Tội ngoại tình trong lịch sử Nhật Bản bị xử như thế nào?
Bikkaiho là một đạo luật được Mạc phủ Muromachi đề ra để xử tội những gian phu dâm phụ và kiểm soát tình trạng ngoại tình trong dân chúng.
Phán xử tội ngoại tình của người xưa
Từ thời Kamakura (1185-1333), chính quyền đã đưa ra hình phạt đối với những kẻ gian díu, có mối quan hệ hôn nhân ngoài luồng, được cho là vi phạm đạo đức và làm bại hoại thanh danh của gia tộc. Điều 34 của Goseibai-shikimoku (御成敗式目, quy tắc ứng xử dành cho samurai) nêu rõ rằng:
“Bất kể tội hiếp dâm hay ngoại tình, người phạm phải sẽ bị phạt mất một nửa shoryo (lãnh thổ) của mình và bị cấm tham gia vào công vụ của triều đình. Nếu phạm nhân không sở hữu shoryo thì phải chịu án Onru - bị đày ải đến hòn đảo xa xôi nhất”.
Tuy nhiên ở thời kỳ này, điều luật chỉ chủ yếu áp dụng với tầng lớp võ sĩ samurai và thường ít xét xử công khai, nhất là với quý tộc vì lo sợ ảnh hưởng đến danh tiếng, địa vị. Các vụ bê bối ngoại tình thường được “xử kín”.
Từ năm 1479, trong thời kỳ Chiến Quốc (1467 - 1615), Mạc phủ Muromachi đã sửa đổi điều luật và áp dụng nó đối với mọi người, kể cả dân thường. Luật này được gọi là Bikkaiho, trong đó quy định những án phạt dành cho kẻ ngoại tình.
Bikkaiho (密懐法) được hiểu là Luật kiểm soát ngoại tình, nó có nguồn gốc từ Bukeho (武家法) - một hệ thống luật pháp dành cho xã hội samurai và chính quyền quân sự. Luật được đưa ra sau một vụ án mà người chồng đã sát hại vợ và nhân tình của cô ta. Người này bị xử tội giết người và điều này đã gây ra bất bình trong dân chúng.
Cuối cùng, Mạc phủ Muromachi đã ban hành một phán quyết nhằm trấn an dư luận, cũng như thể hiện sự trừng phạt đối với tội ngoại tình. Đó là người chồng được quyền đoạt mạng đôi gian phu dâm phụ nếu phát hiện mối quan hệ bất chính ngay tại hiện trường, hay đưa ra bằng chứng cụ thể cho việc “vụng trộm” của họ. Tuy nhiên nếu đoạt mạng nhân tình thì cũng phải kết liễu cả người vợ, nếu tha mạng cho người vợ thì người chồng sẽ bị kết tội sát nhân.
Còn nếu người chồng phạm tội ngoại tình sẽ bị xử theo điều 34 của Goseibai-shikimoku. Nhưng trong thực tế thì việc chồng bị vợ trừng phạt là rất hiếm. Bên phía người vợ khi lên án phải thuộc tầng lớp quý tộc, gia đình có thế lực lớn và việc kiện tụng, xử tội chồng thường có liên quan đến việc tranh giành quyền lực chính trị.
Ngoài ra, Bikkaiho cũng được sửa đổi, thực thi theo quy định của mỗi gia tộc, lãnh chúa cai trị từng vùng đất.
Như luật Junkaishu của gia tộc Date tỉnh Oshu cho phép người chồng giết kẻ ngoại tình với vợ mình chỉ trong trường hợp bắt gian tại trận. Còn vợ anh ta có thể bị kết liễu chung hoặc được giữ lại tính mạng nếu trước đó đã sinh ra người thừa kế của gia tộc - tùy theo quyết định của người chồng. Người vợ có quyền sống nhưng sau phải chịu đựng sự khổ sở với những hình phạt hà khắc dày vò thể xác lẫn tinh thần từ phía nhà chồng.
Còn luật lệ của gia tộc Chosokabe, tỉnh Tosa thì chỉ rõ, nếu trong trường hợp người chồng không ra tay đoạt mạng nhân tình và vợ thì anh ta sẽ chịu chung số phận nhận án tử hình cùng họ.
Những luật lệ được ban hành để các gia tộc nghiêm cấm và phạt nặng đối với những ai dám phạm vào tội ngoại tình, đặc biệt là vợ của các samurai, quý tộc và lãnh chúa. Hình phạt nặng sẽ khiến những phu nhân không dám “tơ tưởng” có mối quan hệ với nam nhân khác.
Việc xử tội chết với những kẻ ngoại tình được áp dụng kéo dài suốt trong thời phong kiến (1185 – 1868) tại Nhật Bản.
Đến thời Edo (1603-1868), Mạc phủ Tokugawa ban hành điều luật quy định nữ giới nếu phạm tội phản bội, quan hệ bất chính với kẻ khác sẽ chịu sự trừng phạt nghiêm khắc nhất là tử hình.
Người chồng được quyền giết vợ và nhân tình của cô ta hoặc nếu không muốn ra tay thì có thể sai bảo thuộc hạ thực hiện. Ngoài ra nếu trong nhà ai có con gái vướng vào tội ngoại tình, quan hệ với đàn ông có vợ thì cũng bị xử giết. Người cha phải đích thân ra tay xử tử con gái để bảo vệ thanh danh cho gia đình.
Cũng có trường hợp người chồng là samurai lo sợ bị mất mặt khi tin vợ anh ta không chung thủy bị phơi bày trước bàn dân thiên hạ, thế nên nhiều võ sĩ đã không thực hiện việc “đoạt mạng trả thù tình” mà chấp nhận ly hôn vợ và nhận khoản bồi thường theo yêu cầu của cá nhân.
Những thay đổi từ thời Minh Trị
Từ thời Minh Trị (1868-1912) đến trước Thế chiến 2, ngoại tình được quy định là tội hình sự, áp dụng với phụ nữ đã có gia đình, nếu gian dâm với kẻ khác sẽ bị phạt tù từ sáu tháng đến hai năm. Với đàn ông đã có gia đình mà ngoại tình lại không bị xử phạt, không bị truy tố tội hình sự ngay cả khi anh ta có con và sống như vợ chồng với nhân tình.
Thời hậu chiến, Hiến pháp Nhật Bản có hiệu lực từ ngày 3 tháng 5 năm 1947 quy định bình đẳng giữa nam và nữ, tội ngoại tình không còn bị trừng phạt theo Luật Hình sự mà thuộc sự quản lý của Luật Dân sự.
Có thể thấy rằng khác với ngày nay, nước Nhật từ xa xưa xem việc ngoại tình là “đại tội”. Trong đó nữ giới thường chịu án phạt nặng nhất, bị tước đi mạng sống nếu phạm sai lầm.
Còn nam giới thường được bỏ qua tội này và xem như là thói “phong lưu đa tình”, kết nạp thêm thê thiếp, duy trì giống nòi cho gia tộc. Trường hợp bên nam bị xử tội thường là do bị bắt gặp quan hệ bất chính với vợ của võ sĩ, phu nhân của gia tộc khác và phải nhận lấy cái kết đẫm máu.
kilala.vn
Đăng nhập tài khoản để bình luận