàn tán về chiến thắng của cô. Nhiều fan cho rằng cô có được thành công này là nhờ vào hơn 9.000 phiếu bầu đến từ fan Trung Quốc.
Chính cuộc bầu cử đã làm cho doanh số đĩa đơn của nhóm AKB48 có bước đột phá và họ thống trị Bảng xếp hạng đĩa đơn Oricon của Nhật Bản. Qua sự kiện này có thể thấy doanh số bán đĩa CD không còn phản ánh đúng mức độ phổ biến của một bài hát nữa.
Thêm vào đó, sự phát triển gần đây của các dịch vụ phát nhạc trực tuyến cũng góp phần làm thay đổi tiêu chí đánh giá độ nổi tiếng của một bài hát. Hiện tại, độ phổ biến của một ca khúc không còn được tính dựa trên số lượng doanh thu đĩa CD nữa, mà nó còn phụ thuộc vào số lần phát trực tuyến. Do vậy, một ca khúc có thể gây bão toàn thế giới ngay cả khi không phát hành đĩa CD, đây cũng là tiêu chuẩn xếp hạng âm nhạc trong thập niên 20 của thế kỷ 21.
Hiện nay, BXH Billboard Japan Hot 100 có sức ảnh hưởng lớn hơn BXH Oricon truyền thống. Billboard là bảng xếp hạng tổng hợp doanh số bán đĩa CD, lượt tải về, lượt phát trực tuyến, radio và phát video trực tuyến.
Kể từ đầu những năm 2010, ngày càng nhiều người nhận ra rằng BXH Billboard mang đến một bức tranh chính xác hơn về độ nổi tiếng của một bài hát so với BXH Oricon. Do vậy, nhiều tạp chí và truyền hình bắt đầu sử dụng Billboard nhiều hơn khi nói về việc xếp hạng các ca khúc.
Top 10 ca khúc lọt vào danh sách Billboard Japan Hot 100 năm 2021
- Top 1: “Dry Flower” của ca sĩ kiêm nhạc sĩ Yuuri
- Top 2: “Dynamite” của nhóm nhạc Hàn Quốc BTS
- Top 3: “Yoru ni kakeru” của Yoasobi
- Top 4: “Homura” của LiSA
- Top 5: “Kaibutsu” của Yoasobi
- Top 6: “Butter” của nhóm nhạc Hàn Quốc BTS
- Top 7: “Ussee wa” của Ado
- Top 8: “Gunjou”của Yoasobi
- Top 9: “Niji” của Suda Masaki
- Top 10: “Kaikai kitan” của Eve
Đứng đầu bảng xếp hạng 2021 là ca khúc “Dry Flower” của Yuuri (sinh năm 1994), nam ca sĩ kiêm nhạc sĩ nổi lên chỉ sau một đêm vào năm 2019. Trước đó, anh thu hút sự chú ý của công chúng thông qua các mạng xã hội như TikTok, Instagram và sau đó là nhờ một ca khúc cover được đăng tải lên Youtube.
Vào tháng 12/2019, bước đột phá lớn nhất của anh chàng là ca khúc “Kakurenbo” do anh sáng tác và thể hiện được phát hành độc lập. Ca từ cảm động cùng giai điệu bắt tai đã khiến bài hát trở thành hiện tượng trên mạng xã hội TikTok.
Đến tháng 08/2020, Yuuri ra mắt ca khúc “Peter Pan” cũng tạo được tiếng vang không kém. Hai tháng sau, vào tháng 10/2020, ca khúc “Dry Flower” chào sân khán giả. Trái ngược với “Kakurenbo” kể về cuộc chia tay dưới góc nhìn của một người con trai thì ca khúc “Dry Flower” chính là câu chuyện tiếp theo, miêu tả nỗi lòng của người con gái sau chia tay.
“Dry Flower” đã trở thành một ca khúc bán chạy trong thời gian dài và phiên bản karaoke của bài hát vô cùng phổ biến tại Nhật Bản. Đặc biệt, vào năm 2021, Yuuri tiếp tục ra mắt nhiều bài hát gây tiếng vang lớn như “Shutter” và “Betelgeuse”.
Khác với nhiều ca sĩ kiêm nhạc sĩ nổi lên nhờ TikTok trong năm 2020, anh chàng Yuuri 28 tuổi đã biến những dấu ấn trên TikTok thành những thành công về mặt thương mại.
Bên cạnh Yuuri, nhóm nhạc Nhật Bản Yoasobi cũng có tới 3 bài hát nằm trong BXH Billboard Japan Hot 100 với ca khúc top 3 là “Yoru ni kakeru”. Đây chính là ca khúc được viết dựa trên tác phẩm “Thanatos no yuuwaku”, giúp tên tuổi của nhóm nhạc vừa mới thành lập vào năm 2019 vụt sáng. Đặc trưng của nhóm nhạc trẻ này là sáng tác các bài hát dựa trên tiểu thuyết.
Đứng ở top 7 là ca khúc “Ussee wa” (Shut Up!) của Ado. Đây cũng là đĩa đơn “debut” của ca sĩ Ado, ra mắt vào tháng 10/2020 và sau đó trở thành một “hit” của năm 2021.
Nữ ca sĩ Ado bắt đầu con đường âm nhạc là một Utaite, tức là nghệ sĩ cover lại các bài hát Vocaloid trực tuyến. Chính giọng hát đầy nội lực đã giúp cô thành công ngay khi ra mắt, dù chưa bao giờ tiết lộ khuôn mặt hay tên thật của mình. Thậm chí, tên bài hát mang ý nghĩa đầy phẫn nộ “Ussee wa – Im đi” đã trở thành một buzzword nổi bật tại Nhật năm 2021.
Trong giới Utaite cũng không thể không nhắc đến Eve, chủ nhân hit “Kaikai kitan”, ca khúc mở đầu cho anime đình đám “Jujutsu Kaisen”. Anh cũng giấu kín danh tính cá nhân của mình giống với Ado.
Không chỉ phủ sóng tại Nhật Bản, bài hát “Kaikai kitan” còn vươn ra quốc tế khi được xếp vào vị trí số 1 trong Top 10 bài hát tiếng Nhật được phát trực tuyến ở nước ngoài của Spotify vào năm 2021. Nhóm nhạc Yoasobi cũng nằm ở vị trí thứ 10 trong Top 10 nghệ sĩ Nhật Bản có ca khúc được phát trực tuyến nhiều nhất ở nước ngoài.
Một số ca khúc nhạc phim anime khác cũng trở nên phổ biến bên ngoài lãnh thổ Nhật Bản, trong đó, nổi bật là bài hát “Gurenge” và “Homura” trong anime Kimetsu no Yaiba của ca sĩ LiSA.
Một đặc trưng riêng nữa của Eve và nhóm nhạc Yoasobi là họ hợp tác với họa sĩ tranh minh họa và các nhà làm phim ngay từ ban đầu để cho ra các MV kết hợp giữa âm nhạc với hoạt hình.
Trong bức tranh J-Pop thời Reiwa, cũng có một số ca sĩ Nhật Bản khác tìm ra con đường riêng khi sáng tạo ra một thị trường ngách mới trong J-Pop, đó chính là nhóm nhạc Zutto Mayonaka de Iinoni (Zutomayo) và bộ đôi Yorushika.
Bên cạnh nhạc online, văn hóa trực tuyến trong thập niên 20 này còn đặc trưng bởi sự phát triển mạnh mẽ của cộng đồng các nhà sáng tạo anime độc lập trên Youtube. Vào năm 2021, Nhật Bản đã tổ chức lễ hội anime độc lập lần đầu tiên mang tên “Project Young” với ca khúc chủ đề được sáng tác bởi Eve.
Kết
Có thể thấy các tên tuổi âm nhạc thời Reiwa như Yoasobi, Yuuri, Ado và Eve đều “debut” trực tuyến và vươn lên thống trị trên các bảng xếp hạng. Như vậy, J-Pop thời Reiwa đang được định nghĩa lại bằng sự năng động mới mẻ kết hợp với anime, tiểu thuyết và nhiều trào lưu văn hóa khác của giới trẻ.
kilala.vn
28/03/2022
Bài: Rin
Nguồn: Nippon
Đăng nhập tài khoản để bình luận