Từ chối sinh con, người Nhật chọn nuôi thú cưng
Ngày càng ít người trưởng thành ở Nhật muốn có con. Thay vào đó, nhiều người lại nuôi và xem thú cưng như một người thân trong gia đình. Tại Việt Nam, xu hướng này cũng đang trên đà tăng trưởng.
Theo Japan Today, số lượng thú cưng tại Nhật Bản (6,8 triệu con chó và 9 triệu con mèo) nhiều hơn so với số lượng trẻ em dưới 15 tuổi (14 triệu). Do sở thích, không gian sống… mà bên cạnh chó shiba thì một số giống chó phổ biến được người dân ưa thích là dachshund cỡ nhỏ, poodle hay chihuahua.
Theo khảo sát hàng năm của Hiệp hội Thực phẩm Thú cưng Nhật Bản về quyền sở hữu chó và mèo, từ năm 2004 - 2017, tỷ lệ các hộ gia đình hai người trở lên có nuôi thú cưng trong nhà tăng từ 60,1% lên 84,4% đối với người nuôi chó và 72% lên 86% dành cho người nuôi mèo.
Nhiều người ở Nhật Bản chia sẻ rằng họ coi chó và mèo như thành viên trong gia đình và cũng sẵn sàng có mức chi tiêu tương ứng. Ngành công nghiệp thú cưng của đất nước ước tính trị giá 18 tỷ USD mỗi năm.
Nhưng tại sao thú cưng lại thay thế trẻ em?
Một trong những lý do khiến nhiều người chọn nuôi thú cưng là vì chúng tương đối dễ nuôi, không đòi hỏi sự quan tâm và chăm sóc quá sát sao như nuôi một đứa trẻ.
Nỗi ám ảnh về việc xây dựng sự nghiệp dẫn đến thiếu thời gian dành cho nhiều mối quan hệ cũng là một trong những lý do khiến người Nhật ngại sinh con. Và nếu họ cần một người bạn đồng hành hoặc cảm thấy cô đơn, thú cưng luôn ở bên để lấp đầy những khoảng trống.
Ở Nhật Bản, mọi người chi tiền cho thú cưng của mình và chăm sóc chúng rất chu đáo. Từ thức ăn chất lượng hàng đầu, đảm bảo tiêm chủng đầy đủ, cho đến các chuyến du lịch vào cuối tuần, thú cưng ở Nhật Bản đều được hưởng cuộc sống tốt nhất mà cha mẹ chúng có thể chi trả được.
Quán cà phê mèo, spa cho chó và nhà hàng cho phép thú cưng ngồi chung bàn và ăn cùng những người còn lại trong gia đình đã phát triển bùng nổ kể từ năm 2004. Một số thú cưng ở Nhật Bản thậm chí còn có tủ đựng đồ sang trọng với những bộ quần áo thời trang cao cấp từ Chanel đến Gucci được thiết kế dành riêng cho chúng.
Thậm chí vào ngày Shichi-go-san - Ngày lễ trẻ em tại Nhật, nhiều người cũng sẽ mang thú cưng của mình đến những ngôi đền để được cầu phước lành.
Bên cạnh đó, thú cưng cũng có thể giúp giảm bớt căng thẳng nên những chú chó trị liệu đóng vai trò quan trọng để giúp đỡ người khuyết tật, an ủi người bệnh và trở thành bạn của những người lớn tuổi.
Tang lễ dành cho thú cưng
Một báo cáo được Reuters công bố năm 2017 cho biết, tại Nhật Bản, những người theo Phật giáo thường chi số tiền rất lớn cho tang lễ của thú cưng với nhiều loại nghi thức: cơ bản, trung cấp và cao cấp, tùy theo chi phí mà chủ nhân của chúng có thể chi trả.
Thú cưng ngày nay được nhiều người coi là thành viên chính thức của gia đình, có địa vị như mọi thành viên khác. Chính vì thế ngày càng nhiều người chủ cảm thấy buộc phải thực hiện các nghi thức để tang thích hợp khi thú cưng yêu quý của họ qua đời.
Các ngôi chùa Phật giáo ở những thành phố lớn ngày càng nhận được nhiều yêu cầu từ gia chủ muốn thực hiện các nghi lễ tưởng niệm cho thú cưng đã qua đời.
Ngành công nghiệp thú cưng ở Việt Nam phát triển mạnh mẽ
Như một xu thế chung, không chỉ Nhật Bản mà ngày càng có nhiều quốc gia nơi người dân dành thời gian của mình cho thú cưng, phát triển nhanh nhất là khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Trong giai đoạn 2016-2021, số lượng thú cưng tại Việt Nam đã tăng từ 21 triệu lên 27 triệu con. Riêng với chó và mèo, có khoảng 11,8 triệu con vào năm 2023. Dự kiến năm 2027, con số này sẽ tăng lên 16 triệu.
Đối tượng nuôi thú cưng nhiều nhất ở Việt Nam thuộc thế hệ trẻ năng động, việc nuôi thú cưng là cách họ làm cho đời sống tinh thần trở nên phong phú hơn và dần xem chúng như người thân trong gia đình. Từ đó, nhu cầu với các dịch vụ liên quan đến thú cưng cũng tăng cao như: thực phẩm, spa, massage, cắt tỉa lông cho thú cưng, trang phục… Trong đó, chi phí dành cho mua đồ ăn chiếm 77% và tỷ lệ dành cho đồ dùng phụ kiện, chăm sóc là 23%.
Theo báo cáo của Pet Fair Asia, doanh số ngành chăm sóc thú cưng tại khu vực Đông Nam Á đạt 4 tỷ USD, trong đó Việt Nam chiếm 13% tức là khoảng 500 triệu USD.
Không chỉ chăm lo cho những “người bạn” khi còn sống, mà dịch vụ mai táng dành cho thú cưng cũng dần phát triển tại Việt Nam trong thời gian gần đây, từ dịch vụ cơ bản như ở nghĩa trang Bình Hưng Hòa (Tp. Hồ Chí Minh), đến các dịch vụ tư nhân, chăm sóc cơ thể, thực hiện các nghi lễ cho thú cưng khi qua đời như một con người.
Tạm kết
Trong tương lai, có lẽ thị trường thú cưng toàn cầu cũng sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh, đi kèm với nhiều dịch vụ “độc – lạ” dành cho thú cưng. Tuy nhiên, dù không phải là con người nhưng thú cưng cũng là một sinh vật sống. Vì thế khi nhận nuôi bất kì con vật nào, bạn cần có trách nhiệm và chăm sóc chúng. Đừng vì chạy theo xu hướng, “cả thèm chóng chán” mà bỏ rơi vật nuôi của mình hay lợi dụng chúng cho mục đích tư lợi của cá nhân.
kilala.vn
Đăng nhập tài khoản để bình luận