Vì sao phụ nữ Nhật thời xưa đeo mặt đồng hồ hướng vào trong?

    Đối với những người phụ nữ truyền thống, cách đeo đồng hồ hướng vào trong tạo cảm giác dịu dàng hơn.

    Nếu là một “fan cứng” của manga, anime hay phim truyền hình Nhật thì chắc bạn sẽ quen thuộc với một chi tiết nhỏ, đó là phụ nữ Nhật Bản, đặc biệt là những người theo lối truyền thống, sẽ thường đeo mặt đồng hồ hướng vào phía trong. Thay vì chỉ nâng tay lên để xem giờ như khi đeo mặt đồng hồ hướng ra ngoài, những người phụ nữ này sẽ xem giờ bằng cách xoay cổ tay của tay trái hoặc tay phải. 

    đồng hồ

    Đeo đồng hồ ở phía trong là một thói quen từ xa xưa của phụ nữ Nhật. Ảnh: skywardplus

    Dù xã hội hiện đại bây giờ, người phụ nữ đa phần sẽ đeo đồng hồ hướng ra ngoài, đôi khi họ còn yêu thích những loại đồng hồ có mặt lớn. Tuy nhiên, ngược dòng quá khứ, chúng ta hãy cùng tìm hiểu một số giả thuyết cho lý do vì sao phụ nữ Nhật xưa lại có thói quen đeo đồng hồ đặc biệt này, đến nỗi người ta còn dựa vào cách đeo đồng hồ để phân biệt người đó là nam hay nữ.

    Thể hiện sự kín đáo cho bộ Kimono

    Vào thời xưa, trang phục của cả nam lẫn nữ đều là Kimono, tuy nhiên Kimono ở hai giới sẽ có sự khác biệt. Vì cấu tạo bộ Kimono của nữ thường nhiều lớp hơn, che phủ từ trên xuống dưới và ôm sát vào cơ thể nên sẽ bị hạn chế ở một số hoạt động. Chính vì thế, trên thân áo của Kimono có một chi tiết kín đáo được gọi là “Miyatsuguchi - 身八つ口”, có thể hiểu là phần mở nhỏ sát nách của ống tay áo, nhằm khiến cánh tay cử động dễ dàng hơn. Một công dụng nữa của Miyatsuguchi là giúp những người phụ nữ có con nhỏ có thể cho con bú mà không làm mất phom dáng của Kimono, và bộ phận này thường được giấu dưới thắt lưng Obi. Đối với Kimono nam, phần này sẽ được may liền.
    đồng hồ
    Cấu tạo của một bộ Kimono truyền thống. Ảnh: jpsmart-club, kimonoshake

    Miyatsuguchi có chiều dài khoảng 13 – 15cm, nên nếu người phụ nữ giơ tay lên cao, phần này bị lộ ra sẽ khiến họ bị đánh giá là thiếu thanh lịch. Dường như điều đó vô hình trung đã tạo nên những người phụ nữ Nhật nhẹ nhàng, kín kẽ và duyên dáng trong từng cử chỉ. Chính vì thế, khi có sự xuất hiện của đồng hồ đeo tay, người phụ nữ lựa chọn cách hướng mặt đồng hồ vào phía trong để khi giơ tay xem giờ, phần cánh tay khép lại, tránh bị hở Miyatsuguchi. Bên cạnh đó, việc uốn cổ tay khi xem giờ cũng khiến hành động này trở nên uyển chuyển hơn.

    đồng hồ

    Ảnh: rosemont-swiss

    Chính điều này lại tạo nên một kiểu xem đồng hồ rất nữ tính, duyên dáng nên kể cả khi mặc âu phục như hiện nay, nhiều phụ nữ vẫn giữ thói quen đeo mặt đồng hồ hướng vào trong để trông tao nhã hơn.

    Bảo vệ bề mặt của đồng hồ

    Nhiều ghi chép cho thấy, đồng hồ đeo tay đầu tiên tại thị trường Nhật Bản là “Laurel” của thương hiệu SEIKO, ra mắt vào năm 1913. Giá bán của dòng đồng hồ này là 30 yên (khoảng 300.000 yên ngày nay, tương đương 60.000.000 đồng), cần biết rằng mức lương khởi điểm của sinh viên mới ra trường thời đó là 40 yên. Vì vậy, đồng hồ Laurel được xem là một món hàng xa xỉ.

    đồng hồ

    Ảnh: theseikoguy

    Chính vì giá cả cũng như ít sự lựa chọn mà ai có điều kiện sở hữu đồng hồ này cũng sẽ giữ gìn kĩ càng. Và với bản tính cẩn thận, chỉn chu vốn có, phụ nữ Nhật lựa chọn cách đeo mặt đồng hồ hướng vào bên trong để hạn chế trầy xước.

    đồng hồ

    Hành động này cũng xuất hiện nhiều trong manga và anime. Ảnh: learnjapaneseanime

    Thói quen dần thay đổi theo thời gian

    Nhiều năm gần đây, việc đeo đồng hồ ở mặt trong đối với phụ nữ ngày càng hiếm, nếu có thì chỉ chiếm thiểu số. Việc mở cửa giao thương, ảnh hưởng của các nước phương Tây cũng như thay đổi về mặt văn hóa xã hội, trang phục cũng phần nào thay đổi thói quen này.

    Sự thay đổi trong lối sống

    Trang phục của phụ nữ Nhật đã chuyển từ Kimono sang những bộ quần áo hiện đại theo phong cách phương Tây, chính vì thế Miyatsuguchi dần biến mất, dẫn đến việc xem đồng hồ cũng không còn bị vướng trở ngại. Bên cạnh đó, những phong trào đấu tranh cho quyền của phụ nữ, mong muốn thu hẹp khoảng cách nam – nữ thông qua bình đẳng trong nhiều vấn đề cũng đã khiến việc đeo mặt đồng hồ quay vào trong như một cách để phân biệt giới tính dần lụi tàn.
    đồng hồ
    Ảnh: isuta

    Hơn nữa, nhiều người ngày nay đã “dấn thân” vào công việc văn phòng và hầu hết các công việc đều liên quan đến giấy tờ, máy tính. Nếu phụ nữ đeo đồng hồ ở mặt trong cổ tay, nó sẽ trở thành vật cản khi họ chạm vào bàn phím hoặc mặt bàn.

    Kích thước của mặt số

    Trong quá khứ, đồng hồ đeo tay nữ giống như một chiếc vòng đeo tay hơn là một chiếc đồng hồ thực tế. Tuy nhiên, những chiếc đồng hồ đeo tay có mặt số lớn ngày nay rất phổ biến và nó có thể làm đau cổ tay, khiến nút chỉnh đồng hồ có thể chạm vào cổ tay, gây khó chịu cho người dùng.
    [subscribe]

    kilala.vn

    06/12/2021

    Bài: Natsume

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!