Bạn sẽ bị đánh giá là kém lịch sự khi làm điều này tại những quán ăn ở Nhật
Ở một số quốc gia, việc để đồ ăn thừa sau khi kết thúc bữa ăn là điều bình thường, nhưng đó sẽ là vấn đề tại Nhật. Người Nhật coi việc để thức ăn trên đĩa của bạn là bất lịch sự, và thậm chí còn hơn thế nữa khi gọi thêm thức ăn khi bạn chưa ăn hết những thứ mình đã có. Điều này liên quan đến một trong những khái niệm cơ bản trong văn hóa Nhật Bản – Mottainai.
Nhật Bản vô cùng nổi tiếng với những món ăn và thực phẩm nổi tiếng. Từ Sushi, Ramen, Shabu-shabu. Với số lượng ước tính hơn 140.000 nhà hàng chỉ riêng ở Tokyo, chắc chắn rằng ẩm thực sẽ đóng một vai trò quan trọng trong trải nghiệm của bất kỳ ai ở đất nước này! Tuy nhiên, có một số điều cần biết khi dùng bữa tại các nhà hàng xứ Phù Tang.
Để lại thức ăn là hành động thiếu tôn trọng
Khi bắt đầu bữa ăn, người Nhật thường dùng câu “Itadakimasu - いただきます” có thể dịch ra là “Tôi rất cảm kích và khiêm nhường đón nhận bữa ăn này” như một lời cảm ơn đến những nguyên liệu của món ăn và cả với người đã nấu cho họ bữa ăn này. Và họ sẽ nói “Gochisousama deshita - ごちそうさまでした” như lời báo hiệu rằng đã dùng bữa xong và đây là lời tri ân đến những người đã bận rộn chuẩn bị bữa ăn cho họ. Có thể thấy, bữa ăn đóng vai trò thiêng liêng đối với mỗi người Nhật.
Chính vì thế, để thức ăn thừa trên đĩa của bạn có thể bị coi là thô lỗ trong các nhà hàng, đặc biệt là tiệc buffet. Điều này là do bạn không kiểm soát được lượng thức ăn trên đĩa của mình và việc lãng phí này có thể được xem là hành động thiếu tôn trọng.
Tuy nhiên không phải không có ngoại lệ. Nếu bạn đến một nhà hàng với khẩu phần ăn lớn hơn bình thường thì việc để lại thức ăn thường dễ được thông cảm hơn.
Đây là một trong những lý do tại sao món ăn Nhật Bản sẽ gồm các phần khá nhỏ, để không có nguy cơ làm bạn chiếc bụng của bạn trở nên “quá tải” và dẫn đến lãng phí. Tất nhiên, có thể có những lý do chính đáng khiến bạn không thể ăn hết mọi món trên đĩa, chẳng hạn như dị ứng. Trong trường hợp này, bạn nên thông báo với nhân viên phục vụ để họ nắm được tình hình và có cách hỗ trợ phù hợp.
Khi ăn tại nhà hàng cung cấp các bữa ăn theo thực đơn, bạn cần lưu ý một số điều khi để thức ăn trên đĩa. Nếu bạn đã ăn hết mọi thứ nhưng vẫn để cơm trên đĩa, điều này có thể được coi là phản cảm và khiến nhân viên nghĩ rằng bạn là một người kén ăn. Họ thậm chí có thể nghĩ rằng cơm của nhà hàng nấu không được ngon.
Khác với hình thức À la carte (gọi món và tính tiền trên từng món ăn), có thể bạn không biết trước được món ăn sẽ bao gồm những gì và khẩu phần ăn ra sao, thì việc để lại quá nhiều đồ ăn ở tiệc buffet lại là hành động đáng trách hơn cả. Vì đối với hình thức buffet, dù là gọi món hay đến quầy lấy đồ ăn, bạn cũng có thể nhìn thấy và ước lượng được khẩu phần mà mình có thể tiêu thụ để lấy lượng thức ăn cho phù hợp. Nên khó có thể bào chữa cho hành động không ăn hết những món mà mình đã lấy.
Lý do cho thái độ không thiện chí của người Nhật đối với việc này có lẽ sẽ liên quan đến triết lý Mottainai - 勿体無い (lãng phí).
Mottainai ảnh hưởng đến ẩm thực Nhật như thế nào?
Ảnh hưởng của Mottainai đối với nghi thức ăn uống ở Nhật Bản đến nay đã khá rõ ràng. Nói một cách đơn giản, người Nhật có niềm tin rất mạnh mẽ rằng không nên lãng phí thực phẩm hoặc tài nguyên bằng bất kỳ cách nào cần thiết. Điều này có nghĩa rằng họ sẽ thực hiện điều đó trong đời sống hàng ngày, thông qua những thói quen đơn giản để đảm bảo rằng mỗi người góp phần vào việc tránh lãng phí.
Có thể bạn sẽ nghĩ rằng “Tôi sẽ mang đồ ăn thừa về nhà để dành cho bữa ăn tiếp theo”, nhưng bạn đã lầm, vì đây là điều bạn không thể hoặc hiếm khi được chấp thuận ở Nhật Bản. Một trong những lý do chính là theo luật pháp Nhật Bản, các nhà hàng sẽ phải chịu trách nhiệm cho những trường hợp ngộ độc thực phẩm do đồ ăn được quán phục vụ, kể cả khi khách đem đồ ăn về nhà. Vì lý do này, rất nhiều nhà hàng từ chối yêu cầu gói đồ ăn thừa đem về nhà của khách.
Một số “quy tắc ngầm” khi dùng bữa
Nếu bạn đã no sau khi ăn một bữa ăn ở Tokyo, có một số điều bạn cần cân nhắc trước khi yêu cầu thanh toán, để tránh bị coi là thô lỗ hoặc thiếu tôn trọng.
Ăn hết phần cơm
Gạo ở Nhật Bản vô cùng phổ biến. Nó được sử dụng trong hàng ngàn món ăn truyền thống khác nhau. Từ một bữa ăn theo kiểu “Ichijunisai” (còn gọi là “Ichijusansai”) gồm có cơm trắng là thực phẩm chính, một món canh, hai đến ba món ăn kèm (gọi là Okazu). Đây là hình thức cơ bản của một bữa ăn Nhật.
Đến những món ăn nổi tiếng như Sushi, Kamameshi, Omurice, Donburi. nhu cầu về gạo trong nước là rất lớn (dù ngày nay, xu hướng sử dụng cơm phần nào đã giảm xuống nhưng đây vẫn là món chiếm vị trí quan trọng trong ẩm thực Nhật).
Đừng lấy quá nhiều
Niềm vui của việc ăn buffet là bạn có thể ăn bao nhiêu thỏa thích, không có giới hạn. Nhưng hãy cân nhắc nếu bạn có ý định lấy cho mình một đĩa quá nhiều đồ ăn mà có thể bạn khó ăn hết được.
Và nếu bạn không thể ăn hết số thức ăn trong đĩa của mình, bạn chắc chắn sẽ bị coi là người không tôn trọng thức ăn. Nhiều nhà hàng còn có quy định tính phí phạt dựa trên số lượng đồ ăn bỏ thừa.
Nên lời khuyên cho việc này là bạn hãy đi một vòng hết các quầy buffet, lấy những món bạn muốn ăn một lượng nhỏ. Nếu sau khi ăn hết mà bạn còn muốn ăn thêm thì có thể lấy thêm. Điều này giúp bạn vừa có thể thưởng thức được gần hết các món trong buffet, lại vừa xác định được món nào bạn yêu thích.
Nếu bạn thực sự không thể ăn thêm hãy gửi lời đến phục vụ
Đối với những người đã quá no và bạn không thể tuân theo một quy tắc tiết kiệm nào nữa thì bạn cũng có thể trở thành một người lịch sự chỉ với vài câu nói.
Bạn là khách du lịch và các nhân viên biết điều này. Bản thân Tokyo đón khoảng 14 triệu khách du lịch mỗi năm nên người Nhật biết rằng không phải lúc nào niềm tin và quy tắc của họ cũng sẽ được tuân thủ.
Nên tất cả những gì bạn phải chỉ đơn giản là xin lỗi và trấn an họ một cách tự nhiên khi yêu cầu hóa đơn. Ví dụ như “Tôi rất tiếc khi không thể ăn hết đồ ăn vì những món tại nhà hàng của bạn quá ngon và tôi lại muốn thưởng thức nhiều món”.
kilala.vn
06/10/2022
Bài: Natsume
Đăng nhập tài khoản để bình luận