NỘI DUNG BÀI VIẾT

    Kyoiku mama - Nỗi ám ảnh từ những "bà mẹ giáo dục"

    Việc thúc ép con cái học hành và kiểm soát quá mức của những Kyoiku mama trở thành nỗi ám ảnh của nhiều trẻ em và thanh thiếu niên, gây nên những tổn thương tâm lý và thể chất nghiêm trọng. 

    Kyoiku mama là gì?

    Kyoiku mama (教育ママ) dịch theo nghĩa đen là “người mẹ giáo dục”. Đây là một thuật ngữ thể hiện sự cực đoan trong việc nuôi dạy con cái, trong đó các bà mẹ vì quá muốn con mình vào được một ngôi trường tốt (hoặc công ty tốt) mà đặt ra những kỳ vọng vô lý, không ngừng tạo áp lực buộc con cái học hành.

    Điều này gây phương hại đến sự phát triển thể chất, xã hội cũng như cảm xúc của đứa trẻ, và cũng là nguyên nhân dẫn đến một số vụ tự tử ở thanh thiếu niên từng được ghi nhận.

    kyoiku-mama-la-gi
    Ảnh: Pixta

    Nguồn gốc ra đời

    Thuật ngữ Kyoiku mama ra đời vào khoảng đầu thập niên 60. Thời điểm đó, nhiều ông bố làm việc cật lực như những chiến binh trong thời kỳ kinh tế Nhật tăng trưởng cao, vì vậy mà trách nhiệm giáo dục con cái chủ yếu thuộc về các bà mẹ.

    Bấy giờ, đa phần phụ nữ Nhật làm nội trợ toàn thời gian sau khi kết hôn. Họ được kỳ vọng sẽ là một lương thê hiền mẫu và đóng vai trò quan trọng nhất trong việc nuôi dạy con trở thành một người thành đạt. Các bà mẹ nỗ lực hết sức để khiến đứa trẻ, đặc biệt là con trai, vượt qua các kỳ thi cần thiết để vào được trung học, đại học.

    Kyoiku mama hầu hết tồn tại ở tầng lớp trung lưu thành thị, bởi điều quan trọng đối với những bà mẹ này là phải nâng cao địa vị của con mình trong xã hội và không đánh mất địa vị hiện có. Trái lại, các bà mẹ thuộc tầng lớp lao động không mấy tích cực tham gia vào việc giáo dục con.

    Ngày nay, những Kyoiku mama vẫn tồn tại trong xã hội Nhật và biểu hiện thường thấy nhất của họ là cho con đi học từ khi còn quá nhỏ, thúc ép con tham gia nhiều cuộc thi, lớp học ngoại khóa, trung tâm luyện thi khác nhau..., không ngừng tạo những áp lực mà đứa trẻ không gánh vác nổi.

    hoc-sinh-nhat-ban
    Ảnh: Pixta

    Một số thuật ngữ tương tự

    Tiger mom (mẹ hổ): chỉ những bà mẹ nghiêm khắc, kỳ vọng cao, đầu tư rất nhiều để đảm bảo con cái đạt thành tích tốt trong học tập hoặc các hoạt động ngoại khóa như âm nhạc, thể thao. Thuật ngữ này được Giáo sư Amy Chua của Trường Luật Yale nhắc đến trong cuốn hồi ký Battle Hymn of the Tiger Mother năm 2011.

    tiger-parent
    Ảnh: SCMP

    Stage mother (hay stage mom): những người mẹ có xu hướng đòi hỏi đãi ngộ đặc biệt dành cho con mình một cách quá đáng, hoặc tạo áp lực quá mức lên con để buộc chúng thành công, gián tiếp đạt được ước mơ của mình thông qua đứa trẻ.

    Helicopter parent (cha mẹ trực thăng): cha mẹ quá quan tâm, lo lắng về những trải nghiệm và vấn đề của con cái nên sẽ giám sát mọi khía cạnh trong cuộc sống con mình, tựa như một chiếc trực thăng "bay lượn trên đầu" đứa trẻ. Từ này xuất hiện vào năm 1969 trong cuốn sách bán chạy Between Parent & Teenager của Tiến sĩ Haim Ginott.

    Monster parent (cha mẹ quái vật): các bậc cha mẹ nuôi dạy con cái của họ theo "sự pha trộn kỳ lạ giữa chủ nghĩa độc đoán và sự bảo vệ quá mức". Họ thường xuyên can thiệp vào công việc của trường và việc giảng dạy của giáo viên. Thuật ngữ do nhà giáo dục người Nhật Yoichi Mukoyama đặt ra vào năm 2007.

    Hong Kong Kids (hoặc Kong Kids, đứa trẻ Hồng Kông): đề cập đến khuôn mẫu về trẻ em hoặc thanh thiếu niên ở Hồng Kông, được cho là quá phụ thuộc vào gia đình, có trí tuệ cảm xúc thấp và thiếu kỹ năng tự quản lý. Thuật ngữ này được đặt ra vào năm 2009 trong một cuốn sách có tựa đề Kong Kids: The Nightmares for Parents and Teachers.

    Không chỉ là vấn đề của Nhật Bản

    Sự đa dạng của những thuật ngữ liên quan được ra đời ở nhiều quốc gia khác nhau cho thấy “Kyoiku mama” hay việc các bậc phụ huynh (cả cha và mẹ) tạo áp lực học hành cho con cái không phải là điều hiếm. Hiện tượng này đặc biệt đáng báo động ở các quốc gia Châu Á, trong đó có Trung Quốc, Hong Kong, Hàn Quốc và cả Việt Nam.

    Những năm gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng ở Nhật, “ngược đãi giáo dục” (教育虐待) là một thuật ngữ xuất hiện khá thường xuyên, chỉ việc một đứa trẻ bị buộc phải trải qua một nền giáo dục vượt quá những gì tâm trí hoặc cơ thể chúng có thể chịu đựng được.

    cha-me-doc-hai
    Ngược đãi giáo dục là vấn đề xảy ra ở nhiều gia đình trên khắp thế giới. Ảnh: Pixta

    Theo trang NHK, một cuộc khảo sát đã chỉ ra rằng 65% ​​những người bị ngược đãi giáo dục khi còn nhỏ vẫn phải điều trị tâm lý khi trưởng thành. Một số người thậm chí còn được chẩn đoán mắc hội chứng PTSD phức tạp (CPTSD).

    Những hậu quả của việc ngược đãi giáo dục đến con trẻ bao gồm:

    • Mất động lực hoặc hứng thú học tập
    • Suy giảm lòng tự trọng
    • Khó xây dựng quan hệ với người khác
    • Phản ứng chạy trốn (nghỉ học, không ra khỏi phòng, nổi loạn)
    • Bắt nạt, tự hại, phạm tội
    • Tác động xấu đến sức khỏe (rối loạn giấc ngủ, chán ăn, rụng tóc và các vấn đề về tiêu hóa)

    Một sự kiện chấn động dư luận xứ Phù Tang đã xảy ra vào tháng 3/2023: tại một khu dân cư ở thành phố Tosu, tỉnh Saga, một sinh viên đã sát hại cha mẹ để trả thù việc bị ngược đãi. 

    Cụ thể người này khai rằng đã bị cha ép theo học ở trường luyện thi từ khi còn học tiểu học, bị mắng mỏ thậm tệ mỗi khi mắc lỗi. Nếu bị điểm kém, cậu sẽ phải quỳ và nghe cha giáo huấn trong hàng tiếng đồng hồ. Và một năm sau khi thi đậu vào Đại học Kyushu, nam sinh viên đã xuống tay với cha lẫn mẹ, khi bà lao vào can ngăn.

    Trong khi đó, tại xứ tỷ dân, một nghiên cứu do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc thực hiện đã chỉ ra rằng số vụ tự tử ở trẻ em từ 5 đến 14 tuổi đã tăng gần 10% mỗi năm từ 2010 đến 2021. Các nhà nghiên cứu khẳng định sự cạnh tranh gay gắt trong học tập là nguyên nhân quan trọng gây ra đau khổ về tinh thần và làm tăng nguy cơ tự tử ở trẻ em, thanh thiếu niên Trung Quốc.

    Còn ở Việt Nam, có lẽ nhiều người vẫn nhớ đến vụ việc một em học sinh của trường THPT chuyên nổi tiếng tại Hà Nội nhảy xuống từ tầng 28 chung cư vào tháng 4/2022. Theo những gì để lại trong bức thư tuyệt mệnh, cậu cho biết đã chịu nhiều áp lực từ việc học tập cũng như không nhận được sự động viên, cảm thông đúng mực từ phía cha mẹ. Nhiều hôm cậu đã phải học tới tận 3-4 giờ sáng. Không hiếm những vụ việc tương tự vẫn đang xảy ra.

    Theo số liệu trong Báo cáo Nghiên cứu về Sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội của trẻ em và thanh niên tại Việt Nam của UNICEF, tỷ lệ trẻ vị thành niên bị trầm cảm là 26,3%, trẻ có suy nghĩ về cái chết là 6,3%, trẻ lập kế hoạch tự tử là 4,6% và trẻ cố gắng tự tử là 5,8%.

    Theo VTV, tình trạng trẻ vị thành niên ở độ tuổi học sinh gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần đang trở nên phổ biến do nhiều nguyên nhân, trong đó nổi bật có áp lực học tập, nhất là vào mùa thi và áp lực lớn từ kỳ vọng của cha mẹ.

    phu-huynh-truc-thang
    Ảnh: excite.co.jp

    Kyoiku mama có phải luôn xấu?

    Kyoiku mama thường gắn với ấn tượng tiêu cực, nhưng công bằng mà nói, những gì các bà mẹ này làm không phải luôn luôn xấu. Việc đốc thúc, nhắc nhở con cái học hành để có một tương lai tốt đẹp hơn là điều mà phụ huynh nên làm, thậm chí quan trọng trong việc nuôi dạy trẻ.

    Vì vậy có lẽ thay vì gắn mác "tệ" cho các bà mẹ giáo dục, chúng ta nên phân biệt như thế nào là một Kyoiku mama tốt và một Kyoiku mama tồi. Hãy suy ngẫm và trả lời ba câu hỏi dưới đây.

    Bạn có coi trọng sự độc lập và ý chí của con?

    Một Kyoiku mama tốt sẽ luôn hỏi “Con muốn làm gì?” trước khi yêu cầu đứa trẻ học bài hoặc làm một việc nào đó. Ngay cả khi làm theo lời con nói và kết quả không tốt, thay vì trách đứa trẻ, họ sẽ khuyến khích con suy nghĩ xem “Làm thế nào để không lặp lại sai lầm?''

    Ở chiều ngược lại là một người mẹ luôn đòi hỏi con cái phải đạt điểm số và kết quả cao bằng mọi giá. Ngay cả với điều gì đó không phù hợp hoặc đi ngược lại ý chí của trẻ, người mẹ vẫn muốn con làm theo ý mình. Cũng có thể nói rằng họ đang hành động vì sự hài lòng của bản thân hơn là vì sự phát triển của trẻ.

    Bạn có đang lắng nghe ý kiến ​​của con?

    Ai cũng mong muốn có người nghiêm túc lắng nghe và thấu hiểu những gì mình nói, con trẻ cũng vậy. Sẽ có sự khác biệt trong cách đứa trẻ cảm nhận về tình yêu thương nếu trẻ được cha mẹ tôn trọng và lắng nghe ý kiến, hoặc ngược lại.

    Kyoiku mama tốt sẽ quan tâm đến những gì con mình nói và thể hiện điều đó cho con biết. Đứa trẻ có thể học từ phụ huynh điều này, và bằng cách bình tĩnh lắng nghe ý kiến ​​của người khác cho đến cùng, trẻ có thể đào sâu suy nghĩ của mình dựa trên những thông tin đó.

    Ngay cả khi một phần câu chuyện của trẻ có điểm chưa đúng, thay vì chỉ ra và phủ nhận ngay lúc đó, người mẹ sẽ đưa ra một ý kiến ​​khác sau khi cuộc thảo luận kết thúc, nói rằng “Có lẽ chúng ta có thể nghĩ về nó theo cách này?”

    kyoiku-mama
    Ảnh: The Japan Times

    Trường hợp ngược lại là các bà mẹ ngay lập tức phủ nhận ý kiến của con. Trẻ sẽ không thể thích thú việc trò chuyện với cha mẹ nếu họ không những không lắng nghe đến cùng, mà chỉ nghe những gì mà họ muốn.

    Bạn có tin tưởng con mình không?

    Trong quá trình trưởng thành của con, các phụ huynh có rất nhiều lo lắng vì trẻ còn non nớt trong khả năng phán đoán. Nhưng điều quan trọng là phải tin tưởng và dõi theo sự trưởng thành của con thay vì "theo dõi" con.

    Một Kyoiku mama tốt sẽ trông chừng con để đảm bảo sự an toàn cho chúng. Thay vì theo dõi trẻ để tìm ra điểm yếu, họ theo dõi lối sống, hành vi và ngôn ngữ của trẻ để giúp con cải thiện.

    Nếu bạn thường khen ngợi con mình bằng những câu như “Bài này hôm nay con làm đúng rồi đấy!” hoặc “Chữ viết của con đẹp hơn rồi”, thì trẻ sẽ có thêm động lực để tự nguyện học tập. Với sự giám sát tốt, trẻ sẽ cảm thấy an toàn và cảm nhận được tình yêu thương của cha mẹ.

    Kiểu giám sát độc hại là khi cha mẹ cố gắng tìm xem liệu con cái có làm gì sai hay không. Họ quá tập trung vào kết quả đến mức không còn tâm trí để nhận thấy sự phát triển của con.

    Những lời cằn nhằn, la mắng tiêu cực của cha mẹ có thể khiến trẻ kiệt sức về mặt tinh thần. Nếu liên tục bị cảnh cáo, trẻ sẽ dần khó có thể cùng mẹ học bài hay dành thời gian chơi với mẹ.

    Hãy trở thành một người mẹ giúp con phát triển

    “Giáo dục - không chỉ học tập mà còn ở tất cả các khía cạnh của cuộc sống, phục vụ cho ai?” là một câu hỏi mà phụ huynh cần ghi nhớ. Mọi hoạt động giáo dục phải vì lợi ích của trẻ em và mục đích cuối cùng phải là làm phong phú thêm cuộc sống của trẻ.

    Con cái có ít kinh nghiệm và kiến ​​thức hơn cha mẹ nên chúng có thể mắc sai lầm trong những quyết định của mình. Tuy nhiên, con người trở nên khôn ngoan hơn sau những sai lầm và thất bại. Vai trò của cha mẹ là lắng nghe, tôn trọng ý kiến ​​của con mình và kín đáo quan sát khi con mắc lỗi.

    Thay vì khiến cho con cảm thấy mình không làm được, hãy giúp trẻ nhận ra tiềm năng của bản thân để có thể sẵn sàng đón nhận thử thách với tinh thần quyết tâm.

    Bản thân phụ huynh cũng cần tự trau dồi kiến thức về sự phát triển của trẻ. Khi biết được các giai đoạn phát triển của từng độ tuổi cũng như tầm quan trọng của việc vui chơi và nghỉ ngơi, phụ huynh sẽ ít có khả năng ép con học quá nhiều.

    Và một điều quan trọng nữa là cha mẹ phải cố gắng kiểm soát, không tự tạo căng thẳng cho bản thân khi so sánh con mình với con cái của người khác.

    day-con-dung-cach
    Ảnh: pixta

    kilala.vn

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!