Công cụ giúp cảnh sát Nhật điều tra thành công gần 500 vụ án mỗi năm
Theo Cơ quan Cảnh sát Quốc gia (NPA), các bản phác thảo của cảnh sát đã được sử dụng để xác định nghi phạm và những người khác trong 514 cuộc điều tra tội phạm trên khắp Nhật Bản vào năm 2023.
Tại các sở cảnh sát ở Nhật Bản đều có những họa sĩ phác họa. Điều tiên quyết là họ phải biết vẽ chân dung và sở hữu khả năng lắng nghe cẩn thận, vẽ lại chi tiết những điều mà nạn nhân hoặc nhân chứng chia sẻ về tội phạm để tạo ra các bản phác thảo phù hợp. Những bản phác thảo này không chỉ là khuôn mặt mà còn là những điểm đặc biệt trên cơ thể tội phạm như: hình xăm trên cánh tay, móc chìa khóa, sẹo...
Theo nhiều tài liệu, công việc này được cho là có nguồn gốc từ thời Edo (1603 – 1867) dưới dạng “Ninso-gaki” – hình để truy nã những kẻ phạm tội. Cho đến khoảng giữa những năm 1970, cảnh sát chủ yếu sử dụng ảnh ghép có nhiều đặc điểm giống với người được mô tả. Bức ảnh nghi phạm đội mũ bảo hiểm cảnh sát màu trắng giả trong vụ "cướp 300 triệu yên" khét tiếng năm 1968 nhắm vào một xe giao tiền mặt ở Fuchu, ngoại ô Tokyo là một trong những bức ảnh ghép nổi tiếng như vậy.
Tuy nhiên, đã có những lời phàn nàn về phương pháp này, bao gồm cả việc mất thời gian hay tính chân thực của các bức ảnh đã hạn chế trí tưởng tượng của mọi người.
Một trong những người phụ trách ảnh tại phòng thí nghiệm tội phạm của MPD vào những năm 1980 được cho là đã bắt đầu nghiên cứu nhiều kỹ thuật vẽ khác nhau, trong số đó có việc hợp tác cùng một họa sĩ vẽ chân dung. Từ đó đến nay, công việc này vẫn luôn được duy trì và góp công không nhỏ trong công cuộc truy bắt tội phạm của cảnh sát Nhật.
Theo NPA, số vụ án mà bản phác thảo đã giúp cảnh sát truy lùng tội phạm lần lượt là: 499 vụ vào năm 2019; 585 vụ vào năm 2020; 559 vụ vào năm 2021 và 532 vụ vào năm 2022, có thể thấy số lượng dao động ở mức khoảng 500 vụ mỗi năm.
Năm 2023, có 8.787 vụ án trong đó yêu cầu phác họa hình ảnh được yêu cầu. Theo sở cảnh sát tỉnh, Cảnh sát tỉnh Kanagawa dẫn đầu với 2.125 vụ việc, tiếp theo là MPD với 704 vụ, cảnh sát Hokkaido với 608 vụ, cảnh sát Saitama với 603 vụ, cảnh sát Fukuoka với 495 vụ và cảnh sát Osaka với 450 vụ.
Một trong những người vẽ chân dung tội phạm nổi tiếng tại Nhật là Thanh tra Shoji Ozaki – công tác tại Sở Cảnh sát tỉnh Wakayama. Hiện nay, ông cũng trở thành chuyên gia đào tạo kỹ thuật đầu tiên của lực lượng này về phác họa nghi phạm dựa trên lời khai của nhân chứng.
Ozaki sinh ra tại thành phố Wakayama, miền tây Nhật Bản và học chuyên ngành sơn dầu tại Đại học Nghệ thuật Osaka. Ông mơ ước trở thành một giáo viên dạy nghệ thuật nhưng lại khó kiếm việc làm. Thay vào đó, theo gợi ý của người cha đang làm cảnh sát, ông đã tham gia kỳ thi và đậu vị trí cảnh sát tỉnh.
Cơ hội để Ozaki thể hiện tài năng của mình là vào năm 1987, khi ông tham gia một buổi đào tạo phác họa của cảnh sát do phòng điều tra tội phạm tổ chức. Tại đó, ông được công nhận về tài năng nghệ thuật của mình và được phòng thí nghiệm tội phạm săn đón, điều hiếm khi xảy ra với một sĩ quan còn ít kinh nghiệm như Ozaki.
Trong khoảng 30 năm kể từ đó, Ozaki chủ yếu làm việc với phòng điều tra tội phạm và đã tạo ra ít nhất 320 bản phác họa cho cảnh sát. Ông đã nhận được giải thưởng của giám đốc sở điều tra tội phạm sáu lần vì đã đóng góp vào việc bắt giữ nghi phạm bằng các bản vẽ của mình.
Để chân dung tội phạm được khắc họa rõ nét nhất, Ozaki cho biết việc dựa trên lời khai chủ động của nhân chứng là không đủ, điều quan trọng của một người vẽ là biết khai thác trí nhớ của nhân chứng thông qua câu hỏi. “Thật khó để trả lời một câu hỏi đột ngột như 'Mắt họ trông thế nào?' và 'Mũi họ trông thế nào?'. Nhưng nếu để mọi người nói về những gì họ chứng kiến theo thứ tự thời gian, họ dần nhớ ra nghi phạm trông như thế nào”, ông Ozaki chia sẻ.
Tại Việt Nam, họa sĩ Võ Tấn Thành cũng là một người được công an tin tưởng giao nhiệm vụ tìm kiếm tội phạm. “Nhiều người vẫn gọi tôi là công an không quân hàm, không cảnh phục”, ông chia sẻ với Zing News.
Ngôi nhà nhỏ của ông chi chít bằng khen, huân huy chương và cả những bức tranh sơn dầu. Ông cho biết, nhiều tên tội phạm để lại ít dấu vết tại hiện trường nên lực lượng điều tra gặp khó khăn. Khi đó, những nhân chứng hoặc bị hại nhìn được khuôn mặt kẻ gây án kể lại các đặc điểm tóc, khuôn mặt, mắt, mũi, miệng, màu da… cho họa sĩ phác thảo.
"Tôi vừa nghe nhân chứng mô tả tên tội phạm vừa vẽ lại. Khi hoàn thành, tôi đưa cho họ xem. Bức ảnh nào giống kẻ gây án nhất, tôi sẽ chuyển cho cơ quan điều tra để họ truy bắt hung thủ", họa sĩ nói.
Năm 2007, họa sĩ Võ Tấn Thành được Bộ Công an tặng kỷ niệm chương “Bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Trong hai năm 2007-2008, ông được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao bằng Lao động sáng tạo.
kilala.vn
Nguồn: Mainichi, Zing news.
Đăng nhập tài khoản để bình luận