Văn hóa và xã hội Nhật Bản trong game Persona 5
Từ những câu chuyện ẩn giấu trong bản tóm tắt đến các địa điểm và văn hóa có thật, Persona 5 không chỉ là một trò chơi giải trí đơn thuần mà còn mang đến những khía cạnh phổ biến của văn hóa Nhật Bản.
Nhân vật lấy cảm hứng từ văn hóa dân gian
Trong Persona 5, văn hóa dân gian trên toàn thế giới là nguồn cảm hứng để nhà sản xuất xây dựng nên các nhân vật. Trong đó, những thần thoại, câu chuyện dân gian xứ Phù Tang chắc chắn chiếm vị trí trung tâm, là chất liệu chính. Dưới đây là danh sách những nhân vật từ Persona 5 được xây dựng dựa trên văn hóa dân gian Nhật Bản:
Goemon: Dựa trên truyền thuyết về Ishikawa Goemon, một đạo chích nổi tiếng thời Chiến Quốc, anh hùng dân gian Nhật Bản thế kỷ 16, người được biết tới với việc ăn trộm của người giàu và chia cho người nghèo.
Nekomata: là một sinh vật huyền bí trong truyền thuyết dân gian Nhật Bản, được xếp vào hàng yêu quái (yokai), xuất hiện dưới hình dạng một con mèo. Nó thường vui tươi và nghịch ngợm trong các câu chuyện.
Ame no Uzume: trong Thần Đạo, đây là vị thần đại diện cho bình minh và niềm vui. Nữ thần được biết đến nhiều nhất trong một câu chuyện nổi tiếng khi cô lừa nữ thần mặt trời Amaterasu rời khỏi hang động đang ẩn náu.
Izanagi: còn có tên gọi khác là Izanagi no Mikoto hay Izanagi no Okami, một trong mười hai vị thần thuộc thần thế thất đại trong thần thoại Nhật Bản, đồng thời là một trong hai vị thần được cho là tạo ra Nhật Bản trong Thần đạo.
Tengu (Thiên Cẩu): là một sinh vật huyền bí trong tín ngưỡng dân gian Nhật Bản, được coi là một vị thần trong Thần Đạo hoặc Yokai, nổi tiếng với năng lực chiến đấu.
Take Minakata: được tôn thờ như một vị thần của gió, nước và nông nghiệp trong thần thoại Nhật Bản đồng thời là người bảo trợ cho việc săn bắn và chiến tranh.
Phần tóm tắt trong trò chơi có đề cập đến câu chuyện dân gian liên quan đến các nhân vật, vì vậy quan tâm đến thần thoại Nhật Bản, người chơi có thể cảm thấy thích thú khi có thể tìm hiểu văn hóa ngay cả khi chơi game.
Cuộc sống ở trường trung học
Trong game Persona 5, khi ra khỏi cung điện, người chơi sẽ được trải nghiệm cuộc sống hàng ngày của một nam sinh trung học tại Học viện Shujin. Tại đó người chơi còn có thể tham gia vào các hoạt động ngoại khóa như câu lạc bộ thể thao.
Cốt truyện chính đầu tiên trong trò chơi xoay quanh Kamoshida, huấn luyện viên bóng chuyền của trường, người đã lạm dụng các cầu thủ của mình về thể chất và khiến cô gái tên Shiho nảy sinh ý định tự sát.
Mặc dù Shiho vẫn sống sót nhưng cô bị ám ảnh nghiêm trọng, trong khi nhà trường vẫn bao che cho huấn luyện viên vì đội bóng chuyền lập được thành tích vang dội và học sinh cũng không dám lên tiếng tố giác kẻ này. Cuối cùng, chính nhóm hiệp sĩ bóng đêm Phantom Thieves of Hearts đã buộc Kamoshida phải thừa nhận tội ác và chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Cốt truyện này được cho là phản ánh một phần góc khuất của cuộc sống học đường ở Nhật Bản và khiến người chơi liên tưởng tới câu chuyện năm 2012, huấn luyện viên bóng rổ Hajime Komura công tác tại trường Trung học công lập Sakuranomiya đã bạo hành khiến một học sinh tự sát.
Bối cảnh đường phố Nhật Bản chân thực
Thay vì xây dựng bối cảnh giả tưởng, Persona 5 đã đưa các địa điểm có thật ở Tokyo vào game. Mặc dù Persona 5 không được trang bị đồ họa xịn xò nhưng nhà sản xuất đã có cố gắng mô phỏng lại hầu hết chi tiết của các khu phố Aikihabara, Shibuya và đưa vào trò chơi.
Khu phố Yongenjaya nơi nhân vật chính sinh sống có lẽ cũng được lấy cảm hứng từ Sangenjaya, một trong những con phố lâu đời nhất quận Setegaya, Tokyo. Tên gọi “Yongenjaya” là một phép chơi chữ ăn theo “Sangenjaya” khi tên gọi của hai địa danh này đều có chứa con số (trong tiếng Nhật “yon” (四) là số 4 còn “san” (三) tức số 3.
Nữ thần Shogi
Trong Persona 5 có một nhân vật tên là Hifumi Togo, nữ sinh của trường trung học Kosei, người giữ danh hiệu vô địch trong Liên đoàn Shogi Nữ, được biết đến là “nữ thần Shogi”.
“将棋 – Shogi” là một loại cờ rất phổ biến ở Nhật Bản và thường được gọi là cờ tướng Nhật Bản. Loại cờ này có cách chơi tương đối giống cờ vua, nhưng thiên biến vạn hóa hơn nhờ vào luật “thả quân”: các quân bị bắt có thể được đưa lại vào bàn cờ như quân của người đã bắt. Cũng như cờ vua, nhiệm vụ của người chơi cờ Shogi là phải bắt được quân Vua của đối thủ.
Xem thêm: Những tựa game điện tử hấp dẫn nhất có bối cảnh Nhật Bản
kilala.vn
31/12/2022
Bài: Happy
Nguồn: Gaijinpot
Đăng nhập tài khoản để bình luận