NỘI DUNG BÀI VIẾT

    Cửa hàng tiện lợi Nhật ngày càng “phụ thuộc” vào du học sinh

    Cửa hàng tiện lợi Nhật ngày càng “phụ thuộc” vào du học sinh

    Trong các Konbini – một biểu tượng của sự hiện đại và lối sống Nhật Bản, du học sinh đang đảm nhiệm phần lớn các vị trí ở cửa hàng.

    Du học sinh làm việc tại cửa hàng tiện lợi

    Một người quản lí chia sẻ với tờ Sankei Shimbun rằng, 90% nhân viên làm việc tại 7-Eleven ở khu vực Akasaka của Tokyo là sinh viên nước ngoài. Họ đến từ 8 quốc gia bao gồm Nepal, Trung Quốc, Việt Nam và hiện đang theo học tại các trường dạy tiếng Nhật.

    Thậm chí ở những thành phố xa thủ đô như Hiroshima cũng tương tự như vậy. Tại một cửa hàng Lawson gần Công viên tưởng niệm hòa bình Hiroshima, hơn một nửa số nhân viên là sinh viên đến từ Việt Nam, Nepal, Bangladesh và Myanmar.

    Ba chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn của Nhật Bản là 7-Eleven, Lawson và Family Mart cho biết, hơn 10% trong số khoảng 800.000 nhân viên cửa hàng của họ là người nước ngoài, theo dữ liệu được Kyodo News công bố hồi tháng 5.

    lawson
    Lawson, một trong 3 chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn ở Nhật Bản. Ảnh: Pinterest

    Trong đó, 7-Eleven tuyển dụng nhiều người nước ngoài nhất (khoảng 40.000 người), tiếp đến là chuỗi Lawson (khoảng 24.000 người) và FamilyMart (khoảng 18.000 người).

    Theo Hiệp hội nhượng quyền thương mại Nhật Bản (bao gồm 3 thương hiệu nói trên), số lượng nhân viên nước ngoài đã tăng hơn 20% trong năm năm qua. Phần lớn trong số này là sinh viên nước ngoài.

    Xu hướng tuyển dụng lao động nước ngoài

    Số lượng nhân viên không phải người Nhật ngày càng tăng trong các konbini là một phần của xu hướng chung. Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đang sử dụng người nước ngoài để lấp đầy tình trạng thiếu hụt lao động đang ngày càng trở nên trầm trọng hơn.

    Năm 2023, Nhật Bản chứng kiến ​​số ca sinh nở thấp kỷ lục là 727.277. Ngược lại, những người trên 65 tuổi chiếm đến 29,1% dân số. Hệ quả là dân số trong độ tuổi lao động quá ít để duy trì xã hội. Đương nhiên, việc duy trì các cửa hàng tiện lợi trong suốt 24h cũng trở nên khó khăn vì thiếu hụt lao động.

    Cách đây vài năm, một chủ sở hữu lớn tuổi tại Nhật tuyên bố rằng ông không thể vận hành chuỗi cửa hàng 7-Eleven của mình 24h/ngày nữa. Seven & I Holdings, công ty mẹ của 7-Eleven đã kiện ông vì vi phạm hợp đồng. Tuy nhiên, phản ứng dữ dội sau đó đã buộc công ty này phải lùi bước và thể hiện lập trường thiện chí hơn với các chủ cửa hàng nhượng quyền lớn tuổi.

    cua-hang-tien-loi-nhat-gap-kho-trong-viec-duy-tri-hoat-dong-24h
    Các cửa hàng tiện lợi ở Nhật gặp khó trong việc duy trì hoạt động 24h. Ảnh: Japan Times

    Nhìn chung, chính phủ Nhật Bản đã triển khai một loạt các biện pháp để đối phó và giải quyết vấn đề dân số, bao gồm việc giới thiệu chương trình đào tạo hấp dẫn cho nhân tài nước ngoài; tạo ra ứng dụng hẹn hò do nhằm thúc đẩy hôn nhân và sinh con; thảo luận về việc xác định lại độ tuổi hợp pháp của người cao tuổi từ 65 lên 70. Ngoài ra, còn có đề xuất miễn phí 100% dịch vụ chăm sóc trẻ em.

    Nhân viên ca đêm

    Theo các quản lý cửa hàng, konbini hiện đang tuyển dụng những du học sinh sẵn sàng làm ca đêm hơn so với đồng nghiệp người Nhật.

    “Nhờ có những sinh viên quốc tế xuất sắc, chúng tôi vẫn trụ vững. Thật khó để thu hút sinh viên Nhật Bản do tỉ lệ sinh giảm và các yếu tố khác. Không thể tưởng tượng hoạt động 24 giờ sẽ như thế nào nếu không có sinh viên nước ngoài”, một chủ cửa hàng Lawson ở Hiroshima nói với tờ báo địa phương Chugoku Shimbun.

    Ở Chiba, một quản lý của 3 cửa hàng cũng phụ thuộc vào nhân viên nước ngoài để duy trì hoạt động đến tận khuya. “Ngay cả những người Nhật không có tiền và đang tìm việc cũng không đến làm ca đêm. Đó là lý do tại sao hầu hết các ca đêm của cửa hàng tiện lợi đều là người nước ngoài. Nếu không dựa vào họ, tôi sẽ phải đóng cửa hàng”, ông nói.

    sinh-vien-han-quoc-lam-them-tai-cua-hang-tien-loi
    Một sinh viên Hàn Quốc làm thêm tại cửa hàng Lawson ở Shinjuku, Tokyo. Ảnh: Mainichi

    Một quản lý cửa hàng 7-Eleven ở Tokyo cho biết ông đã đến các trường dạy tiếng Nhật gần đó để tuyển dụng nhân viên làm việc bán thời gian.

    Công việc tại cửa hàng tiện lợi được coi là "lao động giản đơn" và do đó thường không phải là công việc dành cho công dân nước ngoài. Chỉ có thường trú nhân, vợ/chồng của công dân Nhật Bản và những cư dân nước ngoài khác không bị hạn chế về việc làm mới được phép làm việc trong konbini.

    Tuy nhiên, du học sinh có thể làm việc bán thời gian lên đến 28 giờ mỗi tuần. Điều đó khiến họ trở thành lực lượng lao động đáng tin cậy đối với một số công việc, là nguồn nhân lực mà các chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn tại Nhật Bản không thể để mất.

    Xem thêm: Các cửa hàng tiện lợi ở Nhật không thể mở cửa 24 giờ vì thiếu lao động

    kilala.vn

    Nguồn: Unseen Japan

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!