Xóa tan cái nóng mùa hè cùng văn hóa tạt nước Uchimizu
Tưới mát những con đường khu phố, xua tan nắng nóng oi bức là một trong những phong tục truyền thống của người Nhật mỗi khi hè về.
Tại xứ anh đào, vào khoảng tháng 6 đến tháng 8 khi tiết trời vào hạ, độ ẩm và nhiệt độ tăng cao. Chính vì thế, từ xa xưa, người Nhật đã nghĩ ra những cách thức truyền thống làm dịu mát bầu không khí, giúp họ đối phó với cái nóng.
Mùa hè, người Nhật mặc yukata làm bằng vải cotton thoáng mát, thưởng thức món kakigori (đá bào) hoặc somen (mì lạnh), dùng quạt cầm tay uchiwa hay sensu, treo chiếc chuông gió fuurin đong đưa trước hiên nhà.
Dù ngày nay, đa số tránh nắng bằng cách ngồi trong những căn phòng kín gắn máy lạnh. Nhưng có một tập tục truyền thống có thể giúp điều hòa không khí và làm mát đường phố mà người Nhật luôn thực hiện mỗi khi hè về, đó là Uchimizu.
Xem thêm: Chống nắng nóng "tiết kiệm" kiểu Nhật
Uchimizu là gì?
Trong tiếng Nhật, “Uchimizu - 打ち水” là từ ghép bởi chữ “打ち – uchi”, nghĩa là đánh hoặc đập và “水 – mizu”, nghĩa là nước. Thuật ngữ này mô tả hành động tưới nước xuống mặt đất.
Uchimizu có quan hệ mật thiết với Trà đạo, được hình thành từ thời Azuchi-Momoyama (1568-1600). Trong nghi thức Trà đạo, có quy định phải thanh lọc cây vườn, đá vườn, lối dẫn vào trà thất bằng nước trước khi đón khách. Ngày nay, như một hình thức Omotenashi, các nhà trọ và nhà hàng truyền thống của Nhật Bản vẫn thực hiện nghi thức này bất kể mùa trong năm.
Uchimizu được cho là trở nên phổ biến với dân thường kể từ thời Edo. Nhiều bức tranh Ukiyo-e mô tả việc tạt nước trước nhà và nó đã trở thành một truyền thống mùa hè ở xứ Phù Tang. Không chỉ chống nắng nóng mà hành động này còn mang ý nghĩa xua đuổi bụi bặm, thanh tẩy.
Ở thời hiện đại, đây là hoạt động mà chính phủ Nhật khuyến khích người dân thực hiện để giảm nhiệt độ môi trường, điện năng tiêu thụ và là một phần của chiến dịch chống hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Theo truyền thống, Uchimizu được thực hiện với người tham gia mặc trang phục yukata, đi guốc gỗ geta và dùng chậu hay cái muôi làm bằng gỗ tưới nước ra đường hoặc trước cửa nhà.
Tưới nước có thực sự làm mát Trái Đất?
Nhiều người có thể không tin việc vẩy nước trên mặt đường để làm mát không khí có thể “tưới mát” mùa hè. Nhưng phong tục này đã được khoa học chứng minh là thực sự có tác dụng.
Uchimizu dựa trên nguyên lý sự bay hơi của nước. Khi nước được vẩy lên trên bề mặt đường hoặc sân nóng, lúc nước bay hơi sẽ làm giảm nhiệt độ của lượng nước còn lại trên sân và bề mặt sân. Đây là lý do tại sao khi vào mùa nắng nóng, việc quấn một cái khăn ướt quanh cổ sẽ giúp bạn cảm thấy mát mẻ, dễ chịu hơn.
Những năm gần đây Trái Đất ngày càng nóng lên, sự gia tăng của hiện tượng nóng lên toàn cầu đã thúc đẩy các nhà hoạt động môi trường tại Nhật giới thiệu, tuyên truyền về nét văn hóa Uchimizu này.
Những sự kiện khuyến khích thực hiện Uchimizu đã minh chứng cho việc có thể làm giảm nhiệt độ không khí xuống một vài độ. Các kế hoạch áp dụng rộng rãi phong tục của người xưa đã được lan rộng trên phạm vi quốc gia, trong đó phải kể đến lễ hội Uchimizu Daisakusen được tổ chức ở nhiều địa phương mỗi dịp hè về.
Chính quyền các thành phố lớn như Tokyo cũng đã vào cuộc để thúc đẩy văn hoá Uchimizu. Các cộng đồng đã cùng nhau tổ chức nhiều sự kiện tạt nước tại địa điểm công cộng như quảng trường, khu vui chơi mua sắm, trường học hay công sở.
Thực hiện Uchimizu đúng cách
Ngày nay, Uchimizu là một hoạt động vì môi trường, do đó để việc tưới nước làm mát mùa hè trở nên ý nghĩa, các lời khuyên được đưa ra là:
- Tránh lãng phí nước, không nên sử dụng nguồn nước sạch để tưới mà nên tái sử dụng nước tắm, nước thoát ra từ máy điều hòa không khí hoặc nước mưa được thu gom lại. Nước tái chế được cung cấp miễn phí cho tất cả cư dân từ các trung tâm tái chế nước ở các địa phương.
- Trong khi thực hiện Uchimizu, người tham gia phải tôn trọng mọi người xung quanh, cẩn thận tránh hất nước vào người cùng tham gia chung hay người đi đường.
- Địa điểm vẩy nước phải phù hợp, không nên vẩy ở những vị trí dễ gây trơn trượt, gây nguy hiểm cho người đi đường.
kilala.vn
30/05/2023
Bài: Ái Thương
Đăng nhập tài khoản để bình luận