Lừa đảo chiếm đoạt SIM gia tăng ở Nhật
Nhiều số điện thoại đang hoạt động nhưng đã bị chiếm đoạt và sử dụng sai mục đích trong những năm gần đây.
Vào một buổi chiều tháng 07/2022, Ryuji Tanigawa, chủ doanh nghiệp vận tải cảng ở Kobe, nhận thấy rằng ông không thể gọi điện thoại được nữa. Ông đến một cửa hàng điện thoại di động gần nơi làm việc của mình và nhận được thông tin rằng một người nào đó ở thành phố Nagaokakyo thuộc tỉnh Kyoto, cách xa nơi ông ở, đã hủy hợp đồng và chuyển số của ông sang một nhà mạng khác.
Linh cảm không lành, Tanigawa kiểm tra tài khoản ngân hàng trực tuyến của mình và phát hiện khoảng 10 triệu yên đã được chuyển cho một người mà ông không hề quen biết. Trong các cuộc điều tra của cảnh sát, người ta nghi ngờ rằng một tổ chức tội phạm đã chiếm đoạt số điện thoại di động của ông.
Tanigawa không phải là trường hợp cá biệt, nhiều nạn nhân thông báo rằng đột nhiên họ nhận thấy điện thoại của họ không thể kết nối được. Khi liên hệ với công ty mạng di động thì nhận được thông báo rằng SIM của họ đã được cấp lại cho người khác, hoặc số đã được chuyển qua nhà mạng khác.
Lúc đó họ mới nhận ra rằng những kẻ lừa đảo đã rút số tiền lớn từ tài khoản ngân hàng của mình. Trong một trường hợp, vụ mất tiền được báo cáo chỉ xảy ra khoảng 15 phút sau khi số của một nạn nhân bị chiếm đoạt.
Nhưng làm thế nào mà số của ai đó có thể bị chiếm đoạt khi họ mang theo điện thoại bên mình? Quy trình diễn ra như sau: Đầu tiên, kẻ lừa đảo gửi tin nhắn văn bản đến điện thoại của người đó, dẫn họ đến một trang web lừa đảo giả mạo để lấy cắp thông tin cá nhân. Thông tin đó sau đó được sử dụng làm ID giả để báo cáo rằng người đó đã làm mất điện thoại để được phép cấp thẻ SIM mới và hủy hợp đồng để chuyển sang nhà mạng khác.
SIM thu được bất hợp pháp sau đó được lắp vào điện thoại thông minh do nhóm tội phạm nắm giữ. Với số điện thoại di động bị chiếm đoạt, kết nối di động của nạn nhân bị cắt. Sau đó, kẻ lừa đảo đăng nhập vào tài khoản ngân hàng trực tuyến của nạn nhân.
Tanigawa, một nạn nhân của những thủ đoạn như vậy, chia sẻ: "Ban đầu tôi tự hỏi việc lấy số điện thoại của mình sẽ có ích lợi gì. Khi bị lừa, tôi thậm chí còn chưa nghe đến thuật ngữ lừa đảo hoán đổi SIM”.
Các tổ chức tài chính đặt "mật khẩu dùng một lần – mã OTP" trong một thời gian giới hạn để ngăn chặn lừa đảo. Nhưng nếu mật khẩu dùng một lần được đặt để gửi qua tin nhắn văn bản, thì điện thoại trong tay của nhóm tội phạm sẽ nhận được mật khẩu đó.
Trong trường hợp một phụ nữ thất nghiệp ở tỉnh Tochigi bị Sở cảnh sát đô thị (MPD) bắt giữ vào tháng 5 vì nghi ngờ lừa đảo, tiền của nạn nhân đã được chuyển bất hợp pháp chỉ trong 15 phút. Người phụ nữ này bị nghi ngờ đã nhận thẻ SIM và chuyển tiền bất hợp pháp, đồng thời trò chuyện với một kẻ lừa đảo khác để đưa ra hướng dẫn thông qua ứng dụng liên lạc Telegram. Một nhân viên điều tra giải thích: "Đây có thể là tiền được chuyển trước khi nạn nhân nhận ra".
Có 25 người trở thành nạn nhân của các vụ chuyển tiền bất hợp pháp dường như liên quan đến cùng một phụ nữ. Các nạn nhân đều không có mối quan hệ với nhau, họ sinh sống ở nhiều nơi từ Hokkaido, đến các vùng Kansai và Chugoku. Người phụ nữ được cho là đã nhận được 1,2 triệu yên trong khoảng thời gian 3 tháng rưỡi từ hành vi lừa đảo của mình.
Daiji Ushiro - nhân viên an ninh mạng tại công ty bảo mật Check Point Software Technologies Ltd., có trụ sở tại phường Minato của Tokyo, cho biết đã có báo cáo về các vụ lừa đảo hoán đổi SIM như vậy trên khắp thế giới kể từ khoảng năm 2016. Chúng dường như đã lan tràn ở Châu Phi và Đông Nam Á, nơi bảo mật trực tuyến không đủ mạnh. Tại Hoa Kỳ, chỉ riêng trong năm 2022 đã có 2.026 trường hợp, với tổng thiệt hại khoảng 72 triệu đô la và FBI đã phải lên tiếng cảnh báo người dân.
Vậy mọi người có thể làm gì để tự bảo vệ mình khỏi những trò gian lận hoán đổi SIM? Vào tháng 07/2022, Check Point Software Technologies đã công bố ba biện pháp đối phó. Hai điều đầu tiên liên quan đến việc ngăn chặn rò rỉ thông tin thông qua lừa đảo:
Đầu tiên, khi truy cập một trang web trên internet, hãy kiểm tra đường link và các thông tin khác, đảm bảo rằng đó là trang chính thức.
Thứ hai, không mở các liên kết hoặc tệp đính kèm trong các email đáng ngờ. Theo Hội đồng chống lừa đảo Nhật Bản, số lượng báo cáo lừa đảo vào năm 2022 lên tới 968.832 - gấp 17 lần so với con số được đưa ra vào năm 2019.
Biện pháp đối phó thứ ba là liên hệ ngay với cảnh sát hoặc công ty viễn thông nếu điện thoại di động của một người đột nhiên ngừng kết nối.
Ngoài ra một số ngân hàng đã đề ra biện pháp hạn chế việc chiếm dụng tiền bất hợp pháp thông qua việc cung cấp mã OTP gửi đến một ứng dụng hoặc thiết bị chuyên dụng thay vì qua tin nhắn văn bản trên điện thoại. Ushiro cho biết “Điều này bất tiện hơn tin nhắn văn bản, nhưng mang tính bảo mật cao hơn”.
Các công ty viễn thông cũng được kêu gọi ngăn chặn tình trạng mạo danh khách hàng tại các cửa hàng. Tanigawa nhận xét: "Trước khi SIM mới được cấp, nạn nhân vẫn có thể nhận cuộc gọi. Họ nên liên hệ đến người đang sở hữu SIM một lần trước khi làm thủ tục và xác nhận rằng đó là người có nhu cầu thay đổi SIM thực tế”.
kilala.vn
06/06/2023
Nguồn: Mainichi
Đăng nhập tài khoản để bình luận