Dịch vụ “ông chú cho thuê” ở Nhật giúp thay đổi cuộc sống mọi người
Dịch vụ này “cho thuê” các ông chú, hay còn gọi là các “ossan”, cho những ai cần người trò chuyện hoặc hỗ trợ các công việc thường ngày.

Trên trang web của dịch vụ, người ta có thể bắt gặp các mô tả như “ông chú từng là chính trị gia”, “ông chú IT biết chơi violin”, hay “ông chú biết lắng nghe với nụ cười”, kèm theo đó là những bức ảnh các ông chú tạo dáng hài hước hoặc đầy quyết tâm.
Khách hàng có thể thuê một ossan với giá 1.000 yên mỗi giờ để cùng tham gia các hoạt động, chẳng hạn như cùng đi uống rượu ở quán izakaya, dọn dẹp phòng hay đơn giản là lái xe dạo phố. Người thuê chỉ cần điền vào mẫu đăng ký trực tuyến trên trang web.

Thay đổi định kiến về “những ông chú” tại Nhật
Khi ở tuổi 40, trong một lần đi tàu, ông Nishimoto tình cờ nghe thấy một nhóm nữ sinh trung học gọi một người đàn ông trung niên là “đáng sợ”.
Ông cũng từng nghe những lời nhận xét trên truyền hình rằng đàn ông trung niên “không biết lắng nghe và chỉ chăm chăm nói về bản thân”, và "họ khiến bữa tiệc trở nên nhàm chán". Những lời này khiến ông nảy ra ý tưởng: thay đổi định kiến của xã hội với những người đàn ông tuổi trung niên.
Trong hai năm đầu, ông Nishimoto là ossan duy nhất của dịch vụ này. Hơn một nửa khách hàng tìm đến ông để được tư vấn những vấn đề như bệnh tật, chuyển việc hay bị cấp trên bắt nạt tại nơi làm việc.
Tuy không phải là chuyên gia và đôi khi không biết phải đáp lại ra sao trước những câu chuyện có phần nặng nề, ông nghĩ rằng mình cần động viên tinh thần người đối diện nên bắt đầu trò chuyện chủ động hơn. Nhưng rồi, một khách hàng trung niên từng nói với ông rằng, họ không cần nghe ông nói - họ chỉ cần ông lắng nghe. Kể từ đó, Nishimoto giữ vai trò là người lắng nghe, trừ khi khách hàng yêu cầu khác.

Sau khi dịch vụ được truyền thông đưa tin, nhiều người đã liên hệ với ông để xin tham gia làm ossan. Hiện nay, có khoảng 70 “ông chú cho thuê” trên khắp Nhật Bản và tổng cộng đã có khoảng 30.000 lượt yêu cầu được gửi đến dịch vụ.
Các ossan giúp thay đổi cuộc sống của bản thân và mọi người
Ông Nishimoto chia sẻ về lý do đăng ký làm ossan của các ứng viên: “Họ nói với tôi rằng họ muốn thay đổi bản thân thông qua việc gặp gỡ và tiếp xúc với nhiều người.” Đa số những ứng viên đang quay cuồng trong vòng lặp công việc và gia đình, hoặc đang băn khoăn không biết làm gì sau khi nghỉ hưu.
Trong một buổi phỏng vấn, có người đàn ông rụt rè nói: “Tôi chẳng có gì đặc biệt để đem lại cho người khác.” Nhưng ông Nishimoto bị ấn tượng bởi cách ông ấy chăm chú lắng nghe và gật đầu khi người khác nói. Ông đã trao cho người này biệt danh “ông chú biết lắng nghe”, và kể từ đó ông trở thành một trong những ossan được yêu thích nhất. Đó là lúc ông Nishimoto nhận ra rằng: bất cứ ông chú nào cũng có điều gì đó để sẻ chia cho mọi người.

Đa số khách hàng tìm đến dịch vụ là người trung niên, nhưng cũng có nhiều người trẻ tìm đến để xin lời khuyên khi đổi việc, tìm việc, hoặc để giãi bày về các mối quan hệ tại nơi làm. Một số còn thuê các ossan để luyện tập phỏng vấn xin việc.
Một khách hàng khiến ông Nishimoto nhớ mãi là một người mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối, người chỉ mong được “cười một lần cuối cùng.” Có người nhờ giúp dọn dẹp nhà cửa, người khác cần lời khuyên tình cảm, hoặc muốn nhờ các ossan đi cùng cha mẹ già đến bệnh viện.
Bảo đảm giới hạn chuyên nghiệp của các “ossan”
Để duy trì dịch vụ chuyên nghiệp, ông Nishimoto phải kiểm tra giấy tờ tùy thân của tất cả ứng viên. Ông là người trung gian liên hệ giữa khách hàng và các ossan, chỉ chia sẻ khu vực sinh sống, độ tuổi và không tiết lộ tên thật của khách.
Thêm vào đó, các ossan bị cấm liên lạc với khách hàng sau buổi gặp, và sẽ bị sa thải nếu có ba lần bị khiếu nại. Không chia sẻ quá nhiều thông tin cá nhân và tránh xung đột lợi ích là chìa khóa giúp duy trì sự thoải mái và an toàn cho cả hai bên. Ông Nishimoto cho rằng: “Một mối quan hệ có chừng mực giống như với một người chú trong gia đình, có khi lại dễ chịu hơn.”
Anh Sakamoto Shu (39 tuổi) là một luật sư sống tại thành phố Kitakyushu, phía tây Nhật Bản. Ba năm trước, sau khi tự hỏi rằng liệu mình có thể làm gì khác ngoài công việc chuyên môn, anh bắt đầu làm thêm công việc trở thành một “ossan” này. Từ đó đến nay, có khoảng 15 khách hàng đã thuê anh, phần lớn là để trò chuyện.
Anh Sakamoto rất ngạc nhiên rằng, dù đang sống trong thời đại mạng xã hội, rất nhiều người vẫn không có ai để tâm sự thực lòng. “Tôi nghĩ có lẽ mọi người mong muốn có thể nhìn nhận sự tồn tại và suy nghĩ của bản thân một cách tích cực khi trò chuyện với một ông chú bình thường,” anh chia sẻ.
kilala.vn
Đăng nhập tài khoản để bình luận