Phủ xanh đô thị với phương pháp trồng rừng Miyawaki

    Với kỹ thuật trồng rừng Miyawaki, từ một vùng đất không có thảm thực vật, chỉ khoảng sau 2 thập kỷ sẽ có thể lột xác thành khu rừng nguyên sinh với những cây cao đến 20m.

    Quá trình khai thác đô thị diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu khiến cho diện tích rừng ngày càng thu hẹp. Với mong ước khôi phục những cánh rừng xanh ngay tại các khu đô thị, nhà sinh thái học thực vật nổi tiếng người Nhật - Miyawaki Akira đã tìm ra một phương pháp trồng rừng đầy sáng tạo và hiệu quả.  

    trồng rừng theo phương pháp Miyawaki
    Trồng rừng đô thị theo kỹ thuật Miyawaki. Ảnh: Nippon

    Phương pháp Miyawaki với cách tiếp cận đột phá trong trồng rừng đã thu hút sự chú ý trên toàn cầu bởi khả năng kiến tạo nhanh chóng những thành phố “xanh”. Phương pháp này mô phỏng các chu trình tự nhiên để tạo lập nên hệ sinh thái rừng đa dạng, từ đó giúp tái lập những khu rừng nguyên sinh chỉ trong vòng vài thập kỷ. 

    Hiện nay, Nhật Bản đang ghi nhận diện tích đất rừng tăng lên, là kết quả của công tác quản lý chặt chẽ cùng với việc những khu rừng thứ sinh ở các cộng đồng nông nghiệp bị bỏ lại có cơ hội phát triển rậm rạp khi dân số tại nông thôn giảm dần. Mặc khác, không gian xanh ở các thành phố vẫn tiếp tục suy giảm khi đô thị được mở rộng. Lúc này, chính phương pháp trồng rừng Miyawaki đã trở thành cứu cánh cho nhiều thành phố ở Nhật Bản.

    "Cha đẻ" của phương pháp trồng rừng Miyawaki

    Từng là Giáo sư danh dự tại Đại học Quốc gia Yokohama, cựu Chủ tịch Hiệp hội Sinh thái quốc tế, ông Miyawaki Akira vẫn luôn kiên định ủng hộ việc khôi phục rừng bản địa cho các khu vực đô thị tận đến khi ông qua đời vào tháng 07/2021, hưởng thọ 93 tuổi. 

    Miyawaki Akira
    Ông Miyawaki Akira, cha đẻ của phương pháp trồng rừng đô thị Miyawaki. Ảnh: afforestt.com

    Ông phát triển phương pháp trồng rừng đô thị dựa trên dữ liệu nghiên cứu "khổng lồ" về thực vật tại Nhật Bản và những nơi khác, về sau được tổng hợp thành bộ sách "Nihon Shokusei shi" (Thực vật Nhật Bản) gồm 10 tập.

    Nhà sinh thái học Miyawaki áp dụng phương pháp của mình lần đầu tiên vào năm 1972 để trồng một khu rừng tại nhà máy của Tập đoàn thép Nippon ở tỉnh Oita. Sau đó, phương pháp này đã được ứng dụng ở nhiều nơi khác trên khắp nước Nhật. 

    Sau dự án mở màn này, Miyawaki đã xuất bản một tài liệu có tầm ảnh hưởng lớn vào năm 1974 cho những cơ sở giáo dục tại Nhật Bản, phác thảo nên cách tiếp cận của ông là tập trung vào khôi phục các khu rừng nguyên sinh. 

    trồng rừng theo phương pháp Miyawaki 1
    Các em nhỏ cũng có thể tham gia vào dự án trồng rừng Miyawaki. Ảnh: abmori.com

    Tiếp đó, vào năm 1976, ông mang phương pháp này để tạo nên một khu rừng khác nằm trong khuôn viên Đại học Quốc gia Yokohama, tỉnh Kanagawa. Địa điểm trồng rừng ở trường Đại học này là một bờ kè rộng 2-3m bị các loài cỏ dại xâm lấn. Theo phương pháp của Miyawaki, một lớp đất được phủ lên và nhiều loại cây được trồng như cây dẻ gai, cây quế và cây sồi. Sau 3 năm, các cây đã vươn lên đạt chiều cao 3m. Và sau một thập kỷ, chúng đã cao đến 10m. 

    các bước trồng rừng ở đại học Yokohama
    Quá trình trồng rừng Miyawaki ở Đại học Quốc gia Yokohama. Ảnh: Nippon

    Ngay từ khi bắt đầu thành hình, kỹ thuật trồng rừng của Miyawaki đã được nhiều chuyên gia tại Nhật và nước ngoài đặc biệt quan tâm. Họ nghiên cứu và trình bày những kết quả mà phương pháp này thu được trên sách báo và nhiều ấn phẩm khác, xây dựng nên nguồn tài liệu dồi dào.

    Gần đây, một báo cáo về phương pháp Miyawaki cũng đã được công bố bởi Viện Chiến lược môi trường toàn cầu Nhật Bản về Nghiên cứu sinh thái quốc tế, nơi ông Miyawaki từng đảm nhiệm vị trí giám đốc trong nhiều năm liền. 

    Nửa thế kỷ trôi qua, phương pháp của Miyawaki đã được áp dụng trên toàn cầu. Tính đến nay, có 900 dự án ở Nhật Bản sử dụng kỹ thuật này, bao gồm dự án tái lập rừng phòng hộ ven biển bị tàn phá bởi thảm họa kép động đất, sóng thần năm 2011, cũng như hơn 300 nỗ lực trồng rừng ở những vùng xa xôi như Đông Nam Á, Amazon, Chile và Trung Quốc. 

    Trồng rừng nhanh chóng nhờ kỹ thuật Miyawaki 

    Phương pháp Miyawaki tiên phong trong việc sử dụng số lượng lớn các loài bản địa và trồng cây với mật độ dày đặc. Điều này mô phỏng sự phân bố tự nhiên của các loài thực vật trong rừng nguyên sinh, cho phép các quần xã sinh vật phát triển và sinh trưởng nhanh hơn so với trồng rừng truyền thống. Dưới đây là các bước chính trong phương pháp Miyawaki. 

    Chọn các loài bản địa 

    Cốt lõi của kỹ thuật Miyawaki là quá trình chọn lọc các loài bản địa thích hợp nhất cho hệ sinh thái địa phương. 

    Trong hầu hết các trường hợp, chính quyền thành phố sẽ cần đến nhiều nơi để xác định loài thực vật bản địa, chẳng hạn khảo sát những cây cổ thụ khổng lồ tại các khu rừng thiêng (Chinju no Mori) ở đền thờ. Hoặc tìm kiếm từ rừng thứ sinh ở vùng nông thôn, nơi ghi nhận sự phát triển trở lại của các loài cây thường xanh lá rộng như sồi bản địa và cây dẻ gai. 

    rừng thiêng Chinju-no-mori
    Rừng thiêng Chinju no Mori. Ảnh: ies.bio

    Tuy nhiên, sự khác biệt trong điều kiện thời tiết, địa hình và thổ nhưỡng tại khu vực khảo sát và nơi trồng rừng cần phải được xem xét kỹ lưỡng lúc chọn giống cây, cũng như cần đảm bảo sự đa dạng của thực vật bản địa tới 40 loài để tạo ra các tầng rừng khác nhau.  

    Lựa chọn hạt giống 

    Một khía cạnh khác cũng quan trọng không kém trong phương pháp Miyawaki chính là tập trung lưu trữ những giống bản địa. Thay vì đặt mua cây con ở những vườn ươm xa xôi, cây nên được trồng bằng hạt giống thu thập từ cây trưởng thành ở gần địa điểm khôi phục rừng nguyên sinh. 

    Những cây cổ thụ thuộc giống cây quế, dẻ gai và sồi có rất nhiều ở vùng nông thôn và là nguồn hạt giống tuyệt vời để khai thác. Đừng quên hợp tác với những vườn ươm địa phương. Tuy vậy, cần có hướng dẫn nghiêm ngặt để ngăn chặn việc vô tình du nhập các loài có quan hệ họ hàng tại cùng một địa điểm, nhằm đảm bảo tính toàn vẹn về mặt di truyền của một khu rừng. 

    Trồng cây con 

    Ngay khi các hạt giống được thu thập, chúng cần được đặt trong các khay để nảy mầm. Sau đó, những mầm non này được chuyển sang chậu nhựa và chăm sóc cho đến khi đạt kích thước có thể đem trồng. 

    trồng cây con
    Các công đoạn trồng cây con. Ảnh: Nippon

    Khi trồng một khu rừng theo phương pháp Miyawaki, lựa chọn cây con có bọc rễ khỏe mạnh là vô cùng cần thiết bởi chúng sẽ có cơ hội sống sót cao hơn và nhanh chóng phát triển thành cây trưởng thành. 

    Để chuẩn bị số lượng cây con cần thiết, có hai lựa chính dành cho người trồng. Thứ nhất, các nhà quy hoạch có thể làm việc với vườn ươm địa phương để mua hoặc trồng cây con; thứ hai là phối hợp với những nhóm trồng các giống cây khác nhau như một nỗ lực nâng cao nhận thức về môi trường. Các cá nhân có thể tự mình tham gia trồng một lượng cây con nhỏ tùy vào khả năng của bản thân. Sau đó, dùng túi lưới đựng cây con để chuyển đến địa điểm trồng rừng. 

    Tổ chức “lễ hội trồng rừng” 

    Việc trồng cây trên các bờ kè đã được gia cố giúp làm giàu và bảo vệ đất, cũng như trữ nước. Khu vực trồng cây được chia thành các ô có diện tích 1m2 và trên đó trồng từ ba loại cây khác nhau. Thông thường các cây con ba năm tuổi cao khoảng 50cm sẽ được trồng. 

    Quá trình trồng cây khá đơn giản, chủ yếu gồm công đoạn đào hố bằng xẻng rồi đặt cây con vào, nên rất dễ phối hợp nhịp nhàng theo nhóm. 

    trồng rừng ở bờ kè
    Trồng rừng Miyawaki ở bờ đê. Ảnh: Nippon 

    Với các dự án trồng rừng lớn, người điều hành có thể tổ chức như một hoạt động của địa phương để nâng cao nhận thức về môi trường với sự giúp đỡ của các tình nguyện viên trong vùng. 

    Điển hình như tại một lễ hội trồng cây để khôi phục rừng ven biển bị phá hủy bởi sóng thần ở Iwanuma, tỉnh Miyagi, 10.000 tình nguyện viên đã cùng nhau trồng 100.000 cây con trong một ngày trên khu đất rộng 50mx100m. 

    Các sự kiện trồng rừng giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng về các vấn đề môi trường và rất thích hợp với trẻ nhỏ, giúp các em bắt đầu quan tâm đến những dự án tương tự. Đây cũng là dịp gặp gỡ của những người có cùng mục tiêu trồng rừng. 

    Những khu rừng trẻ 

    Ngay khi được trồng, cây con mọc san sát nhau sẽ cạnh tranh với các cây gần bên để giành lấy tài nguyên sẵn có, thúc đẩy chúng phát triển nhanh chóng. 

    Một địa điểm mới được trồng cần được chăm sóc kỹ lưỡng trong vài năm đầu, bao gồm thường xuyên tưới nước và phủ thêm một lớp rơm rạ để kiểm soát cỏ dại. 

    rừng Miyawaki ở nhà máy nhiệt điện Higashi-Ogishima
    Rừng Miyawaki tại nhà máy nhiệt điện Higashi-Ogishima của Công ty Điện lực Tokyo tại tỉnh Kanagawa đã phát triển rậm rạp kể từ khi được trồng vào thập niên 80 của thế kỷ 20. Ảnh: Nippon

    Sau 3-5 năm, khu rừng sẽ tự mình phát triển khi các cây đạt đến kích thước có thể ngăn ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp xuống mặt đất. Lúc này, các hoạt động can thiệp của con người như ngăn cỏ dại là không cần thiết. 

    Rừng Miyawaki sẽ phát triển rất nhanh và cao thêm 1m mỗi năm. Chỉ trong vòng một thập kỷ, từ một khu vực không có thực vật sẽ biến thành khu rừng nguyên sinh với các cây cao đến 10m. Và trong thập kỷ tiếp theo, rừng có thể phát triển toàn diện với các thảm thực vật bản địa xâm chiếm các tầng rừng khác nhau, bao gồm những tán cây cao 20m trở lên hướng lên bầu trời. 

    kilala.vn

    Mục tiêu phát triển bền vững (Sustainable Development Goals – SDGs), còn được gọi là Mục tiêu toàn cầu, được Liên hợp quốc (LHQ) thông qua vào năm 2015 như một lời kêu gọi hành động để chấm dứt đói nghèo, bảo vệ hành tinh và đảm bảo rằng tất cả mọi người được hưởng hòa bình và thịnh vượng vào năm 2030 ở mỗi quốc gia thành viên (LHQ). SDGs được thiết kế để chấm dứt nghèo đói, AIDS và phân biệt đối xử đối với phụ nữ và trẻ em gái.

    Các SDGs dựa trên sáu chủ đề bao gồm: nhân phẩm, con người, hành tinh, quan hệ đối tác, công lý và thịnh vượng. Bao gồm 17 mục tiêu, được xác định bởi 169 mục tiêu cụ thể và 232 chỉ tiêu.
    SDGs

    16/02/2023

    Bài: Rin
    Nguồn: Nippon

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!