Doanh nghiệp Nhật hỗ trợ người dân Kenya sản xuất nhang muỗi chống lại sốt rét
Vào thời điểm việc trồng hoa cúc để làm nhang muỗi gần như đã chấm dứt ở Nhật Bản, truyền thống này lại được tiếp tục ở Kenya, nơi hàng ngàn người tử vong mỗi năm do bệnh sốt rét.
Hiromitsu Iio, 48 tuổi, giám đốc điều hành của Rinnesha Co., công ty có trụ sở tại thành phố Tsushima, tỉnh Aichi đã thực hiện thử thách này. Ông cho biết việc sản xuất nhang muỗi có thể được thực hiện gần như hoàn toàn bằng tay mà không cần sử dụng máy móc phức tạp.
Ông hy vọng nhang muỗi – một sản phẩm thường thấy trong mùa hè ở Nhật Bản, có thể tạo việc làm ở Kenya, quốc gia mà Ngân hàng Thế giới cho biết có 36% dân số sống với mức thu nhập dưới 2,25 USD/ngày.
Nhang muỗi được biết là có tác dụng xua đuổi muỗi và làm giảm khả năng hút máu con người, đặc biệt là ở ngoài trời khi không có gió. Sản phẩm này có thể giúp người dân Kenya dễ dàng tiếp cận “vũ khí” trong cuộc chiến chống lại bệnh sốt rét chết người.
Rinnesha kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp và chăn nuôi hữu cơ cũng như đồ gia dụng tự nhiên và có một trang trại hoa pyrethrum ở Takinoue - thị trấn thuộc khu vực Okhotsk của Hokkaido. Công ty có hơn ba thập kỷ kinh nghiệm sản xuất và bán nhang muỗi làm từ nguyên liệu tự nhiên.
Sự hợp tác diễn ra thông qua một cuộc gặp gỡ tình cờ đầu năm nay. Thông qua mối liên hệ với một tổ chức canh tác hữu cơ mà Hiromitsu tham gia, ông đã tham dự một hội nghị ở Đức với những nông dân trẻ địa phương và giới thiệu các sản phẩm của công ty mình. Một nông dân Kenya trồng pyrethrum tình cờ có mặt ở đó đã hỏi về cách làm nhang muỗi của Nhật.
Theo Hiromitsu, việc sử dụng máy móc lớn để xử lý hoa cúc là tiêu chuẩn ở Kenya, đòi hỏi một khoản đầu tư ban đầu rất lớn đối với bất kỳ ai muốn khởi nghiệp. Ngược lại, các sản phẩm của Rinnesha có thể được tạo ra bằng cách nghiền hoa pyrethrum khô, dăm gỗ và các thành phần tự nhiên khác thành bột trước khi làm cứng lại - một quá trình được thực hiện chủ yếu bằng tay.
Cuộn nhang muỗi, gọi là "katori senko" trong tiếng Nhật, được phát minh ở Arida, tỉnh Wakayama, miền tây Nhật Bản.
Doanh nhân Eiichiro Ueyama, người sáng lập Công ty Dainihon Jochugiku, đã nhận được hạt giống pyrethrum từ một thương nhân người Mỹ vào giữa những năm 1880. Vào thời điểm đó, loài này chưa được trồng ở Nhật Bản và Ueyama đã phát triển một mẫu nhang từ nó vài năm sau đó. Năm 1902, ông đã tạo ra dạng xoắn ốc hiện nay của loại nhang muỗi trên, cho phép thời gian cháy lâu hơn.
Katori senko được làm bằng cách nhào bột và nước với nhau, cho vào khuôn để định hình và sấy khô trên lưới thép trong vài ngày. Nhưng với sự phát triển của hóa chất tổng hợp sau Thế chiến thứ hai, canh tác pyrethrum trong nước dần thu hẹp và gần như biến mất cho đến ngày nay.
Việc sản xuất nhang muỗi nhãn hiệu Kincho của Ueyama được cơ giới hóa vào năm 1957. Thương hiệu con gà trống màu đỏ, bao bì kiểu cũ và nhang màu xanh vẫn được biết đến rộng rãi ở Nhật Bản.
Mặc dù phiên bản nhang muỗi dạng xoắn ốc có khói vẫn còn trên thị trường và được những người lớn tuổi ưa chuộng, một số công ty ở Nhật đã chuyển sang các giải pháp thay thế không khói dạng cắm điện vì khói có thể gây khó chịu cho một số người. Nhang muỗi cũng có rủi ro gây ra hỏa hoạn, tai nạn khi sử dụng trong nhà.
Tổ chức Y tế Thế giới ước tính có 580.000 ca tử vong trên khắp châu Phi do bệnh sốt rét vào năm 2022, trong đó Kenya có khoảng 5 triệu ca mắc và 12.000 ca tử vong được báo cáo. Ước mơ của Hiromitsu Iio là nông dân địa phương sẽ có thể tự làm nhang muỗi để bảo vệ mình khỏi bệnh sốt rét. "Tôi muốn giúp giải quyết vấn đề nghèo đói và sốt rét bằng nhang muỗi."
kilala.vn
Nguồn: Kyodo News
Đăng nhập tài khoản để bình luận