
Thiếu hụt điều dưỡng tại Nhật Bản: cung giảm, cầu tăng, lương chưa tương xứng
Theo khảo sát của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, số lượng nhân viên chăm sóc điều dưỡng trên toàn nước này chỉ còn 2,126 triệu trong năm tài khóa 2023, giảm 28.000 so với một năm trước đó, đánh dấu lần suy giảm đầu tiên kể từ khi hệ thống bảo hiểm chăm sóc dài hạn ra đời vào năm 2000.
Chính phủ sẽ bắt đầu triển khai chương trình trợ cấp vào cuối tháng này, cụ thể: 1,5 triệu yên cho các doanh nghiệp có từ năm nhân viên trở xuống hoặc thực hiện ít hơn 200 lượt thăm khám tại nhà mỗi tháng; 2 triệu yên cho các doanh nghiệp ở vùng núi hoặc hải đảo xa xôi.
Khoản trợ cấp này có thể được sử dụng cho các chi phí liên quan đến việc tái cơ cấu, tuyển dụng nhân viên, đào tạo chung và xây dựng các chương trình mua hàng theo nhóm cho các vật tư như khẩu trang, găng tay.
Thiếu hụt người chăm sóc tại nhà
Lực lượng nhân viên chăm sóc người cao tuổi tại nhà đang thiếu hụt nghiêm trọng. Chính phủ Nhật Bản sẽ tăng cường các biện pháp để ngăn chặn tình trạng những người trong độ tuổi lao động phải nghỉ việc để chăm sóc cha mẹ.
“Sẽ rất khó khăn khi sống ở nhà nếu không có người chăm sóc”, một phụ nữ 88 tuổi đang chăm sóc người chồng phải dùng xe lăn, 90 tuổi, ở phường Toshima, Tokyo chia sẻ.
Hai lần một tuần sẽ có một nhân viên chăm sóc từ Carefriend Toshima đến giúp chồng bà tắm rửa, dọn dẹp phòng khách và phòng tắm.

Năm ngoái, Nhật Bản công bố sẽ cần 2,72 triệu nhân viên chăm sóc trong năm tài khóa 2040 để đảm bảo mọi người có thể tiếp tục sống trong môi trường quen thuộc ngay cả khi họ cần được chăm sóc. Mục tiêu này có thể đạt được nếu số lượng nhân viên chăm sóc tăng thêm 30.000 mỗi năm từ năm tài khóa 2022.
Tuy nhiên, thực tế lại khác biệt. Số lượng nhân viên chăm sóc đã giảm 28.000 người trong năm tài khóa 2023 so với năm trước đó, và số lượng nhân viên chăm sóc tại nhà đã giảm 8.500 người, xuống còn khoảng 500.000 người, giảm hơn 20.000 người so với năm tài khóa 2018.
Ngành này thu hút ít ứng viên. Tỉ lệ việc làm trên ứng viên trong ngành là 4,07 vào năm tài khóa 2023, vượt mức trung bình 1,17 của tất cả các ngành. Tỉ lệ đối với nhân viên chăm sóc tại nhà thậm chí còn cao hơn, ở mức 14,14 việc làm trên mỗi ứng viên.
“Người trẻ không tham gia vào ngành này. Những người ở độ tuổi 70 và 80, những người sắp nghỉ hưu, hiện đang là lực lượng chính hỗ trợ người cao tuổi”, chủ tịch Carefriend Toshima cho biết.
Mức lương thấp
Nguyên nhân sâu xa của tình trạng thiếu hụt này là mức lương thấp so với khối lượng công việc nặng nhọc.
Một cuộc khảo sát của Nghiệp đoàn Dịch vụ Chăm sóc Nippon có trụ sở tại Tokyo cho thấy mức lương hằng tháng của nhân viên chăm sóc thấp hơn mức trung bình của tất cả các ngành nghề khác hơn 60.000 yên.
Việc nhân viên lớn tuổi nghỉ hưu và số lượng ứng viên trẻ giảm sút là những yếu tố góp phần dẫn đến tình trạng thiếu hụt nhân lực trong ngành.
“Trong bối cảnh cạnh tranh nhân lực với các ngành khác, ngành điều dưỡng không duy trì được lợi thế về lương và các khía cạnh khác. Thực tế rất khắc nghiệt”, một quan chức cấp cao của Bộ Y tế nhận định.
Tình hình càng trở nên trầm trọng hơn khi giá dịch vụ hỗ trợ tại nhà giảm do chính phủ điều chỉnh phí chăm sóc điều dưỡng trong năm tài khóa 2024.

Co-op Aichi, một hợp tác xã tiêu dùng ở Nagoya, chứng kiến lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chăm sóc tại nhà giảm đáng kể trong giai đoạn tháng 4 đến tháng 12 năm 2024 so với cùng kì năm trước, từ 20,49 triệu yên xuống còn 7,24 triệu yên.
Với chi phí xăng dầu và tiện ích ngày càng tăng cao, một trưởng phòng của Co-op Aichi cho biết: “Chúng tôi không đủ khả năng chi trả chi phí tuyển dụng và giữ chân nhân viên”.
Hợp tác xã này không thể bù đắp được tình trạng thiếu hụt nhân lực, dẫn đến việc nhân viên được cử đến nhà người cần chăm sóc với tần suất chỉ bằng một nửa so với mong muốn của khách hàng.
Nhiều doanh nghiệp đơn giản là phải đóng cửa. Năm 2024 ghi nhận kỉ lục 784 nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc điều dưỡng đã phá sản, đình chỉ hoạt động hoặc giải thể, trong đó các nhà cung cấp dịch vụ hỗ trợ tại nhà chiếm 529 đơn vị, tương đương 2/3, theo Tokyo Shoko Research, Ltd.
Vấn đề không chỉ là người cao tuổi gặp khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ cần thiết. Một khảo sát của chính phủ cho thấy 106.000 người đã nghỉ việc vào năm 2022 do khó khăn trong việc cân bằng giữa công việc và chăm sóc cha mẹ, và một nửa trong số họ đang ở độ tuổi lao động chính (40 và 50). Chính phủ ước tính tổn thất kinh tế liên quan đến mất việc làm hoặc gánh nặng về thể chất và tinh thần sẽ lên tới hơn 9 nghìn tỷ yên mỗi năm vào năm 2030.
kilala.vn
Nguồn: japannews.yomiuri.co.jp
Đăng nhập tài khoản để bình luận