Tháp Tokyo: biểu tượng của nước Nhật hiện đại
Tháp Tokyo với nhiệm vụ cải cách xã hội Nhật Bản
Tháp truyền hình Tokyo – Tokyo Tower (東京タワー) thiết kế bởi kiến trúc sư Tachu Naito và công ty kiến trúc Nikken Sekkei, được xây dựng ở quận Minato, Tokyo, Nhật Bản. Toà tháp được tạo ra vào thời kỳ nước Nhật bước vào công cuộc xây dựng, đổi mới sau thời kỳ hậu chiến để lại nhiều mất mát.
Khởi công xây dựng vào tháng 6 năm 1957 và khánh thành vào ngày 14 tháng 10 năm 1958, với tuổi đời hơn nửa thế kỷ, Tháp Tokyo đóng vai trò xuyên suốt quá trình chuyển mình đi lên và phát triển thịnh vượng của Nhật Bản.
Sau thất bại trước phe Đồng minh trong Thế chiến II, Nhật Bản đã cố gắng thoát khỏi cuộc chiến và bỏ lại sau lưng những cạnh tranh thắng bại, đặt mục tiêu tiến đến một Nhật Bản vững mạnh, hoà bình và hiện đại.
Một trong những yếu tốt mấu chốt của việc cải cách xã hội chính là mở rộng truyền thông đến với tất cả người dân, bắt đầu từ truyền hình vô tuyến, để người dân có cơ hội tiếp cận được nhiều thông tin một cách nhanh chóng hơn. Vì mục đích đó mà tháp truyền hình Tokyo được xây dựng.
Chưa dừng lại ở mục đích ban đầu của một tháp truyền hình, nhà đầu tư cho dự án này là Nippon Television City Corporation (NTCC) và kiến trúc sư chủ trì thiết kế Tachu Naito đã nắm lấy cơ hội tạo nên một bước ngoặt mới cho thủ đô của Nhật Bản – một biểu tượng của nước Nhật đang phát triển bằng cách lồng ghép thêm giá trị du lịch và văn hoá cho toà tháp.
Biểu tượng cho sự lãng mạn, sung túc và cho những ước mơ
Cuối năm 1958, Tháp Tokyo, được biết đến như là toà tháp độc lập cao nhất thế giới với chiều cao là 332,9m, cao hơn tháp Eiffel tới 13m, đã được hoàn thành và mở cửa cho khách tham quan. Cùng thời điểm đó, Nhật Bản bắt đầu bước vào thời kỳ phát triển thần kỳ của nền kinh tế. Vì thế, Tháp Tokyo trở thành biểu tượng của sự hồi sinh sau chiến tranh, đại diện cho một Nhật Bản đổi mới và đầy tham vọng.
Bởi những dấu ấn mà nền văn minh phương Tây đã để lại sau thời kỳ chiếm đóng của quân Đồng minh, chủ đầu tư của Tháp Tokyo, ông Maeda, mong muốn xây dựng một toà tháp trông giống như tháp Eiffel, biểu tượng của nước Pháp.
Tuy nhiên, mong muốn của ông và kiến trúc sư Naito không chỉ dừng lại ở một toà tháp truyền hình, họ còn muốn tạo ra một nơi vừa thu hút khách du lịch, vừa góp phần cho mỹ quan của thành phố bằng cách dựng lên một toa-bin để ngắm nhìn khung cảnh thành phố từ trên cao, thoả mãn tầm nhìn của du khách.
Những năm đầu, người ta không chú trọng thắp sáng toà tháp vào ban đêm, chỉ có những tối cuối tuần hoặc đêm trước kỳ nghỉ, bốn cột ở góc của tháp được chiếu sáng bằng 250 bóng đèn. Vì vậy người dân cũng không có nhiều cơ hội chiêm ngưỡng một khía cạnh khác, một vẻ đẹp hiện đại của Tháp Tokyo về đêm.
Năm 1964, trong Thế vận hội Tokyo, hệ thống chiếu sáng này đã được bật lên trong nhiều đêm liên tiếp và được người dân đón nhận nồng nhiệt. Hình ảnh toà tháp hiện lên trong khung cảnh Tokyo về đêm đã để lại trong mỗi người dân một ấn tượng mạnh mẽ khó quên. Kể từ đó, có nhiều bóng đèn được thắp lên hơn, và thêm nhiều đêm, toà tháp được chiếu sáng hơn.
Dần dần, người ta không biết từ khi nào mà Tháp Tokyo đã được xem như biểu tượng của sự lãng mạn và ước mơ trong mắt những người dân Nhật Bản, nhưng nó đã luôn tồn tại như thế cho đến ngày hôm nay.
Những ánh đèn trên Tháp Tokyo
Nhằm mục đích thu hút thêm nhiều khách du lịch đến với Tháp Tokyo, năm 1989, ngọn tháp đã được trang hoàng lại bằng 180 bóng đèn công suất lớn, với thiết kế hệ thống ánh sáng đặc biệt của nhà thiết kế Makoto Ishii. Theo đó, ánh đèn trắng được chiếu vào mùa hè và ánh đèn màu cam sẽ sáng vào những ngày còn lại trong năm.
Hệ thống ánh sáng này được gọi là Landmark Light, ngọn tháp trông như một ngọn đuốc khổng lồ, thắp sáng bầu trời Tokyo hoa lệ từ lúc hoàng hôn đến tận nửa đêm, đều đặn mỗi ngày trong năm.
Trong 50 năm đầu tiên, Tháp Tokyo đã trở thành nguồn cảm hứng và địa điểm du lịch không thể bỏ qua trong danh sách của du khách nội địa và quốc tế mỗi khi đến với đất nước Mặt trời mọc. Đây cũng là điểm tham quan điển hình của các lớp học về lịch sử, văn hoá quốc gia; là nơi được người dân Tokyo lựa chọn làm điểm đến vào những dịp đặc biệt.
Tham quan Tháp Tokyo như thế nào?
Tokyo Tower có 3 đài quan sát với các độ cao khác nhau. Đài quan sát lớn ở tầng 1 cao 145m, đài quan sát lớn ở tầng 2 cao 150m và đài quan sát cuối cùng nằm ở độ cao 250m. Tại đây, bạn có thể ngắm nhìn toàn cảnh thành phố, và vào những hôm trời nắng còn có thể trông thấy núi Phú Sĩ.
- Địa chỉ: 4-2-8 Shiba-koen, Minato, Tokyo.
- Mua vé: Bạn cần mua vé để tới đài quan sát nằm trên Tháp Tokyo. Chi tiết thông tin xem tại đây.
- Di chuyển: Bạn chỉ cần bắt taxi ở Tokyo để đến Tokyo Tower. Tuy nhiên, các bạn cần nói rõ là đi tới Tokyo Tower chứ không phải Tokyo Skytree nhé.
kilala.vn
01/03/2021
Bài: Phương Thanh
Ảnh bìa: japanrailpass.com.au
Đăng nhập tài khoản để bình luận