Yuru-chara – Chiến lược Marketing “dụ dỗ” khách hàng của người Nhật
Hoạt động quảng bá ở xứ Phù Tang không đơn thuần là công việc của các doanh nghiệp, mà mỗi tỉnh thành cũng đang tích cực thu hút khách du lịch bằng nhiều “chiêu trò” khác nhau. Trong số đó, thứ để lại ấn tượng và thu hút khách du lịch nhất đó là linh vật của vùng, và người Nhật đang cho thấy họ sử dụng sản phẩm này một cách rất hiệu quả.
Theo CNN, ngành kinh doanh Yuru-chara trị giá khoảng 16 tỷ USD vào năm 2012. Con số đã cao hơn đáng kể ngày nay, do nhu cầu về linh vật không ngừng tăng lên. Công ty KIGURUMI.BIZ là một trong những tên tuổi hàng đầu trong lĩnh vực thiết kế và sản xuất trang phục linh vật.
Bộ mặt của tổ chức
Linh vật, Yuru-chara hay mascot đều là tên gọi cho một vật đại diện cho địa phương, đội thể thao, doanh nghiệp hoặc bất kì một tổ chức nào. Bản chất của chúng là mang đến sự thân thiện, thoải mái, có tính trung lập.
Nhật Bản đã có một lịch sử lâu dài trong việc tạo ra những nhân vật đáng yêu, thu hút người dân và mọi người trên toàn thế giới. Để thực sự truyền cảm hứng và mang đến được lượng người theo dõi đáng kể, Yuru-chara cần liên quan đến nơi mà chúng đại diện.
Tăng sự kết nối
Chính vì thế ngoài việc là “bộ mặt” của tổ chức, Yuru-chara còn có vai trò tương tác, giao lưu cùng người hâm mộ. Nhiều nhân vật thậm chí còn có mạng xã hội của riêng mình để người hâm mộ có thể cập nhật thông tin cũng như những sự kiện có sự góp mặt của linh vật đó.
Sự phổ biến của Yuru-chara ở Nhật Bản là một phần tạo nên sự hấp dẫn của các nhân vật kawaii trong bối cảnh rộng hơn. Chúng có thể có tác động đáng kể đến tất cả các thế hệ vì sở hữu loại quyền lực mềm (là sự đáng yêu) giúp duy trì sức hấp dẫn toàn cầu. Số lượng các công ty lựa chọn áp dụng “mascot marketing” đã gia tăng trong vài năm qua.
Một doanh nghiệp chọn linh vật để thể hiện bản chất của sản phẩm họ cung cấp thì điều đó có thể sẽ giúp khách hàng cảm thấy gắn kết hơn với các sản phẩm và dịch vụ đó.
Những nhân vật dễ thương, thân thiện có thể được nhìn thấy ở khắp mọi nơi tại Nhật Bản, từ bao bì thực phẩm đến các thông báo an toàn công cộng. Thực tế rằng khi chúng là một phần cốt lõi của cuộc sống hàng ngày thì việc xuất hiện trong môi trường kinh doanh cũng không phải là điều quá khó hiểu.
Gia tăng sự cạnh tranh
Không chỉ thân thiện với người tiêu dùng mà Yuru-chara cũng là một cách để phân biệt sản phẩm của một thương hiệu so với đối thủ cạnh tranh. Các nhân vật quảng cáo có thể được sáng tạo mới như một phần của chiến lược thương hiệu, hoặc sử dụng các nhân vật nổi tiếng đã có từ trước như Doraemon hay Crayon Shinchan.
Đại sứ quảng bá mang lại lợi nhuận khổng lồ
Mục tiêu cho sự xuất hiện của Yuru-chara không có gì khác ngoài việc tăng độ nhận diện thương hiệu và mang lại lợi nhuận. Chính vì thế, không ngoa khi nói rằng Kumamon – linh vật của tỉnh Kumamoto xứng đáng với danh xưng “hoa hậu” trong giới linh vật.
Kể từ khi xuất hiện trong chiến dịch du lịch của tỉnh Kumamoto năm 2010 và giành chiến thắng tại Yuru-chara Grand Prix năm 2011, Kumamon, chú gấu đen với đôi má đỏ hồng đặc trưng, đã trở thành một trong những linh vật dễ nhận biết nhất ở Nhật Bản và quốc tế.
Ngay cả các nhà sản xuất một số loại hàng hóa nông nghiệp của tỉnh cũng có thể sử dụng hình minh họa của Kumamon mà không phải trả phí và có thể mua giấy phép để sử dụng cho bất kỳ loại hàng hóa nào khác. Chỉ riêng doanh thu tạo ra từ hàng hóa Kumamon trong năm 2015 đã vượt quá 100 tỷ yên.
Sau trận động đất mạnh xảy ra ở Kumamoto vào năm 2016, Kumamon đã giúp mang lại lòng can đảm và ổn định tâm lý cho người dân địa phương. Bên cạnh đó, nhiều người sống ở các khu vực khác của Nhật Bản đã thể hiện sự ủng hộ đối với những người bị ảnh hưởng bằng cách chọn mua các mặt hàng có in hình Kumamon trên bao bì. Đây là ví dụ về cách một nhân vật có thể có ý nghĩa sâu rộng, đồng thời có tác dụng kết nối cộng đồng thông qua một mục đích chung.
Một ví dụ khác là Hikonyan - được biết đến là một trong những linh vật khởi xướng sự bùng nổ Yuru-chara, cũng có tác động rất lớn đến nền kinh tế. Ra đời năm 2007, Hikonyan được thiết kế như một Maneki-neko đội mũ bảo hiểm samurai để kỷ niệm 400 năm thành lập Lâu đài Hikone.
Và Hikonyan đã làm nên chuyện khi đưa quê hương của mình trở nên nổi tiếng hơn, tổng lượng hàng hóa liên quan đến Hikonyan bán được ước tính xấp xỉ 1,7 tỷ yên vào 2008 (chỉ 1 năm sau khi ra mắt).
Hikonyan không chỉ xuất hiện hàng ngày ở Lâu đài Hikone mà còn đăng lịch trình của mình lên mạng. Vì vậy khi Hikonyan tham gia các sự kiện tầm cỡ quốc gia sẽ thu hút được sự quan tâm của công chúng hơn. Hikonyan cũng từng chiến thắng trong Yuru-chara Grand Prix 2010.
Chiitan là một ví dụ về Yuru-chara đã trở nên nổi tiếng thông qua mạng xã hội. Dựa trên một con rái cá sông, Chiitan ban đầu ra mắt vào tháng 12/2017. Nhân vật này đặc biệt được yêu thích vì ngoại hình cực kỳ dễ thương, đội chiếc mũ màu hồng và trắng. Chiitan đã tự tuyên bố rằng mức độ phổ biến của nó ngang bằng với một trong những YouTuber nổi tiếng nhất.
Sau khi bắt đầu đăng các video thường xuyên lên YouTube liên quan đến các chuyển động theo phong cách nhào lộn, Chiitan đã trở nên nổi tiếng đột biến nhờ xuất hiện trên một chương trình tạp kỹ truyền hình có tên “Getsuyou kara yofukashi”. Những động tác cường điệu quá mức của Chiitan có sự tương đồng với nhiều chương trình hài kịch khác của Nhật Bản, điều này tạo ấn tượng thân thuộc với công chúng.
Tính cách cố tình vụng về kết hợp với vẻ ngoài dễ thương của Chiitan đã góp phần tạo nên sự thành công. Vào tháng 8/2018, các video trên YouTube của Chiitan đã được xem hơn một triệu lần, với số lượt tweet lại trung bình là 100.000 mỗi video. Số liệu về người theo dõi Twitter trong cùng thời kỳ cho thấy rằng mặc dù phần lớn sống ở Nhật Bản nhưng cũng có sự quan tâm đáng kể từ những người sống ở nước ngoài. Vì vậy, rõ ràng là về nhiều mặt, Chiitan có sức hấp dẫn toàn cầu.
Khi nhắc đến Yura-chara, không thể lãng quên Yuru-chara Grand Prix - lễ hội thường niên chứng kiến hàng trăm linh vật tập trung lại với nhau mỗi năm và được người hâm mộ yêu thích. Mục tiêu chính là tôn vinh những tác động tích cực mà Yuru-chara đã tạo ra trong suốt năm qua, cũng như cung cấp cơ sở để xếp hạng họ về mức độ phổ biến đối với công chúng.
Grand Prix cũng mang đến cơ hội vững chắc để quảng bá các khu vực khác nhau của Nhật Bản và thu hút sự chú ý đến hàng loạt sáng kiến đang được thực hiện ở những khu vực đó. Đại diện của mỗi địa phương hoặc công ty thành lập các gian hàng riêng lẻ để cung cấp thông tin du lịch cũng như các mặt hàng đặc trưng liên quan. Các hoạt động ở mỗi gian hàng trở nên thú vị hơn nhờ những chuyển động của các nhân vật. Tuy nhiên một số bất cập trong quá trình tổ chức đã khiến cuộc thi này chính thức khép lại vào năm 2020.
Linh vật có phải lúc nào cũng cần thiết để quảng bá ở Nhật Bản không?
Câu trả lời không đơn giản là có hoặc không, mà nó liên quan đến nhiều yếu tố cũng như mục tiêu mà tổ chức hướng tới.
Tuy vậy, sự xuất hiện của Yura-chara, đặc biệt liên quan đến du lịch hoặc sự kiện nào đó, chắc chắn sẽ đi kèm với những vật phẩm (gấu bông, khăn, túi, móc khóa, pin cài…). Những người đến với địa phương hoặc sự kiện sẽ không bỏ lỡ cơ hội mang về một món quà làm kỷ niệm và không gì phù hợp hơn là một linh vật đại diện. Chắc chắn doanh thu đến từ những món đồ này không hề nhỏ.
Đọc thêm các bài viết thuộc chuyên đề Yuru-chara tại đây.
kilala.vn
Đăng nhập tài khoản để bình luận