Những nỗ lực quan tâm tới phụ nữ bị sẩy thai của chính phủ Nhật
Với tỷ lệ phụ nữ kết hôn muộn tại Nhật Bản ngày càng tăng, số người gặp phải rối loạn lo âu, trầm cảm sau khi trải qua việc bị sẩy thai hoặc thai chết lưu trong thai kỳ cũng ngày một nhiều thêm. Nhiều phụ nữ đã tìm đến chính quyền địa phương để tiếp nhận tư vấn về vấn đề này.
Khi số lượng những cuộc tham vấn tăng lên, các thành phố ở Nhật cũng tiến hành những chương trình chăm sóc sức khỏe tinh thần. Được sự ủng hộ của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi, vào tháng 3/2022, họ đã kết hợp với một nhóm nghiên cứu gồm các chuyên gia để biên soạn một quyển sổ tay dành cho chính quyền địa phương và các tổ chức y tế.
Văn phòng tư vấn về vô sinh tại Bệnh viện Đại học Okayama thường xuyên nhận được yêu cầu tư vấn từ những phụ nữ trầm cảm. Một số người nói họ không thể thở được hoặc không có người để chia sẻ khi đột nhiên nhắc về nỗi đau mất con.
Mikiya Nakatsuka, Giáo sư về Y học sinh sản tại đây cảm thấy cần quan tâm tới những phụ nữ như vậy và bắt đầu nghiên cứu.
Năm 2004, chính quyền tỉnh Okayama đã thành lập văn phòng hỗ trợ sức khỏe tinh thần. Văn phòng có các hộ sinh, nhà trị liệu tâm lý lâm sàng, người cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tinh thần khác, người tư vấn trực tiếp hoặc qua điện thoại cho những ai có nhu cầu. Vô số yêu cầu tư vấn đến từ những người trong và ngoài tỉnh, kể cả những người nước ngoài.
Năm 2021, tuổi trung bình của các bà mẹ ở Nhật Bản khi sinh con đầu lòng là 30,9, tăng gần 4 tuổi so với độ tuổi 26,4 vào năm 1980.
Theo Hiệp hội Sản Phụ khoa Nhật Bản, vào năm 2019, tỷ lệ sẩy thai lần lượt là 14-17% đối với phụ nữ từ 26-30 tuổi; 21% ở tuổi 35; 33% ở tuổi 40 và 60% ở độ tuổi 45. Như vậy có thể thấy, nguy cơ sẩy thai tăng lên theo độ tuổi.
Giáo sư Nakatsuka cho biết, những phụ nữ phải chịu đựng cảm giác đau khổ do bị sẩy thai hoặc thai chết lưu ngày càng gia tăng do độ tuổi sinh đẻ trung bình tăng. Mặc dù có nhiều nguyên nhân khác dẫn đến vô sinh kèm theo sẩy thai hoặc thai chết lưu nhiều lần, chẳng hạn như hình dạng của tử cung, nhiễm sắc thể bất thường ở một trong hai bố mẹ hoặc các bệnh về nội tạng.
Vậy nhưng trong nhiều trường hợp, phụ nữ bị sẩy thai hoặc thai chết lưu nhiều lần lại tự đổ lỗi cho bản thân sau khi nhận tin dữ. Bên cạnh đó, những nhận xét thiếu tế nhị của các thành viên trong gia đình hoặc người xung quanh cũng khiến những người phụ nữ này tự trách bản thân và trở nên trầm cảm.
Bộ Y tế đã chỉ thị cho các chính quyền địa phương vào tháng 5 năm 2021 cung cấp "dịch vụ chăm sóc sức khỏe tinh thần" cho những phụ nữ như vậy như một phần của hỗ trợ điều trị vô sinh.
Theo các chuyên gia, nếu một em bé chết sau khi ở trong bụng mẹ 22 tuần, chuyển dạ có can thiệp sẽ gây ra rất nhiều đau đớn về thể chất lẫn tinh thần cho người phụ nữ.
Cuốn sổ tay do Bộ Y tế soạn thảo kêu gọi những hộ sinh và các nhân viên khác lắng nghe người mẹ và gia đình cô ấy trước khi lấy thai ra về cách họ muốn nói lời tạm biệt, chẳng hạn như mặc đồ cho thai nhi theo nghi lễ.
Midori Takao, một hộ sinh tại văn phòng tư vấn Bệnh viện Đại học Okayama, cho biết, các bà mẹ thường cảm thấy hối tiếc vì đã không chụp ảnh hoặc lấy dấu chân của con mình.
Vì lý do này, có những trường hợp bệnh viện sẽ chụp ảnh thai chết lưu và lưu lại trong một thời gian cố định, ngay cả khi người mẹ không yêu cầu như vậy.
Chính quyền tỉnh Oita cũng đã thành lập một trung tâm tư vấn về vô sinh ở thành phố Oita, nơi để các hộ sinh và nhân viên hỗ trợ các bà mẹ. Trung tâm đã nhận được yêu cầu tư vấn liên quan đến sẩy thai hoặc thai chết lưu từ 27 người vào năm 2020 và 46 người vào năm 2021.
Trong năm tài chính 2020, chính quyền tỉnh đã bổ sung nội dung về hỗ trợ cho những phụ nữ bị sẩy thai hoặc thai chết lưu vào chương trình đào tạo cho các y tá công. Trong năm tài chính 2022, chương trình đang tập trung vào các phương pháp chăm sóc cụ thể.
Xem thêm: Các công ty Nhật có phúc lợi tốt cho phụ nữ
kilala.vn
13/08/2022
Bài: Happy
Nguồn: Kyodo News
Ảnh: Kyodo
Đăng nhập tài khoản để bình luận